Bà bầu bị phù chân khi nào cần đi gặp bác sĩ?

Ngày 18/07/2019 16:04 PM (GMT+7)

Do lượng máu cũng như chất lỏng tăng lên trong thai kỳ gây ra hiện tượng bà bầu bị phù chân.

Bà bầu bị phù chân khi nào cần đi gặp bác sĩ? - 1

Tác giả bài viết: ThS. Bs CK II Nguyễn Công Định -  Phó Giám đốc Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội (Cơ sở II)

Bà bầu bị phù chân khi nào cần đi gặp bác sĩ? - 2

Ths. BS CKII Nguyễn Công Định - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhiều nhất vẫn là 3 tháng cuối thai kỳ do trọng lượng thai nhi ngày càng to, chiếm một thể tích lớn trong khoang bụng người mẹ, tạo sức ép lớn lên tĩnh mạch dưới khiến máu khó lưu thông.

Phù chân tác động đến sinh hoạt hằng ngày của bà bầu, gây những khó khăn trong việc đi đứng. Phù chân kéo dài có thể có nguy cơ dẫn đến tiền sản giật. Chính vì vậy, các mẹ bầu cần thăm khám để bác sĩ loại trừ những bệnh lý thai kỳ.

Nguyên nhân khiến bà bầu bị phù chân

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bà bầu phù chân khi mang thai.

- Do chất lòng tích tụ trong cơ thể khiến bà bầu bị phù chân.

- Theo tuổi thai, tử cung lớn dần tạo áp lực lên các tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ. Dòng máu ở chân lưu thông chậm tạo ra ra hiện tượng ứ đọng. Điều này buộc chất lỏng từ tĩnh mạch xâm nhập vào các mô của bàn chân và mắt cá chân gây nên các triệu chứng chân nặng, sưng phù hoặc chuột rút.

- Với những trường hợp mang đa thai hoặc bào thai quá nhiều nước ối có thể gây phù chân nặng, đặc biệt là vào thời tiết nắng nóng.

Bà bầu bị phù chân khi nào cần đi gặp bác sĩ? - 3

Phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Ảnh minh họa

Bà bầu bị phù chân có phải đi gặp bác sĩ?

Phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường, có thể gặp ở hầu hết phụ nữ khi mang thai. Nhưng nếu nghỉ ngơi tình trạng phù chân vẫn không thuyên giảm hoặc sau sinh mà mẹ vẫn không hết phù chân, các mẹ nên đến bác sĩ để được thăm khám cụ thể.

Hãy đến gặp bác sĩ sản khoa ngay nếu bà bầu nhận thấy những dấu hiệu bất thường sau:

- Phù chân dài ngày, dù bà bầu đã nghỉ ngơi nhưng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm

- Tay và mặt cũng bị phù

- Dấu hiệu sưng, phù tăng dần, lớn hơn so với ban đầu

- Đau đầu nặng

- Có vấn đề về thị giác như nhìn lờ mờ

- Đau dữ dội ngay dưới xương sườn

- Nôn với bất kỳ triệu chứng nào

Những dấu hiệu kể trên cảnh báo các nguy cơ bệnh lý thai kỳ nguy hiểm như tiền sản giật, huyết áp tăng cao trong thai kỳ. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây ra chứng co giật gây biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Để hạn chế và sớm phát hiện tiền sản giật, mẹ bầu phải thường xuyên theo dõi huyết áp mẹ và nhịp tim thai nhi.

Bà bầu bị phù chân khi nào cần đi gặp bác sĩ? - 4

Sưng phù bàn chân và mắt cá chân là hiện tượng phổ biến khi mang thai và sẽ mất đi sau khi sinh con. Ảnh minh họa

Giải pháp nhằm giảm phù chân khi mang thai

Sưng phù bàn chân và mắt cá chân là hiện tượng phổ biến khi mang thai và sẽ mất đi sau khi sinh con. Tuy nhiên nó khiến bà bầu không thoải mái và bất tiện trong sinh hoạt. Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bà bầu giảm bớt tình trạng phù chân trong quá trình mang thai.

- Hạn chế đứng quá lâu mà không di chuyển. Khi ngồi nên duỗi thẳng chân, không vắt chéo chân vì sẽ khiến máu khó lưu thông. Khi nằm nên kê cao chân bằng gối.

