Bà bầu cẩn trọng với thuốc diệt côn trùng

Ngày 24/03/2013 00:05 AM (GMT+7)

Yếu tố môi trường ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Tùy vào thói quen và công việc hằng ngày mà bạn có thể phải tiếp xúc với mọi dạng chất độc. Chúng có thể được truyền vào cơ thể qua da, thực phẩm hàng ngày, thậm chí qua cả không khí bạn đang hít phải.

Chính vì vậy, trong những đợt khám sức khỏe thường kỳ, bạn nên bàn trước với bác sĩ về môi trường xung quanh mình để tìm ra những giải pháp an toàn cho bản thân lẫn em bé trong bụng.

Tia bức xạ

Bức xạ là một loại năng lượng di chuyển trong không khí và có thể đính vào bụi, hột hoặc chất lỏng. Thông thường, các hạt bức xạ tự nhiên (như năng lượng mặt trời) và bức xạ do con người (như tia X quang hay lò vi sóng) thì không nguy hại.

Nhưng tia bức xạ đến từ lò năng lượng hạt nhân thì khác. Chúng cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn dị tật trẻ sơ sinh, kiếm khuyết não và cả ung thư.

Một trong những ví dụ cụ thể mà ai cũng biết là vụ nổ hạt nhân tại Nhật Bản vào năm 2011. Sự kiện này đương nhiên gây lo ngại cho tất cả mọi người, nhưng đối với các bà bầu còn hơn cả vậy.

Chị M. Tâm, một du học sinh lâu năm tại Tokyo, cho biết: “Vụ nổ hạt nhân xảy ra khi mình đang mang bầu ở tháng thứ 2. Khi đó cả bầu không khí lo sợ bao trùm khắp cả nước Nhật và mình phải hoãn khóa học thạc sĩ cấp tốc để trở về Việt Nam, bỏ dở tất cả”.

Tiếp xúc với lượng lớn bức xạ hằng ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai phụ. Khi bắt gặp những triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và sốt cao hoặc kiệt sức, rụng tóc và đi tiêu ra máu thì bạn nên tìm đến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bản thân trong giai đoạn này.

Bà bầu cẩn trọng với thuốc diệt côn trùng - 1
Yếu tố môi trường ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. (ảnh minh họa)

Độc chì

Chì được khuyến cáo hạn chế trong mọi sản phẩm tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, bạn không thể thấy, ngửi hay cảm nhận được chì trong đồ dùng. Điều này khá nguy hiểm vì chúng có thể gây sẩy thai, nhẹ hơn thì sinh non, sinh con thiếu ký và chậm phát triển.

Mặc dù rất ít khả năng bạn phải tiếp xúc với độc chì nếu môi trường xung quanh bạn được đảm bảo vệ sinh an toàn nhưng trong vài trường hợp có thể bạn vẫn luôn chung sống với nó mà không biết đấy.

Độc chì trong sơn tường: Nếu nhà của bạn có từ thời ông bà thì khả năng bạn tiếp xúc với chì là rất cao vì thành phần của sơn cũ có chứa chất hóa học này. Tường nhà bị tróc bể có thể dẫn đến tình trạng chì nhiễm vào bụi bẩn gây ô nhiễm không khí bạn hít phải.

Vì vậy, điều nên làm bây giờ là hỏi kỹ sư về sơn nhà bạn và nên thay lớp sơn mới nếu cần. Đừng quên đi kiểm tra lượng chì trong máu nếu bạn lo ngại về độ an toàn trong môi trường mình sinh sống.

Độc chì trong nước: Nước giếng hoặc những nguồn nước không đảm bảo khác rất có khả năng bị nhiễm chì. Đừng vội chủ quan bạn vẫn đun nước sôi để uống nước, vì chì không biến mất ở nhiệt độ cao đâu.

Bạn có thể giải quyết bằng cách liên hệ với sở y tế địa phương hoặc nhà cung cấp nước để kiểm tra độ an toàn của vòi dẫn. Chỉ dùng vòi nước lạnh để uống, nấu ăn và để nước chảy từ 15 – 30 giây trước khi sử dụng nếu bạn không mở vòi trong nhiều giờ liền. Ngoài ra, bạn có thể mua bộ lọc nước có tác dụng ngăn chì để sử dụng.

Thuốc diệt côn trùng

Đây là hóa chất không chỉ gây nguy hại cho bà bầu mà còn với tất cả những ai tiếp xúc nhiều với nó. Trong trường hợp bị nhiễm độc nặng, bạn có thể bị sẩy thai, sinh non, sinh thiếu cân, sinh dị thai… Đặc biệt những ai sống cạnh các thửa ruộng hoặc vườn cây phải hạn chế tiếp xúc với thuốc trừ sâu suốt thai kỳ.

Nếu buộc phải dùng thuốc chuột hay ruồi, hãy nhờ người khác làm và chọn những sản phẩm chất lượng. Che đậy đồ ăn và các vật dụng trước khi xịt thuốc và mở cửa sổ thông thoáng sau khi sử dụng.

Ngoài ra, bạn có thể tìm những sản phẩm an toàn cho cơ thể để chống côn trùng. Đừng xem thường những điều này vì một vài loại côn trùng có khả năng gây nhiễm trùng cho thai nhi lẫn thai phụ. Những sản phẩm bôi da hoặc quần áo này thông thường an toàn trong thai kỳ, chỉ cần bạn làm theo hướng dẫn của sản phẩm.

Nơi bạn sống có thật sự an toàn?

Không chỉ bức xạ, chì và thuốc diệt sâu bọ, còn rất nhiều chất độc khác bà bầu cần tránh tiếp xúc, như thạch tín, dung môi, thủy ngân… Bạn có thể đề nghị sếp giao cho bạn các công việc ít nguy hiểm hơn và hạn chế tiếp xúc hóa chất.

Ngoài ra, hãy xây dựng môi trường làm việc thông thoáng, sạch sẽ, sử dụng găng tay hoặc khẩu trang khi làm việc nếu cần và phải tắm rửa sạch sẽ khi về nhà. Khi mua những sản phẩm chứa hóa chất như chất cọ rửa, tẩy quần áo, cần phải chú ý thành phần và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
Theo Mi Phương (Mẹ yêu bé)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu