Hiện đang mang bầu 6 tháng nhưng bụng Yiota vẫn phẳng lì không khác gì trước khi bầu bí.
Gần đây, Yiota Kouzoukas (29 tuổi, sống tại Brisbane, Úc) đã phải nhận khá nhiều lời chỉ trích khi khoe ảnh mình đang mang bầu 6 tháng trên mạng xã hội.
Bụng bầu 6 tháng siêu nhỏ của Yiota.
Điều khiến Yiota bị "ném đá" chính là bụng cô gần như phẳng lì, không hề giống những mẹ bầu khác. Nhiều người cho rằng cô chỉ chăm chăm giữ dáng như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Sau đó, Yiota đã lên tiếng thanh minh rằng bụng bầu mình nhỏ như vậy là do di chứng sau phẫu thuật loại bỏ lạc nội mạc tử cung.
Yiota khi chưa mang bầu và mang bầu 6 tháng gần như không thay đổi gì.
Ngay từ cách đây nhiều năm , Yiota đã liên tục phải chịu đựng những cơn đau bụng dữ dội, nôn mửa nghiêm trọng. "Nhưng tôi không nghĩ đó là do mình bị bệnh. Cho đến tháng 9 năm ngoái, khi đi công tác tại New York, bệnh của tôi ngày càng trầm trọng hơn.
Khi ở khách sạn một mình, tôi nhớ mình đau đến mức phải bò vào nhà vệ sinh nôn và sau đó ngất xỉu luôn. Chồng tôi đã phát hiện ra và đưa tôi trở lại giường. Tôi dùng thuốc giảm đau để cố bay về nước và lập tức đi gặp chuyên gia", Yiota chia sẻ.
Yiota khi mang bầu 4 tháng.
Bác sĩ phát hiện ra Yiota bị lạc nội mạc tử cung ngay lúc đó nhưng cô lại trì hoãn đến tháng 2 năm nay mới làm phẫu thuật. Phần lớn mô lạc nội mạc tử cung của Yiota đã được loại bỏ nhưng ca phẫu thuật lại để lại một vết sẹo nghiêm trọng trên dây chằng cổ tử cung của cô.
Ba tháng sau, Yiota bất ngờ phát hiện mình đang mang bầu khi vẫn tiếp tục điều trị bằng hormone. "Tôi đã thực sự bị sốc vì cả một năm trước đó chúng tôi cố gắng thụ thai thì không được. Vậy nhưng lúc tôi không ngờ nhất thì hạnh phúc lại đến", Yiota cho biết.
Bụng bầu 5 tháng của Yiota chỉ hơi nhô lên một chút.
Giải thích về phần bụng bầu phẳng lì của mình, Yiota cho biết: "Tôi vốn bị tử cung ngả sau nên trong những tháng đầu thai kỳ tử cung phát triển vào trong thay vì ra ngoài. Thông thường, những người bị tử cung ngả sau thì ba tháng đầu tử cung sẽ phát triển ngược sau đó quay lại như bình thường.
Vậy nhưng tử cung của tôi thì không như vậy, hơn 4 tháng nó mới phình ra một chút về phía trước. Điều này là do dây chằng cổ tử cung bị tổn thương từ lần phẫu thuật loại bỏ mô lạc nội mạc đã kéo tử cung của tôi về sau".
Tuy bụng bầu nhỏ nhưng tử cung Yiota vẫn nở ra bình thường nên em bé phát triển hoàn toàn khỏe mạnh.
Hiện nay, bụng bầu 6 tháng của Yiota cũng bắt đầu nhô ra như các mẹ bầu khác. Đặc biệt, cô cho hay mình thường xuyên đi khám nên được biết bản thân hoàn toàn khỏe mạnh và em bé cũng phát triển bình thường.
Ngoài việc thanh minh cho cái bụng bầu nhỏ bất thường của mình, Yiota cũng chia sẻ câu chuyện này với hy vọng những người bị bệnh khác sẽ rút ra kinh nghiệm từ cô.
"Lạc nội mạc tử cung không hề hiếm gặp nên tất cả chị em phụ nữ đều phải chú ý khám sản phụ khoa thường xuyên để phát hiện bệnh và xử lý kịp thời", Yiota cho biết.
Lạc nội mạc tử cung - chị em phụ nữ chớ coi thường Lạc nội mạc tử cung là gì? Lạc nội mạc tử cung được định nghĩa là một sự “rối loạn” bên trong tử cung, khi lớp lót bên trong của tử cung lại không nằm trong tử cung, mà “đi lạc” tới buồng trứng, bàng quang hay trực tràng. Khi các lớp lót di chuyển ra ngoài tử cung, nó vẫn tiếp tục phát triển vì nó không có cách nào để thoát ra khỏi cơ thể, nó dày lên, phá vỡ và gây chảy máu nhiều hơn trong kì kinh nguyệt. Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp - Xuất hiện những cơn đau vùng chậu trong thời kì hành kinh và cơn đau càng ngày càng nặng theo thời gian; - Đau thắt lưng và đau bụng; - Thời gian hành kinh kéo dài hơn hoặc bị chảy nhiều máu hơn; - Có máu trong phân hoặc nước tiểu, chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục; - Mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi hoặc buồn nôn, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt; - Đau dữ đội trong thời kì kinh nguyệt hoặc đau khi quan hệ tình dục; Ảnh hưởng của bệnh Lạc nội mạc tử cung gây khó chịu cho chị em phụ nữ khi quan hệ tình dục. Nghiêm trọng hơn, căn bệnh này sẽ làm biến đổi môi trường nội tiết khiến nội mạc tử cung không thuận lợi cho phôi làm tổ, làm rối loạn sự phát triển của các nang trứng và rối loạn rụng trứng từ đó dẫn đến vô sinh. Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung mà may mắn có thai cũng có nguy cơ cao gặp các biến chứng thai kỳ. Trong đó đáng lo ngại nhất là tỉ lệ mang thai ngoài tử cung cao cũng như nguy cơ xuất huyết trước và sau khi sinh, sảy thai, sinh non,... Cách phòng ngừa Lạc nội mạc tử cung gần như là một bệnh bẩm sinh và không có cách nào phòng tránh. Tuy nhiên, khi được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, có nhiều phương pháp điều trị giảm đau và phục hồi khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh sớm, bạn có thể kiểm soát bệnh lạc nội mạc tử cung nếu áp dụng các biện pháp sau: - Tắm nước ấm hoặc chườm túi nóng sẽ giúp cơ chậu được thư giãn và giảm co thắt cũng như đau; - Tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện các triệu chứng; - Khi nằm xuống, bạn hãy kê một chiếc gối ở dưới đầu gối; - Bạn cũng có thể thử các kỹ thuật thư giãn và liệu pháp phản hồi sinh học. |