Theo TS.BS Nguyễn Hữu Trung, khi thấy bụng gò theo từng cơn đều đặn, nhịp nhàng hay ra huyết, ra nước âm đạo, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện vì đó là những dấu hiệu chuyển dạ.
Tác giả bài viết là Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Phòng khám Phụ sản Hoàng Gia. |
Chuyển dạ là quá trình sinh lý, trong đó thai và nhau thai được đưa ra khỏi buồng tử cung qua âm đạo. Đây là giai đoạn cuối cùng để kết thúc thời kỳ thai nghén và cũng là giai đoạn có nhiều nguy cơ nhất đối với sức khoẻ, tính mạng của mẹ và bé.
Người ta thường nghĩ chuyển dạ khi thai phụ có cơn gò tử cung đều đặn, nhịp nhàng gây đau bụng từng cơn, đặc biệt khi các bác sĩ chuyên khoa phụ sản thăm khám thấy được sự thay đổi ở cổ tử cung, cổ tử cung mở rộng hơn so với trước đó thì sẽ chuẩn đoán là thai phụ đã vào chuyển dạ.
Có thể nói, cổ tử cung “mở” là dấu hiệu cơ bản cho thấy thai phụ sắp sinh nhưng việc nhận biết dấu hiệu chuyển dạ qua sự “mở” của cổ tử cung rất khó để thai phụ tự nhận biết, mà phải qua thăm khám của các bác sĩ.
Tuy nhiên, nếu thai phụ xuất hiện những dấu hiệu sau đây thì nên đến ngay bệnh viện bởi đó có thể là những dấu hiệu báo chuyển dạ hoặc những dấu hiệu mà thai phụ cần phải khám sớm để có thể khảo sát tình trạng sức khỏe của thai.
Chuyển dạ sinh đủ tháng khi tuổi thai từ 38-42 tuần (trung bình là 40 tuần, là ngày sinh dự kiến). Sinh non khi tuổi thai từ 22-37 tuần còn sinh già tháng khi tuổi thai ≥ 42 tuần. (Ảnh minh họa)
Bụng gò theo từng cơn
Khi khám thai, nhất là trong những tháng cuối cùng của thai kỳ, bác sĩ sản khoa thường khuyến cáo thai phụ khi thấy bụng có những cơn gò từng cơn, đặc biệt cơn gò có tính chất đều đặn nhịp nhàng khoảng 20 phút đau 1-2 cơn có thể có kèm theo cảm giác đau bụng mỗi khi có cơ gò tử cung thì nên nhập viện hoặc đi khám bác sĩ chuyên khoa để xem đã có chuyển dạ hay không. Cơn gò tử cung là cảm giác bụng căng cứng hơn theo từng cơn. Trong cơn gò tử cung, nếu thai phụ đặt tay lên bụng và thử ấn sâu vào bên trong thì không thể ấn được.
Ra nhớt hồng âm đạo
Ra nhớt hồng âm đạo chỉ là dấu hiệu báo vì khi thai phụ chuyển dạ, cổ tử cung mở ra, dịch nhầy tại cổ tử cung sẽ được đẩy ra ngoài. Bởi vậy, khi thai phụ thấy tình trạng ra nhớt hay ra huyết màu đỏ đỏ, hồng hồng, đỏ sẫm ở âm đạo nên đi khám để xem cổ tử cung đã mở chưa để được tư vấn thời điểm thích hợp nhập viện.
Rò dịch ối
Bên cạnh dấu hiệu ra nhớt hồng âm đạo, các bác sĩ thường hướng dẫn thai phụ khi thấy xuất hiện tình trạng có nước rò rỉ từ vùng kín (âm đạo) nên đến ngay bệnh viện để kiểm tra.
Thông thường đa phần nước chảy từ cửa mình ra là nước ối. Thai phụ nhiều lúc có cảm giác “són tiểu” vì cảm giác “không buồn tiểu” nhưng “nước tiểu” cứ chảy ra từ vùng kín của mình. Một số thai phụ cứ nghĩ mình bị “són tiểu” như vậy và ngại đi khám… Cho đến khi thai phụ thấy tình trạng “són tiểu” này cứ kéo dài như vậy mà không hết, mới đi khám. Lúc này, thai nhi có thể đã bị nhiễm trùng ối quá nặng do ối vỡ quá lâu...
Do đó, khi mang bầu, nếu thai phụ gặp tình trạng ra nước gây ướt băng vệ sinh, đồ lót, thậm chí là quần dài, có cảm giác đi tiểu mặc dù không mắc tiểu, thai phụ nên đến bệnh viện kiểm tra bởi đó có thể là dấu hiệu vỡ ối khi chuyển dạ.
Mẹ bầu cần gọi ngay cho bác sĩ nếu bị ra máu hay dịch âm đạo có lẫn máu tươi hay nước ối chảy ra có màu xanh lá hay nâu vì đây có thể là "phân su" của bé nếu hít hay nuốt phải bé sẽ gặp nguy hiểm trong khi sinh. (Ảnh minh họa)
Thai đạp yếu
Thai đạp yếu không phải là dấu hiệu chuyển dạ nhưng nếu thai phụ thấy tình trạng thai đạp yếu cần phải đến bệnh viện để kiểm tra tình hình sức khỏe của thai nhi trong bụng.
Khi khám thai bác sĩ sẽ hướng dẫn thai phụ nhận biết thai đạp (hay thai máy) trong giai đoạn sau của thai kỳ. Nếu sau một tiếng mỗi lần ăn xong, thai đạp từ 4 lần trở lên được xem là bình thường còn nếu thai đạp không được 4 lần khuyến cáo thai phụ đi khám xem trình trạng sức khỏe của thai.
Ngoài ra, một phương pháp theo dõi thai máy khác có thể sử dụng là theo dõi thai máy qua cảm nhận chủ quan của thai phụ. Nếu thấy số lần thai đạp yếu hơn một nửa bình thường, thai phụ cũng nên đi khám. Đó không phải là dấu hiệu chuyển dạ nhưng đó là dấu hiệu có thể của thai suy, thai phụ cần nhập viện gấp để có hướng xử trí phù hợp.
Video: Quá trình chuyển dạ và sinh bé!