- Thường xuyên mát xa, tập thể dục bàn chân. Bà bầu có thể thực hiện các động tác thể dục chân khi đứng hoặc ngồi, sẽ giúp cải thiện sự lưu thông máu, giảm phù nề chân, ngăn ngừa chuột rút ở bắp chân: uốn cong, duỗi chân lên xuống 30 lần, xoay chân theo hình tròn 8 lần theo một chiều và 8 lần theo chiều ngược lại.

- Nằm nghiêng bên trái khi ngủ. Đây là cách giúp giảm áp lực từ tĩnh mạch chủ khi đưa máu từ thân dưới về tim (nằm nghiêng bên trái giúp tử cung không chèn vào các tĩnh mạch ở khung chậu).

- Mang giày dép thoải mái (tránh mang những đôi giày có quai chật, giày cao gót).

- Không mặc quần áo bó sát vì sẽ hạn chế khả năng lưu thông máu.

- Hạn chế đeo tất, nhất là những loại tất có dây buộc chặt ở mắt cá chân, bắp chân. Nên sử dụng loại tất dành riêng cho bà bầu.

- Tập thể dục thường xuyên, vận động nhẹ nhàng, vừa phải bằng cách đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga sẽ giúp máu dễ dàng lưu thông.

- Đứng hoặc đi bộ trong hồ bơi. Đây là phương pháp sử dụng áp lực của nước giúp giảm sưng tạm thời.

- Nên uống nhiều nước, điều này nghe có vẻ kỳ quặc, tuy nhiên nếu cơ thể bà bầu bị mất nước, nó sẽ cố gắng để giữ được nhiều chất lỏng hơn, dẫn đến tình trạng sưng phù nặng hơn. Phụ nữ mang thai được khuyên nên uống 10 cốc nước mỗi ngày (tương ứng 2,4 lít nước)

- Ngâm chân 10-15 phút trong nước ấm trước khi ngủ sẽ giúp cơ thể cảm thấy thư giãn, tuần hoàn máu được tốt hơn, giảm sưng phù.

- Cố gắng giữ mát cho cơ thể trong điều kiện thời tiết oi bức.

- Hạn chế ăn mặn, giảm bớt lượng muối trong khẩu phần ăn.

- Nếu nguyên nhân gây sưng phù là do thiếu Kali thì hãy nhanh chóng bổ sung trong khẩu phần ăn bằng những thực phẩm giàu kali như cải bó xôi, nước cam, dưa hấu, chuối, sữa chua, các sản phẩm từ đậu nành.

- Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, thịt hộp, vì trong những thực phẩm này có chứa nhiều chất béo chuyển hóa, đây cũng là yếu tố dễ gây phù nề.

- Giảm sử dụng cafein. Cafein trong cà phê, trà có xu hướng gây giữ nước.

- Nên tuân thủ theo một chế độ ăn uống cân bằng và khoa học. Đó là hãy ăn nhiều loại thực phẩm có chứa nhiều protein như đậu lăng, các sản phẩm từ sữa. Ăn nhiều rau xanh như cải bắp, đậu lăng, rau bina. Ngoài ra cần bổ sung các loại trái cây như táo, đu đủ và ổi. Khuyến khích ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin, canxi, và kẽm. Nên ăn những loại thực phẩm giàu vitamin E như rau bina, dầu quả hạnh, khoai lang, hạt hướng dương….

- Tập thể dục đều đặn, các bài tập thở, đi bộ hay bơi lội, thực hiện các động tác massage cho đôi bàn chân như xoay bàn chân cũng rất hữu ích, nó không chỉ giúp thai phụ khắc phục tình trạng đôi bàn chân bị phù nề mà còn giúp các bà bầu dễ dàng vượt cạn về sau.

Bà bầu bị chuột rút - Bác sĩ phụ khoa bày cách khắc phục
Bác sĩ Chuyên khoa II Hồ Cao Cường chia sẻ, hiện tượng chuột rút thường là hậu quả của cả 1 quá trình thay đổi sinh lý khi có thai, xảy ra khi con của...

Chuột rút - phù nề khi mang thai

Ths. BS CKII Nguyễn Công Định - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuột rút - phù nề khi mang thai