Ở độ tuổi 35 suy buồng trứng do nguyên nhân lạc nội mạc tử cung, từng chạy chữa từ Nam ra Bắc, thậm chí ra nước ngoài với không biết bao nhiêu lần IVF không thành công trong 10 năm, cuối cùng niềm hạnh phúc đã đến với chị M.N.Q (Hà Nội) khi gặp bác sĩ Nhã.
Bao nhiêu năm “ươm mầm ước mơ” cho hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng bác sĩ Nguyễn Thị Nhã – Trưởng Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu điện vẫn không quên được chị M.N.Q – bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung đặc biệt mà mình từng gặp.
Gặp lại chị Q. sau hơn 1 năm, bác sĩ Nhã lại nở nụ cười rạng rỡ. Đó là nụ cười của ngày gặp lại như lời chúc mừng chị đã kết thúc hành trình tìm kiếm con yêu 10 năm vất vả, từng thất bại gần chục lần IVF từ Nam ra Bắc và cả nước ngoài, bao lần được khuyên đi xin trứng nhưng vẫn kiên quyết nói không.
Bệnh nhân Q. đã tìm đến rất nhiều nơi để điều trị, qua gần 10 lần IVF, thậm chí sang cả nước ngoài nhưng không thành công. (Ảnh minh họa)
Hạnh phúc của mẹ Hà Nội vào Nam ra Bắc, sang nước ngoài với gần 10 lần IVF thất bại
Bác sĩ Nhã kể, chị M.N.Q (Hà Nội) là một trong những bệnh nhân đặc biệt nhất từng gặp bởi ngay từ khi biết mình bị lạc nội mạc tử cung, chị đã lựa chọn cơ sở nước ngoài để điều trị hiếm muộn.
“Bạn Q. lập gia đình năm 2006, hết năm 2007 khi chưa thấy có em bé, bạn đã đi khám và biết được mình bị lạc nội mạc tử cung nằm ở buồng trứng. Biết đó là một trong những nguyên nhân khó thể mang thai nhưng bạn ý vẫn không nản lòng, từ Nam ra Bắc, rồi cả nước ngoài với gần 10 lần thụ tinh ống nghiệm không thành công.
Bệnh nhân nghĩ rằng ở nước ngoài điều trị thành công cao và chắc chắn hơn. Thế nhưng đều thất bại, sau đó bạn Q. có điều trị trong nước nữa, thuốc nam, thuốc bắc nhưng cũng không thành công”, bác sĩ Nhã chia sẻ.
Gần 10 năm ngược xuôi tìm kiếm con ở khắp mọi nơi đều không thành công, đến năm 2017, khi ở độ tuổi 35, chị Q. mới tìm đến bệnh viện Bưu Điện. Chia sẻ về ngày đầu khám cho chị Q., bác sĩ Nhã cho biết, sau khi đọc tiền sử bệnh, bác sĩ đã khuyên bệnh nhân đi xin trứng, không nên thụ tinh trong ống nghiệm bằng trứng của mình.
“Tôi khám cho bạn Q. khi bạn ở độ tuổi 35, bạn bị suy buồng trứng do nguyên nhân lạc nội mạc tử cung, siêu âm xét nghiệm đều có biểu hiện suy nặng, AMH còn 0,4. Đặc biệt, 2 bên buồng trứng, mỗi bên chỉ còn một quả rất nhỏ. Thật sự, lần đầu tiên với tiền sử như vậy, tôi đã khuyên bệnh nhân đi xin trứng bởi ngay từ lúc bệnh nhân 27 tuổi ra nước ngoài điều trị không thành công thì làm sao tôi có thể làm được khi bệnh nhân ở độ tuổi 35”, bác sĩ Nhã nở nụ cười nhớ lại.
Điều ấn tượng của bác sĩ Nhã là bệnh nhân luôn lạc quan, tươi cười, vui vẻ dù thất bại nhiều lần trên hành trình tìm con. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Nhã cho hay, điều bác sĩ ấn tượng với chị Q. đó chính là sự lạc quan, luôn tươi cười vui vẻ, đặc biệt bao lần bác sĩ khuyên đi xin trứng nhưng chị vẫn nói không, nhất định phải thụ tinh trong ống nghiệm bằng trứng của mình.
