Chỉ những bà mẹ đang mang thai mới hiểu được tâm trạng mong chờ đến ngày dự sinh là hồi hộp như thế nào. Ngay cả những người nổi tiếng trong Showbiz Việt như Á hậu Hoàng My cũng không giấu được cảm giác lo lắng khi đã quá 3 ngày dự sinh rồi nhưng vẫn chưa thấy con yêu chào đời.
Chia sẻ tâm trạng này lên trên trang cá nhân của mình, Hoàng My cho biết: "Mình vẫn đang có bầu nè. Đã chờ được 9 tháng 10 ngày, giờ chờ thêm có vài ngày mà sao thấy như ngồi trên đống lửa. Trễ 3 ngày rồi đó bé iu”.
Đoạn chia sẻ của nàng hậu đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm và động viên từ bạn bè. Nhiều người khuyên cô nên bình tĩnh chờ đợi vì bản thân họ cũng đã trải qua tình huống tương tự, tuy nhiên cũng không ít người quen khuyên cô nên đến bệnh viện chứ không nên ở nhà chờ đợi.
Được biết để mang thai đứa con đầu lòng năm 36 tuổi, Á hậu Hoàng My đã phải chấp nhận rủi ro sức khoẻ bản thân khi có túi nước lớn trong ổ bụng vì khát khao làm mẹ. Trước đó vào ngày 1/4, Á hậu Hoàng My cũng chia sẻ cảm giác mong đợi chuyển dạ từng ngày: "Chưa có dấu hiệu gì bé của tui muốn chui ra ngày mai cả. Con đang muốn đùa với mẹ đó phải không. Giờ phải lang thang xuống đường đi bộ".
Trên thực tế việc trễ ngày dự sinh là trường hợp không phải quá lạ đối với nhiều bà bầu nhưng không thể phủ nhận rằng nó mang đến nhiều lo lắng và căng thẳng cho các bà mẹ. Sự chờ đợi trở thành một thử thách tâm lý, đặc biệt khi mẹ bầu quan tâm đến sự an toàn và sức khỏe của cả mình và con trong bụng.
Thai quá ngày dự sinh hay còn được gọi theo cách dân gian là “chửa trâu” là hiện tượng mang thai mà khi đã quá ngày dự tính sinh mà em bé vẫn chưa được sinh ra. Theo y học, những trường hợp thai quá ngày dự sinh là khi thai kỳ đã kéo dài quá 42 tuần tính từ ngày đầu tiên trong chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Trên tổng số ca mang thai có 12% trong số các sản phụ được chẩn đoán là thai quá ngày dự sinh. Tuy nhiên chỉ có 4% trong số đó là thai quá ngày dự sinh thật sự còn lại là do những nhầm lẫn trong việc tính vòng kinh.
Mặc dù vậy, có một thông tin vui đến các mẹ bầu đang chờ đợi con yêu chào đời là trễ ngày dự sinh không ảnh hưởng trực tiếp đến thai kỳ nếu được bác sĩ theo dõi sát sao. Tuy nhiên trong một số trường hợp, khi đã bước qua tuần thứ 41, nước ối trong bào thai sẽ bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. Lúc này, các chức năng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng của nhau thai và dây rốn cũng bắt đầu suy giảm sẽ ảnh hưởng đối với thai nhi như:
- Tăng nguy cơ đẻ mổ do thai quá ngày dự sinh thường có trọng lượng thai lớn hơn thai đúng ngày dự sinh.
- Gần đến ngày dự sinh nước ối sẽ cạn dần, lúc này nếu chưa chuyển dạ sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp tim của bé, dây rốn bị chèn ép có thể khiến trẻ bị thiếu oxy, nguy hiểm đến tính mạng trẻ, thậm chí là suy thai.
- Bé có thể nuốt phải phân su lẫn trong nước ối, từ đó gây ra các vấn đề về hô hấp sau khi sinh.
- Bé bị suy dinh dưỡng, da nhăn nheo, sức đề kháng kém, thậm chí thai có thể chết lưu nếu đến ngày sinh mà chưa co dấu hiệu chuyển dạ.
Vậy mẹ bầu nên làm gì khi bị trễ ngày dự sinh:
- Liên lạc với bác sĩ: Mẹ bầu cần giữ liên lạc với bác sĩ để thông báo về tình trạng trễ ngày dự sinh của mình. Bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, và nếu cần thiết họ sẽ đưa ra quyết định về việc can thiệp hoặc giúp quá trình chuyển dạ.
- Theo dõi cử động của bé: Điều quan trọng nhất trong thời gian bị trễ ngày dự sinh là mẹ theo dõi cử động của bé và ghi lại những cú đá, cử động. Nếu mẹ bầu thấy giảm sự cử động hoặc không cảm nhận được cử động của bé, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
- Thư giãn và nghỉ ngơi: Hãy tìm cách thư giãn và nghỉ ngơi trong thời gian chờ đợi. Mẹ bầu có thể thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách, xem phim, nghe nhạc hoặc thực hiện các bài tập thư giãn.
- Chăm sóc cơ thể: Hãy chăm sóc cơ thể bằng cách tắm nước ấm, massage nhẹ nhàng, điều này giúp giảm căng thẳng và thoải mái trong những ngày cuối thai kỳ.
- Hỗ trợ tâm lý: Hãy luôn chia sẻ những lo lắng và cảm xúc với người thân xung quanh trong thời gian này.
- Theo dõi dấu hiệu và triệu chứng: Theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của quá trình chuyển dạ, chẳng hạn như các cơn co tử cung, hoặc dấu hiệu rò rỉ nước ối. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
- Lên kế hoạch dự phòng: Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ bất ngờ bằng cách lên kế hoạch di chuyển đến bệnh viện hoặc liên hệ với người thân để có sự hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.