Cẩn trọng dấu hiệu nguy hiểm khi bầu bí

Ngày 20/03/2013 19:00 PM (GMT+7)

Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu này, chị em cần đi khám để bé được an toàn.

Suốt 9 tháng 10 ngày mang thai có thể sẽ không ‘xuôi dòng bén dọt’ như các mẹ nghĩ. Bạn có thể gặp những triệu chứng này nọ nhưng cần biết cách phân biệt xem đâu là dấu hiệu bình thường, đâu là triệu chứng cần đến bác sĩ khám ngay.

Dưới đây là những triệu chứng nguy hiểm, chị em bầu cần đặc biệt chú ý:

Chảy máu âm đạo

Cứ 4 phụ nữ mang bầu thì có 1 phụ nữ có thể bị chảy máu âm đạo tại một số thời điểm khi mang thai. Nó có thể không nghiêm trọng nhưng cũng có thể là một dấu hiệu của sự sẩy thai, mang thai ngoài dạ con hoặc có vấn đề với nhau thai. Đi thăm khám bác sỹ sớm để tìm ra nguyên nhân nếu bạn bị chảy máu âm đạo với bất kỳ dấu hiệu sau đây:

- Chảy rất nhiều máu
- Đau bụng nặng
- Ngất xỉu
- Em bé của bạn chuyển động ít hơn hoặc đột ngột chuyển động dồn dập

Cẩn trọng dấu hiệu nguy hiểm khi bầu bí - 1
Cứ 4 phụ nữ mang bầu thì có 1 phụ nữ có thể bị chảy máu âm đạo
tại một số thời điểm khi mang thai. (ảnh minh họa)

Vỡ ối và đau co thắt

Nếu chị em đang mang thai ở gần cuối  thai kỳ, hiện tượng vỡ nước ối có thể là dấu hiệu của việc sinh nở và cần đến ngay bệnh viện. Tuy nhiên nếu bạn thấy vùng kín ra quá nhiều nước, trong khi bạn vẫn chưa gần tới ngày sinh (chưa qua 37 tuần) thì cũng phải đi khám ngay. Rất có thể túi ối vỡ và bạn đang chuyển dạ sinh non.

Các cơn đau co thắt nếu xuất hiện quá sớm cũng là dấu hiệu thai phụ sẽ sinh non. Nếu bạn đột nhiên cảm thấy bụng đau co thắt, khi bạn đang mang bầu trong tuấn 24 đến 36 thì cần được sự tư vấn và thăm khoa của bác sĩ chuyên khoa.

Hoa mắt, chóng mặt

Đây có thể là dấu hiệu thường gặp trong 3 tháng đầu mang thai do chứng ốm nghén nhưng nó cũng có thể là triệu chứng của bệnh huyết áp thấp thai kỳ. Hãy đến thăm khám bác sĩ nếu hiện tượng này xảy ra thường xuyên.

Thai nhi đạp kém hoặc không chuyển động

Nếu mẹ bầu không thấy em bé có các chuyển động trong một vài giờ thì chưa cần phải gọi ngay cho bác sĩ. Lúc này, chị em có thể uống một ly nước ép trái cây (đường có trong nước trái cây sẽ làm tăng lượng đường trong máu của bé, khiến bé hoạt động trở lại). Sau đó, mẹ bầu nên nằm nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh trong khoảng nửa giờ.

Nếu thời gian thai nhi “im lặng” quá lâu thì tốt nhất bạn nên đi kiểm tra. Các bác sĩ cho rằng, thông thường sẽ không có gì quá nghiêm trọng xảy ra nhưng việc siêu âm để kiểm tra sẽ giúp chúng ta biết rõ tình hình và an tâm hơn.

Cẩn trọng dấu hiệu nguy hiểm khi bầu bí - 2
Nếu thời gian thai nhi “im lặng” quá lâu thì tốt nhất bạn nên đi kiểm tra. (ảnh minh họa)

Sưng, phù chân tay

Sưng phù mắt cá chân là hiện tượng khá phổ biến trong những thai cuối thai kỳ do áp lực bụng bầu dồn lên đôi chân. Hiện tượng này sẽ trở nên nguy hiểm nếu bạn bị sưng phù nghiêm trọng ở cả tay, chân và quanh bọng mắt. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để kiếm soát được nguy cơ bệnh có thể xảy ra.

Đau nhức đầu thường xuyên

Đây có thể là một triệu chứng của tiền sản giật. Hoặc nó cũng có thể là do sự thay đổi về hormon, tăng tuần hoàn máu hoặc các nguyên nhân khác. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị nhức đầu thường xuyên khi mang bầu. Đặc biệt phải đến ngay phòng cấp cứu nếu bạn bị nhức đầu trầm trọng kèm theo buồn nôn hoặc ói mửa.

Đau buốt khi đi tiểu

Nếu có bất cứ cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu, nước tiểu đổi màu hoặc số lần đi tiểu tăng giảm bất thường bạn cần đi khám bác sĩ. Trong những trường hợp này, có thể bạn đã bị nhiễm trùng đường tiểu, mất nước hoặc vấn đề gì đó nguy hiểm.

Cẩn trọng dấu hiệu nguy hiểm khi bầu bí - 3
Khi có dấu hiệu nguy hiểm, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ
chuyên khoa ngay. (ảnh minh họa)

Nghén quá nặng

Hầu hết các trường hợp ốm nghén đều gây ra sự khó chịu, mệt mỏi cho thai phụ. Tuy nhiên nó không có hại và chỉ diễn ra trong thời kỳ đầu mang thai và biến mất. Bên cạnh đó, cũng có một số thai phụ ốm nghén quá nặng. Triệu chứng là thường xuyên nôn ói, rất ít đi tiểu và không đi tiểu, không thể ăn uống được gì, vì càng ăn thì lại càng nôn. Những dấu hiệu này cho thấy bạn đang bị mất nước nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến em bé.

Có 1 số trường hợp đặc biệt thai phụ bị chứng nghén cận ngày (Nghén HG) nếu không được theo dõi và điều trị có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Nếu chị em thấy mình có những biểu hiện nghén bất thường, cần tới khám chuyên khoa để được tư vấn hoặc truyền nước trong trường hợp cần thiết.

Ớn lạnh hoặc sốt cao

Cảm sốt bình thường vốn đã gây hại cho cơ thể - huống chi trong thai kỳ, khi chúng còn ảnh hưởng đến cục cưng tương lai. Sự trưởng thành và phát triển của bé phụ thuộc vào nhiệt độ cơ thể người mẹ. Với thai phụ bị sốt cao từ 37 – 39 độ C trong thời gian đầu có thể tăng nguy cơ sẩy thai. Ở thời kỳ cuối, tuy không ảnh hưởng lớn đến trẻ nhưng sốt cao cũng có thể là dấu hiệu của sự nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dấu hiệu sảy thai