9 tháng 10 ngày khó quên...

Ngày 12/02/2014 15:07 PM (GMT+7)

Trong 9 tháng 10 ngày thai nghén, mẹ bầu sẽ có “dịp” trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ thú vị, ngạc nhiên… cho đến rất đáng… sợ.

Mang trong mình 1 sinh linh bé nhỏ luôn là khoảng thời gian đầy ý nghĩa và rất khó quên của chị em phụ nữ, nhất là với những người lần đầu làm mẹ. Bầu bí chỉ có hơn 9 tháng nhưng những trải nghiệm mà mẹ nhận được lại vô cùng phong phú, thú vị, thậm chí là rất dễ …sợ. Nếu đang chuẩn bị “lên chức” mẹ, bạn hãy thử tham khảo và so sánh xem mình có cùng trải qua các trải nghiệm bầu bì rất phổ biến này không nhé.

Bắt đầu đếm từng ngày…

Điều đầu tiên mà hầu hết mẹ bầu đều gặp phải, đặc biệt với những chị em bị ốm nghén nặng, hay nói cách khác là bị “thai hành”, là rất… hãi với việc mang thai. Chị Hoàng Mai (Bến Lức, Long An) than thở: “Thấy bạn bè có con mà ham, nhưng đến khi mình mang bầu thì chẳng thấy hào hứng chút nào nữa. Suốt 3 tháng đầu thai kỳ, em hầu như không ăn được món gì, cứ ăn vào là nôn ra. Trong người lúc nào cũng mệt mỏi, bơ phờ, chỉ mong cho chóng đến ngày sinh. Ngày nào em cũng lật lịch để bàn ra xem còn mấy ngày nữa là tới thời điểm dự sinh, đến nỗi ông xã phải giấu luôn cả quyển lịch vì sợ vợ bị … cuồng”. 

9 tháng 10 ngày khó quên... - 1

Với nhiều mẹ bầu, 280 ngày thai nghén là khoảng thời gian đầy… ngán ngẩm vì những thay đổi rất khó chịu của cơ thể, xúc cảm (hình minh họa)

Cùng cảm giác với chị Hoàng Mai là Thanh Tâm (Tân An, Long An). Với bà mẹ trẻ này, việc bầu bí không còn là một trải nghiệm thú vị nữa mà đã trở nên thật sự rất đáng sợ. Mẹ bầu 20 tuổi vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu mang thai, dù hiện nay chị đã đến được tháng thứ 9 của thai kỳ: “Vào mấy tuần thai đầu tiên, em luôn bị rơi vào trạng thái hồi hộp, căng thẳng. Đi đứng, ăn uống gì cũng sợ ảnh hưởng đến thai nhi, sợ bị sẩy thai. Đã vậy cả đêm còn không ngủ được vì phải thăm toilet liên tục, rồi ngực căng và đau nhức, hay bị hụt hơi, choáng váng và khó thở, thậm chí từng bị ngất và phải truyền dịch… Có nhiều lúc quá kiệt sức, em chỉ còn biết nhẩm đếm xem chừng nào là đến ngày sinh bé…”

Theo chuyên gia sản khoa Jane Monro, cảm giác mệt mỏi đến kiệt sức khi bầu bí là do “sự gia tăng của các hormone trong thai kỳ và những thay đổi đột ngột của cơ thể để nuôi dưỡng 1 mầm sống mới đang phát triển”. Chính vì vậy, thay vì hân hoan đếm từng ngày để chào đón  thành viên mới trong gia đình, nhiều mẹ bầu lại mong ngóng cho đến ngày sinh nở chỉ để thoát khỏi cảm giác nặng nề, khó ở đang đeo bám. Tâm trạng này có thể ảnh hưởng ngược lại mẹ bầu, và làm cho bạn càng thêm mệt mỏi. Vì vậy, thay vì đếm từng ngày dài thai nghén, bạn nên giúp mình thích nghi với những biến đổi khó chịu bằng việc thay chế độ ăn lành mạnh, cân đối, nghỉ ngơi, vận động hợp lý hơn v.v… 

Ốm nghén: không đơn giản như bạn nghĩ

Trước khi mang thai lần đầu, khi thấy những mẹ bầu xung quanh bị ốm nghén, có thể bạn sẽ bảo: “Chắc chị ấy/cô ấy đang làm nũng với chồng đây mà…”, nhưng rồi khi chính thức mang danh “bà bầu”, bạn sẽ thấy ốm nghén không còn đơn giản và dễ chịu đựng như bạn từng hình dung trước đó. Nôn, buồn nôn, chóng mặt, khó thở, nôn ói khi ăn, thậm chí khi ngửi thấy mùi thức ăn v.v… hành hạ bạn suốt ngày, thậm chí khiến cho nhiều mẹ bầu bị ám ảnh trước mỗi bữa ăn. 

9 tháng 10 ngày khó quên... - 2

Ốm nghén thường xuyên hành hạ mẹ bầu vào buổi sáng so với khoảng thời gian khác trong ngày (hình minh họa)

Tuy vậy, ốm nghén vẫn chưa ghê gớm và đáng lo nếu sau 3 tháng bạn vẫn còn tiếp tục… nghén. Có đến 20% mẹ bầu bị nghén trong suốt 9 tháng 10 ngày bầu bí thay vì chỉ bị ốm nghén hành hạ trong 3 tháng đầu như 80% chị em bị nghén bình thường. Cũng có những trường hợp bị nghén nặng có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Chị Hồng Hạnh (Q,Bình Tân, TP HCM) đã từng không may rơi vào nhóm các mẹ nghén nặng này. Tâm sự với các mẹ cùng cảnh ngộ trên diễn đàn dành cho mẹ bầu, chị Hạnh cho biết: “Dù đã sinh cu Kem được gần 1 năm, nhưng mỗi lần nghĩ lại thời mang bầu Kem là mình sợ chết khiếp. Từng là người dễ ăn, dễ nuôi, không hiểu sao khi vừa cấn bầu Kem, mình đã bị kén ăn, đến nỗi suốt ngày chẳng bỏ được món gì vào bụng. Cứ ăn gì là sau đó vài phút lại nôn ra, đến cả sữa là món mình khá “hảo” mà vẫn không thể nào uống được. 3 tháng liên tục ăn rồi nôn, nôn rồi lại ăn làm mình kiệt sức luôn. Sợ nhất là sáng ra vừa chuẩn bị đi làm thì hoa mắt, chóng mặt rồi ngất. Mai mà ông xã đứng kế bên đỡ kịp, đưa đi cấp cứu và truyền dịch. Mình chỉ hết nghén vào những ngày gần cuối thai kỳ. Nhưng hên là trước khi mang thai mình ăn uống đa dạng, người lại tròn trịa nên cu Kem sinh ra được 2,8 kg, vì trong cả 9 tháng bầu bí mà mình tăng được mỗi 7kg…”. 

Nếu không may rơi vào nhóm mẹ bầu nghén nặng, chị em cần lưu ý chăm sóc sức khỏe tốt hơn, vì nghén nặng có thể làm cho cơ thể thiếu nước và chất dinh dưỡng. Nếu nghén kéo dài có thể bị thiếu 2 loại vitamin quan trọng là Thiamin có thể gây biến chứng về mắt, và vitamin K ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Mẹ bầu cũng cần phân biệt giữa nghén thường là có cảm giác buồn nôn, nôn, nhưng những lúc khác vẫn ăn được, so với nghén nặng khiến cơ thể thiếu nước, dưỡng chất do nôn ói liên tục, đến mức không dung nạp được thức ăn, để có cách xử lý kịp thời. 

Thay đổi cảm xúc chóng mặt

Trong suốt thời kỳ thai nghén, có thể mẹ bầu sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra suy nghĩ, cảm xúc của mình thay đổi chóng mặt và đầy mâu thuẫn. Mới trước vài phút, có thể bạn thấy mình thật yêu đời, đầy phấn khích và đang hâm hở dự định dọn dẹp lại phòng ốc cho bé, rồi ngay sau đó lại thấy mệt mỏi, chán nản chẳng thiết làm gì ngoài việc nằm thở dốc. Cũng có khi bạn rất hăng hái, yêu đời rồi sau chừng vài phút lại nổi nóng đùng đùng vì câu nói hơi thiếu ý tứ của mọi người xung quanh v.v…

Việc cảm xúc bị dao động giữa 2 trạng thái tích cực và tiêu cực liên tục trong ngày có thể làm cho mẹ bầu hoang mang, đơn cử như trường hợp của Mai Hương (Q12, Tp Hcm). Tâm sự với các mẹ bầu trên diễn đàn dành cho mẹ và bé, Mai Hương cho biết có những lúc chị tưởng thần kinh mình có… vấn đề, vì vừa mới cười đùa vui vẻ đó, lát sau chị đã khóc lóc, giận hờn ông xã vì những chuyện không đâu…

9 tháng 10 ngày khó quên... - 3

Với mẹ bầu, chuyện thay đổi cảm xúc chóng mặt là chuyện … nhỏ, vì vậy bạn cũng đừng quá lo lắng (hình minh họa)

Nếu bầu bí mà gặp phải cảm xúc “sáng nắng chiều mưa” như Mai Hương, bạn cũng đừng lo lắng quá, vì đây là những thay đổi hoàn toàn bình thường với hầu hết chị em thai phụ. Nguyên nhân là do nội tiết tố trong cơ thể bạn bị thay đổi đột ngột khi mang thai, tác động đến tâm lý, xúc cảm, và sẽ dần hết đi sau khi bạn sinh bé. Do đó, thay vì lo âu, buồn bã, bạn nên bắt tay xây dựng 1 cuộc sống lành mạnh, tránh xa các chất kích thích, các hoạt động mạnh, tăng cường tập thể dục nhẹ nhàng, Yoga hay thiền, cũng như chia sẻ những lo âu mà bạn đang ôm trong lòng với gia đình, bạn bè v.v… 