“Chưa bao giờ tôi thấy bạn ý buồn, có lẽ bạn ý giấu nỗi buồn trong lòng mà không biểu hiện. Bạn Q. nhất quyết không xin trứng mà làm bằng trứng của mình, tôi cũng giúp bạn ý. Ngay lần đầu tiên kích trứng liều cao nhất sau 5 ngày không có quả trứng nào. Tôi dừng chu kỳ ngay và cho thuốc để bệnh nhân có kinh nguyệt trở lại. Lần này tôi tiếp tục bảo bệnh nhân xin trứng nhưng bạn vẫn bảo không.
Chu kỳ sau, tôi cũng kích trứng liều cao nhất được 2 trứng và tạo được 1 phôi trung bình. Khi chuyển phôi tôi có bảo tỉ lệ thành công chỉ được 30% thôi. Bạn ý có thai lần đó nhưng sau 14 ngày chuyển phôi, xét nghiệm beta hCD tụt dần, bệnh nhân không có thai chu kỳ đó nữa.
Chu kỳ sau, bạn Q. đến xin làm tiếp, tôi có nói vui bảo “nhà cháu hơi thầu dầu”. Tôi kích trứng lần này vận may lại mỉm cười. Bạn ý được 4 quả trứng và tạo được 3 phôi. Tháng 6/2017, tôi chọn 1 phôi chất lượng tốt và một phôi chất lượng không tốt để chuyển, còn phôi trung bình tôi để lại. Và lần này đã thành công, bạn Q. đã có một nhóc tì rồi”, bác sĩ Nhã nở nụ cười hạnh phúc.
Lạc nội mạc tử cung: Nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, lạc nội mạc tử cung là bệnh lý chiếm khá nhiều ở phụ nữ hiện nay. Đây là bệnh cơ địa do suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể nên lạc nội mạc xuất hiện.
"Lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân vô sinh nhiều, làm biến dạng toàn bộ khung chậu. Về cơ học, bệnh nhân không thể có thai do dính vòi trứng lại với nhau trong xương chậu, làm giảm xuất hiện buồng trứng, xâm lấn buồng trứng khiến không còn trứng.
Bệnh lý xuất hiện nhiều trong quá trình khám chữa bệnh. Nếu phát hiện ra, bệnh nhân nên đi điều trị sớm khi dự trữ buồng trứng còn tốt và kiểm tra nếu không có biến dạng về cơ học giải phẫu nên làm IUI và IVF để cơ hội có thai cao", bác sĩ Nhã khuyên.
Cũng theo Ths.BS Chu Thị Thu Hương – Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội, lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa thường gặp, chiếm 5-10% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Lạc nội mạc tử cung được định nghĩa là khi có sự hiện diện của mô nội mạc tử cung gồm cả tuyến và mô đệm ở bên ngoài khoang nội mạc tử cung. Đây là một bệnh lý phức tạp, mà sinh bệnh học hiện vẫn chưa sáng tỏ.
Ths.BS Chu Thị Thu Hương.
Dưới đây Ths.BS Chu Thị Thu Hương sẽ chia sẻ chi tiết về bệnh lạc nội mạc tử cung:
Triệu chứng
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh mãn tính, trong đó một số bệnh nhân không hiểu biện triệu chứng, còn lại phần lớn bệnh nhân có đau vùng chậu, hiếm muộn hoặc có một khối u ở phần phụ, Ở những bệnh nhân có đau vùng chậu thì 30-80% có lạc nội mạc tử cung. Một vài nghiên cứu cho kết quả những bệnh nhân hiếm muộn tỉ lệ lạc nội mạc tử cung cao gấp 6-8 lần so với những phụ nữ sinh sản bình thường.
Hình minh họa vị trí các lạc nội mạc tử cung thường gặp.
Chẩn đoán
Trong thực hành lâm sàng hiện nay, phẫu thuật nội soi là tiêu chuẩn được đề nghị giúp chẩn đoán lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, nếu vẫn không thể xác định được thì đánh giá mô học được xem là cần thiết.
