Trước khi mang thai, nhiều chị em rất chú trọng bồi bổ cơ thể khiến cân nặng tăng lên chóng mặt. Điều này tưởng tốt cho thai kỳ nhưng hóa ra lại gây nhiều nguy hại nghiêm trọng.
Thông thường, trước khi mang thai 3 tháng, các bác sĩ luôn khuyến cáo chị em phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Bởi đây là thời gian trứng trưởng thành và sẵn sàng cho quá trình thụ thai. Việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý chính là sự chuẩn bị tốt để chị em có được trứng chất lượng, từ đó hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra trong thai kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh việc nhiều chị em không chú ý bồi bổ cơ thể khiến cơ thể quá gầy trước khi mang thai thì nhiều chị em lại chú trọng bồi bổ cơ thể quá mức khiến cân nặng tăng lên chóng mặt. Và cả 2 điều này thực sự không hề tốt cho sức khỏe và thai kỳ của mẹ bầu, còn gây hại nghiêm trọng.
Trước khi mang thai 3 tháng, các bác sĩ luôn khuyến cáo chị em phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng lành mạnh. (Ảnh: BSCC)
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trương Quang Hải - Tốt nghiệp chuyên ngành sản phụ khoa Đại học Y Hà Nội, chuyên gia trong lĩnh vực vô sinh hiếm muộn sản phụ khoa và nam khoa cho biết, chị em trước khi mang thai nên bồi bổ hợp lý để giữ mức cân nặng lý tưởng.
Cụ thể, cách tính cân nặng lý tưởng là: Lấy số lẻ chiều cao x 9 : 10
Ví như nếu chị em cao 1m60 thì lấy số lẻ của chiều cao là 60 x 9 :10=54 (kg).
Cũng theo bác sĩ Hải, chị em không chú ý bồi bổ cơ thể khiến cân nặng dưới mức khuyến cáo trước khi mang bầu khiến cơ thể quá gầy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với sức khỏe của mẹ và bé.
"Khi cơ thể chị em quá gầy sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về sinh sản, thậm chí có thể dẫn đến vô sinh, khó thụ thai. Không chỉ khó khăn để thụ thai, sau khi mang thai, phụ nữ quá gầy cũng sẽ gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn như mệt mỏi, hay ốm đau hơn trong suốt thai kỳ. Do cơ thể có thể bị thiếu năng lượng và không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết nên thai nhi yếu ớt, dễ sảy thai hoặc sinh non...", bác sĩ Hải khẳng định.
Ngược lại với những chị em bồi bổ quá mức khiến cân nặng tăng lên nhanh chóng, trọng lượng quá mức khuyến cáo thì cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro nghiêm trọng.
"Phụ nữ béo phì trước khi mang thai cũng khó thụ thai, huyết áp cao và lúc bầu có thể bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ. Tình trạng này có thể dẫn đến nguy cơ mẹ bầu phải sinh mổ. Chưa kể, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cũng có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường hơn trong tương lai và tình trạng này có thể di truyền sang em bé", bác sĩ Hải nói.
Nghiêm trọng hơn, tình trạng chị em béo phì chưa thể giảm cân khi mang thai có thể ảnh hưởng lớn đến thai nhi trong bụng:
- Sảy thai: Phụ nữ béo phì có tỷ lệ bị sảy thai tăng cao hơn so với phụ nữ có cân nặng bình thường.
- Dị tật bẩm sinh: Em bé sinh ra từ các bà mẹ béo phì có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như dị tật ở tim hay dị tật ống thần kinh.
- Khó thực hiện xét nghiệm chẩn đoán: Quá nhiều mỡ trong cơ thể có thể gây khó khăn cho việc chẩn đoán phát hiện một số vấn đề nhất định đối với giải phẫu của bé trong khi làm siêu âm.
- Kiểm tra nhịp tim của bé khi chuyển dạ cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi sản phụ bị béo phì.
- Hiện tượng thai nhi quá lớn (Macrosomia): Trong tình trạng này, cơ thể em bé lớn hơn bình thường. Hậu quả làm tăng nguy cơ em bé bị tổn thương trong quá trình lâm bồn. Ví dụ, vai bé có thể bị kẹt trong khi sinh. Macrosomia cũng có thể dẫn đến khả năng sản phụ phải sinh mổ.
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Quang Hải (Ảnh: BSCC)
- Trẻ sơ sinh quá lớn có nhiều nguy cơ bị béo phì trong cuộc sống sau này.
- Sinh non: Các vấn đề liên quan đến béo phì khi mang thai, chẳng hạn như tiền sản giật, có thể dẫn đến sinh non. Trẻ sinh non thường không phát triển đầy đủ như các trẻ sinh sau 39 tuần mang thai.
- Thai chết lưu: Mẹ bầu có chỉ số BMI càng cao thì nguy cơ thai chết lưu càng cao.
“Ngoài vấn đề bổ sung dinh dưỡng để có cân nặng hợp lý trước khi có thai, yếu tố tâm lý và sức khỏe mẹ bầu cũng cần được chú trọng. Do đó truowcs khi mang thai, các cặp vợ chồng nên đi khám sức khỏe tiền sản để bác sỹ đánh giá và tiên lượng những thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình thụ thai và mang thai. Riêng chị em ngoài cân nặng còn cần kiểm tra khả năng miễn dịch với virus rubella, thủy đậu, cúm, bệnh phụ khoa… để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi”, bác sĩ Hải khẳng định.