Bỗng dưng … buôn dưa lê rất giỏi

Có thể đến khi mang bầu, bạn mới chợt nhận ra mình rất có năng khiếu… “tám” hay còn gọi là “buôn dưa lê”… Bạn có thể dễ dàng kết thân với hầu hết mẹ bầu và cả những bà mẹ trẻ trong xóm, trong công ty mà trước giờ rất ít khi bạn quan tâm trò chuyện. Cũng có thể bạn sẽ lân la lên các diễn đàn làm mẹ, sau đó “túc trực” và trở thành thành viên năng động trên các diễn đàn này để có thể tha hồ chia sẻ kinh nghiệm, lẫn nhờ chị em đi trước tư vấn về những gì bạn đang rất băn khoăn khi bầu bí. Bàn luận về việc ăn gì, uống gì, nghén ngẩm ra sao v.v… và nhất là về bé yêu tương lai của bạn trông thế nào luôn là đề tài hấp dẫn các mẹ bầu. 

Nếu bạn cũng nằm trong số những mẹ bầu này, đừng e ngại sợ bị gọi là “bà Tám” nhé, vì việc trò chuyện, chia sẻ những cảm giác phấn khích, lẫn lo lắng, sợ hãi v.v…khi mang thai sẽ giúp tâm lý bạn bớt căng thẳng, lo âu, từ đó tránh được stress trong thai kỳ. Tuy nhiên, giữa rất nhiều kiến thức thu thập được, bạn cần tỉnh táo chọn lọc để không bị “sa lầy” trong những lời khuyên hay kinh nghiệm không khoa học vẫn còn phổ biến ở các mẹ, các chị hiện nay như mẹ cần phải ăn thật nhiều vì đây là giai đoạn “ăn cho 2 người”, mẹ ăn ốc sẽ sinh con bị chảy nhiều nước dãi, ăn thịt thỏ con bị sứt môi, ăn ớt giúp bé sinh ra có môi đỏ hồng v.v…

Chẳng thể nghỉ ngơi, dù rất muốn

9 tháng 10 ngày khó quên... - 4

“Bản năng làm tổ” vào những ngày cuối thai kỳ có thể làm cho mẹ kiệt sức vì khó được nghỉ ngơi, thư giãn (hình minh họa)

Càng về cuối thai kỳ, bạn càng dễ nhận ra việc ngủ hay tranh thủ nằm nghỉ ngơi thật sự rất khó khăn, dù bạn đã mỏi nhừ tay chân hay quá mệt nhọc vì bụng bầu bắt đầu “vượt mặt”. Và vì vậy, cảm giác mong ngóng đến ngày lên bàn sinh lại có dịp quay về làm cho bạn lúc nào cũng trong tâm trạng căng thẳng, lo lắng. Chưa kể, gần đến ngày chuyển dạ, “bản năng làm tổ” sẽ hối thúc bạn quay cuồng trong việc chuẩn bị hành trang đi đẻ, dọn dẹp phòng cho bé v.v… Đây chính là “thủ phạm” có thể rút kiệt nguồn năng lượng của bạn, và càng làm cho bạn thêm mệt mỏi.

Chị Thu Hương (Bến Cát, Bình Dương) than thở với các mẹ trên diễn đàn dành cho chị em bầu bí như sau: “Từ hồi mang thai đến nay, em tăng đến 21kg rồi các mẹ ạ. Giờ em đang được 37 tuần thai mà cơ thể đã quá nặng nề, đi thì lạch bạch, thở thì phì phò luôn. Chắc tăng cân nhiều quá nên em chẳng muốn làm gì cả. Vậy mà có cố nằm nghỉ ngơi lại không được, đêm thì khó ngủ nên chẳng được mấy giấc, còn ngày thì xoay trở cỡ nào cũng không thể ngủ. Người em cứ lơ mơ và mệt mỏi làm sao ấy. Chỉ mong cho chóng đến ngày đi đẻ…”. 

Khi rơi vào tình trạng này, mẹ bầu hãy cố gắng dẹp bớt lo âu, căng thẳng bằng các hoạt động giải trí nhẹ nhàng như nghe nhạc, đọc sách báo… Ngoài ra, rủ ông xã hay bạn bè đi dạo giữa thiên nhiên trong lành, cho phép mình nằm dài thư giãn và mường tượng về bé yêu… cũng là cách hay để cơ thể và tâm trí bạn được thư giãn, tích lũy năng lượng chuẩn bị cho hành trình vượt cạn vất vả sắp đến.

Thùy Miêng (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu