Cảnh báo từ chuyên gia: Băng huyết sau sinh, tai biến sản khoa hàng đầu dẫn đến tử vong

Ngày 06/04/2019 04:20 AM (GMT+7)

BS CKII Nguyễn Công Định chia sẻ, băng huyết sau sinh là một trong những tai biến sản khoa phổ biến. Đây được coi là một trong những tai biến sản khoa dẫn đến tử vong hàng đầu trên thế giới và Việt Nam.

Cảnh báo từ chuyên gia: Băng huyết sau sinh, tai biến sản khoa  hàng đầu dẫn đến tử vong - 1

Tác giả bài viết: ThS. Bs CK II Nguyễn Công Định -  Phó Giám đốc Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội (Cơ sở II)

Cảnh báo từ chuyên gia: Băng huyết sau sinh, tai biến sản khoa  hàng đầu dẫn đến tử vong - 2

Ths. BS CKII Nguyễn Công Định - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Chính bởi vậy, sản phụ cần nắm rõ các dấu hiệu của băng huyết để từ đó phát hiện và xử trí kịp thời.

Băng huyết là gì? Băng huyết là chứng chảy máu tử cung hoặc chảy máu tại đường sinh dục nữ một cách bất thường, đặc biệt khi việc chảy máu xảy ra vào giai đoạn giữa của chu kỳ kinh nguyệt, tức là chảy máu ở bộ phận sinh dục không xảy ra vào thời điểm của ngày chảy máu kinh.

Băng huyết sau sinh là gì?

Băng huyết sau sinh là một hiện tượng bộ phận sinh dục nữ bị chảy máu dữ dội trong vòng 24 giờ sau sinh, dẫn đến tình trạng mất máu quá nhiều.

Nguyên nhân gây băng huyết sau sinh

Có rất nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến hiện tượng băng huyết sau sinh, một số yếu tố phổ biến như:

Đờ tử cung (tử cung không thể co hồi nhỏ lại sau khi thai nhi đã được lấy ra)

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Các yếu tố có thể dẫn đến bị đờ cổ tử cung bao gồm:

- Chất lượng cơ của tử cung kém: Thường gặp ở phụ nữ sinh nhiều lần hoặc do tử cung có u xơ, tử cung dị dạng.

- Tử cung quá căng: Do người mẹ chửa sinh đôi hoặc sinh ba, con to và nước ối quá nhiều.

- Mẹ bị chuyển dạ kéo dài.

- Bị nhiễm trùng ối.

- Thai phụ bị suy nhược và thiếu máu.

Bị tổn thương đường sinh dục

- Vỡ tử cung hay rách cổ tử cung và âm đạo cũng có thể xảy ra trong các trường hợp đẻ thường. Nhưng các biến chứng này thường xuất hiện nhiều hơn trong ở các trường hợp đẻ khó nên cần can thiệp thủ thuật.

- Một số trường hợp đẻ quá nhanh hoặc đẻ rơi cũng có thể dễ dẫn tới tổn thương đường sinh dục.

Do bất thường của bánh rau

- Khi diện tích bánh rau lớn, đến lúc bị bong ra sẽ gây chảy máu nhiều như trong phù nhau thai.

- Rau bám có hiện tượng bất thường: Rau tiền đạo và rau bám thấp...dẫn tới chảy máu nhiều.

- Do rau không bong được (rau cài răng lược)

Bị rối loạn đông máu

Hiện tượng này thường xảy ra trong các trường hợp như: rau bong non, thai lưu, tắc mạch ối, nhiễm trùng...

Phụ thuộc vào mức độ mất máu và việc hồi sức, việc cầm máu có tích cực hay không mà băng huyết sau sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nhẹ khác nhau như:

- Thiếu máu và viêm tắc tĩnh mạch.

- Suy nhược, gầy ốm, mất sữa, vô kinh và không thể có thêm con trong trường hợp phải cắt tử cung.

Cảnh báo từ chuyên gia: Băng huyết sau sinh, tai biến sản khoa  hàng đầu dẫn đến tử vong - 3

Tử cung quá căng: Do người mẹ chửa sinh đôi hoặc sinh ba, con to và nước ối quá nhiều cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh. Ảnh minh họa

Dấu hiệu của băng huyết sau sinh

Dấu hiệu chính  của băng huyết sau sinh là sẽ bị chảy máu từ đường sinh dục trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Lượng máu chảy ra ngoài cũng có thể nhiều hoặc ít, máu có màu đỏ tươi hoặc đỏ bầm và có hình dạng máu cục hoặc máu loãng.

Máu chảy ứ trong buồng tử cung sẽ làm tử cung tăng thể tích. Đáy của tử cung lên cao dần, tử cung cũng to ra theo bề ngang và mềm nhão. Chị em sẽ không thấy khối cầu an toàn trên xương vệ.

Tùy thuộc lượng máu bị mất, người bệnh cũng có thể bị tụt huyết áp, mặt xanh tái, chóng mặt, vã mồ hôi, tim đập nhanh...

Chảy máu từ đường sinh dục

- Trong trường hợp bị đờ tử cung, chảy máu thường xuất hiện ngay sau khi bị sổ rau. Nắn sẽ thấy dạ con (tử cung) bị mềm nhão.

- Trong trường hợp bị chấn thương và rách đường sinh dục, nắn sẽ thấy tử cung co hồi tốt nhưng máu vẫn bị chảy ra ngoài. Máu đỏ tươi sẽ chảy rỉ rả thành dòng liên tục. Lượng máu chảy ra ngoài cũng có thể nhiều hoặc ít. Máu sẽ có màu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, và có dạng máu cục hoặc máu loãng.

- Trong trường hợp có bất thường về bánh rau và tử cung thường co hồi kém. Mẹ sẽ có hiện tượng ra máu rỉ rả và lượng máu ra có thể ít hoặc nhiều, trong máu đỏ tươi có lẫn máu cục.

- Trường hợp do bị rối loạn đông máu, sau khi bé sinh ra nếu máu chảy ra nhiều, hoàn toàn máu loãng và không thấy có cục máu đông. Thì đây là dấu hiệu của băng huyết sau sinh.

Các dấu hiệu trên cơ thể

Các biểu hiện tình trạng mất máu: bệnh nhân sẽ bị choáng, da xanh, niêm mạc nhợt,, khát nước, tay chân nhợt, mạch nhanh và huyết áp hạ.

Kết quả xét nghiệm máu

Nếu khi xét nghiệm máu xuất hiện hồng cầu giảm, hemoglobin, huyết sắc tố, và rối loạn đông máu... Thì chắc chắn mẹ đã bị băng huyết sau sinh.

Các phương pháp điều trị và phòng ngừa băng huyết sau sinh

Để phần nào hạn chế hiện tượng băng huyết sau sinh, các mẹ cần thực hiện tốt các phương pháp dưới đây:

- Thực hiện tốt các kế hoạch hóa gia đình, không đẻ dày hoặc đẻ nhiều, đặc biệt không phá thai ảnh hưởng đến dạ con.

- Khi có thai: Nên đi khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế để có thể phát hiện sớm yếu tố nguy cơ.

- Uống viên sắt và acid folic trong suốt thời kì mang thai để có thể phòng ngừa thiếu máu. Điều này sẽ giúp cho hiện tượng băng huyết sau sinh nếu có xảy ra sẽ ít gây ra những biến chứng nặng hơn.

- Nếu băng huyết sau sinh xảy ra, cần phải nhanh chóng tiến hành thực hiện các phương pháp cầm máu và hồi sức tích cực, đồng thời kết hợp kiểm tra nguyên nhân và tiến hành điều trị song song.

Cảnh báo từ chuyên gia: Băng huyết sau sinh, tai biến sản khoa  hàng đầu dẫn đến tử vong - 4

Người mẹ cần đi khám thai định kỳ để bác sĩ kịp thời phát hiện những nguy cơ và đưa ra những lời khuyên thích hợp. Ảnh minh họa

Điều trị bằng nội khoa

Hãy cho sản phụ nằm đầu thấp, thở oxy, sau đó xoa bóp đáy tử cung qua thành bụng và đè động mạch chủ bụng để giảm lượng máu đến tử cung. Tiếp theo sẽ cho sử dụng thuốc giảm đau và chống choáng, rồi truyền dịch, truyền máu và kháng sinh... Theo dõi sát mạch, nhịp thở, huyết áp và tinh thần của sản phụ.

Đồng thời, xác định nguyên nhân gây băng huyết sau sinh và điều trị theo nguyên nhân gây nên. Do có nhiều nguyên nhân phối hợp gây nên băng huyết, các mẹ cần phải kiểm tra đường sinh dục một cách có hệ thống và khám các cơ quan khác để không bỏ sót một trường hợp nào do rối loạn đông máu.

Điều trị bằng ngoại khoa

Trong trường hợp sử dụng các phương pháp nội khoa không có kết quả. Điều trị bằng ngoại khoa là phương án cuối cùng để cứu tính mạng người mẹ. Có thể nghĩ đến phương pháp này đầu tiên nếu trường hợp bệnh nhân đã đủ số con và đã lớn tuổi.

Còn đối với những chị em phụ nữ trẻ tuổi, có thể cân nhắc đến việc thắt động mạch của tử cung hoặc động mạch hạ vị hai bên. Cắt tử cung chỉ có thể chỉ định tuyệt đối trong những trường hợp rau cài răng lược.

Ngoài xử trí nhanh bằng các biện pháp cầm máu, sản phụ cần được truyền máu, tiểu cầu… để bù lại lượng máu đã mất và làm đông máu. Trong trường hợp chảy máu nguy hiểm đến tính mạng, người mẹ có thể cần phải được cắt bỏ tử cung để cứu mạng sống.

Để phòng ngừa, người mẹ cần đi khám thai định kỳ để bác sĩ kịp thời phát hiện những nguy cơ và đưa ra những lời khuyên thích hợp. Ngoài ra, cần bổ sung sắt và axít folic đầy đủ trong thai kỳ để phòng ngừa thiếu máu.

3 việc mẹ nhớ phải làm trong kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau sinh kẻo hối hận
Nhiều quan niệm cổ hủ cho rằng khi kỳ kinh nguyệt quay trở lại thì sữa của người mẹ tiết ra sẽ không có nhiều dưỡng chất nữa - đây là quan niệm sai...
Ths. BS CKII Nguyễn Công Định
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Công Định