Hỏi bệnh sử và khám thực thể có thể giúp gợi ý một phần nào đó để chẩn đoán như: đau vùng chậu mãn tính, đau có tính chu kỳ, đau bụng kinh, đau khi giao hợp, khối u vùng chậu, khối u trên tử cung,… Ngoài ra, siêu âm cũng có thể giúp chẩn đoán lạc nội mạc tử cung trên buồng trứng nhưng không đáng tin cậy bằng qua hình ảnh nội soi.
Cơ chế bệnh sinh liên quan giữa lạc nội mạc tử cung và hiếm muộn
Hiện tại cơ chế mối liên quan giữa lạc nội mạc tử cung và hiếm muộn chưa được giải thích rõ ràng. Tuy nhiên có một số cơ chế đã được đề xuất nhưng chưa có cơ chế nào được chứng minh là làm giảm khả năng sinh sản.
Thay đổi cấu trúc giải phẫu vùng chậu
Tổn thương viêm dính vùng chậu do lạc nội mạc tử cung gây ra, có thể làm giảm khả năng phóng noãn, sự bắt trứng và sự vận chuyển của vòi trứng.
Thay đổi chức năng phúc mạc
Những người phụ nữ có lạc nội mạc tử cung sẽ gia tăng dịch ổ bụng cũng như tăng tiết những cytokine gây phản ứng viêm được sản xuất bởi các đại thực bào. Một số nghiên cứu chứng minh lạc nội mạc tử cung có thể gây viêm nhiễm hệ thống. Điều đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng trứng phôi và chức năng của ống dẫn trứng.
Thay đổi miễn dịch và chức năng của các tế bào trung gian
Kháng thể IgG, IgA và các tế bào lympho có thể tăng trong nội mạc tử cung của những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung. Những bất thường này có thể làm thay đổi sự tiếp nhận của nội mạc tử cung và sự làm tổ của phôi.
Bất thường nội tiết và sự phóng noãn
Những phụ nữ có lạc nội mạc tử cung được ghi nhận có sự rối loạn phóng noãn, rối loạn chức năng hoàng thể, sự phát triển bất thường của nang noãn, tăng đỉnh LH sớm...
Giảm khả năng làm tổ
Nhiều bằng chứng cho thấy rối loạn chức năng nội mạc tử cung góp phần làm giảm khả năng đậu thai ở những phụ nữ có lạc nội mạc tử cung.
Ảnh hưởng chất lượng trứng và phôi
Những phụ nữ có lạc nội mạc tử cung thường có chất lượng trứng và chất lượng phôi kém hoặc bất thường. Phôi của người phụ nữ có lạc nội mạc tử cung có xu hướng phát triển chậm hơn so với phôi từ người phụ nữ có bệnh lý vòi trứng.
Phụ nữ lạc nội mạc tử cung được ghi nhận có nhiều biến chứng thai kỳ hơn so với những phụ nữ khác.
Điều trị
Việc điều trị lạc nội mạc tử cung thường căn cứ vào hai mục tiêu cụ thể như sau:
Điều trị lạc nội mạc tử cung làm tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lạc nội mạc tử cung.
Điều trị hiếm muộn do lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa được đề nghị nhằm mục đích giảm đau cho bệnh nhân lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên trong quá trình điều trị nội bệnh nhân sẽ không thể có con do đa số thuốc sử dụng đều có tác dụng ức chế rụng trứng. Một số liệu pháp điều trị nội được áp dụng là progestin, kết hợp estrogen và progestin, GnRH đồng vận hoặc đổi vận, danazol và gần đây nhất là aromatase inhibitor (ức chế men thơm hóa).
Điều trị phẫu thuật
Trong lạc nội mạc tử cung giao đoạn I/II, phẫu thuật nội soi có thể giúp cải thiện khả năng sinh sống một cách đáng kể. Mổ bóc nang lạc nội mạc tử cung với kích thước trên 4cm có thể giúp cải thiện tỉ lệ có thai so với những nang khác như nang nước hoặc nang xuất huyết, tuy nhiên về mặt tái phát thì nang lạc nội mạc tử cung có nguy cơ tái phát cao hơn.
Bất lợi của phẫu thuật điều trị là chấn thương trong quá trình phẫu thuật, biến chứng, chi phí, giảm dự trữ buồng trứng và hiện nay vẫn còn thiếu bằng chứng cho thấy khả năng cải thiện tỉ lệ có thai sau IVF.
Kết hợp điều trị nội và ngoại khoa
Kết hợp giữa phương pháp phẫu thuật và điều trị nội khoa cho bệnh nhân lạc nội mạc tử cung bao gồm cả trước và sau khi phẫu thuật.
Điều trị nội khoa trước khi phẫu thuật được báo cáo là có thể làm giảm tăng sinh mạch máu và kích thước nang lạc nội mạc tử cung ở vùng chậu, nhờ đó có thể làm giảm lượng máu mất trong quá trình phẫu thuật cũng như có thể giảm số lượng bệnh nhân cần phải thực hiện phẫu thuật.
Điều trị nội sau phẫu thuật được ủng hộ như một biện pháp giúp diệt tận gốc những khối lạc nội mạc tử cung nhỏ chưa được loại bỏ hết trong quá trình phẫu thuật.
Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và lạc nội mạc tử cung
Kỹ thuật bơm tinh trùng và buồng tử cung (IUI): Nhiều nghiên cứu cho thấy kích thích buồng trứng và IUI làm tăng khả năng có thai ở bệnh nhân hiếm muộn có lạc nội mạc tử cung độ I và II. Hoặc phẫu thuật nội soi rồi kích thích buồng trứng và IUI (tùy chỉ định phẫu thuật). Nếu thất bại chuyển qua làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Thụ tinh trong ống nghiệm: Lạc nội mạc tử cung có thể có nhiều ảnh hưởng lên kết quả thụ tinh trong ống nghiệm như: theo dõi kích thích buồng trứng khó hơn, giảm dự trữ buồng trứng, giảm đáp ứng buồng trứng, giảm tỉ lệ thụ tinh, chất lượng phôi kém, giảm tỉ lệ làm tổ của phôi thai.
Kết quả một nghiên cứu ngẫu nhiên được công bố bởi hiệp hội Hỗ trợ Sinh sản Châu Âu có nhóm chứng cho thấy thụ tinh trong ống nghiệm cải thiện khả năng có thai ở bệnh nhân hiếm muộn có lạc nội mạc tử cung. Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp điều trị thích hợp nếu có đi kèm các yếu tố sau: giảm chức năng vòi trứng, vô sinh nam hay thất bại với các điều trị khác.
Những người phụ nữ hiếm muộn lớn tuổi bị lạc nội mạc tử cung chúng ta nên tích cực điều trị bằng một trong 2 phương pháp IUI và IVF.
Kết quả thai kỳ ở bệnh nhân lạc nội mạc tử cung
Phụ nữ lạc nội mạc tử cung được ghi nhận có nhiều biến chứng thai kỳ hơn so với những phụ nữ khác: Nguy cơ sinh non, nguy cơ tiền sản giật, xuất huyết trong thai kỳ, biến trứng nhau thai, sinh mổ cao hơn những phụ nữ khác.
Quản lý phụ nữ vô sinh có liên quan đến lạc nội mạc tử cung
Quyết định điều trị ở một phụ nữ lạc nội mạc tử cung là một quyết định khá khó khăn, vì thực tế cho đến thời điểm này chưa có đầy đủ bằng chứng được đánh giá bằng nghiên cứu ngẫu nhiên có nhóm chứng.
Chúng ta nên phẫu thuật nội soi trước khi điều trị vô sinh bằng kích thích buồng trứng và hỗ trợ sinh sản. Đôi khi phẫu thuật nội soi cắt bỏ u ở giai đoạn này chưa thật sự giá trị, do đó để có một quyết đinh tốt hơn chúng ta nên đưa các yếu tố như tuổi, thời gian, mong con, tiền sử gia đình, khả năng thực hiện IVF, triệu chứng đau vùng chậu để xem xét.
Tuổi là yếu tố quan trọng để xác định phương pháp điều trị. Những người phụ nữ hiếm muộn lớn tuổi bị lạc nội mạc tử cung chúng ta nên tích cực điều trị bằng một trong 2 phương pháp IUI và IVF.