Tết là khoảng thời gian mọi người dành trọn cho gia đình, tuy nhiên đối với những người làm nghề chăm sóc trẻ sau sinh thì dường như không có ngày nghỉ Tết.
Chăm sóc bé là công việc đòi hỏi sự cẩn thận, nhẹ nhàng, đặc biệt phải có kỹ năng và tình yêu trẻ thì mới có thể đảm nhận được. Ngày Tết khi mọi người quây quần bên mâm cỗ, dành nhiều thời gian cho gia đình, đi thăm họ hàng và đi du xuân, thì đâu đó vẫn có những con người tận tâm với nghề “bỏ bê con mình để chăm sóc con người”.
Đó là câu chuyện của những ngày đầu khi bén duyên với nghề của chị Nguyễn Thị Nhung (Hà Nội). Năm 2011, sau khi học xong chuyên ngành nữ hộ sinh, công tác tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội được hơn một năm thì chị Nhung quyết định ra ngoài bắt đầu thực hiện ước mơ của mình đó là thành lập dịch vụ chăm sóc bé sơ sinh tại nhà.
“7 năm trong nghề, khoảng thời gian 2,3 năm đầu gia đình mình không thông cảm, hầu như năm nào cũng phải trốn đi chứ không mồng 1, mồng 2 lại cãi nhau. Tết năm đầu tiên đi làm, con mới được một tuổi, mình vẫn để con ở nhà để đi tắm cho bé. Chồng nói không được bèn xích xe lại không cho đi và mình phải đi mượn xe của hàng xóm để đi làm”, chị Nhung ngậm ngùi nhớ lại.
Tết đầu tiên chị Nhung phải đi mượn xe của hàng xóm để đi làm.
Tết là khoảng thời gian mọi người dành trọn cho gia đình. Tuy nhiên đối với những người làm nghề chăm sóc trẻ sau sinh thì dường như không có ngày nghỉ Tết. Đó chính là vì trách nhiệm trong công việc, và hơn cả là tình cảm đối với mỗi sinh linh mới chào đời. Tuy nhiên, có nhiều gia đình không thông cảm, thậm chí mồng 1, mồng 2 Tết vợ chồng cãi nhau chỉ vì việc đi tắm cho em bé mà bỏ con mình ở nhà, khách đến nhà thì không lo được, đó chính là khó khăn nhất đối với họ.
Bây giờ thì gia đình chị đã hiểu và thông cảm hơn, chấp nhận như một thói quen: “Cái nghề mình nó vậy thì phải thông cảm chứ thực tế không ai thích đâu. Công việc này không như những công việc khác cần sự đều đặn, có thể mấy hôm không tắm, nhưng phần rốn tránh nhiễm trùng là quan trọng nhất. Bởi vậy Tết bọn mình không bỏ được là như thế, nghỉ ngày mồng 1 Tết có khi đến rốn các bé đã bị chảy nước rồi, mà nghỉ thêm vài ngày Tết thì người ta biết gọi ai, vì vậy gia đình sản phụ không thể thiếu mình được.”
Chia sẻ về những kỷ niệm trong suốt quãng thời gian trong nghề, chị Nguyễn Thị Nhung nói: “Kỷ niệm đáng nhớ là khi mình tắm cho một bé, nhưng bé có hiện tượng sốt, trước đấy mẹ em bé đã tự tắm sau đó rốn chảy mủ ra, mẹ bé rất lo và gọi điện cho mình. Khi đến tắm thì bé ổn hơn bình thường, nhưng sau hai ngày sau lại sốt, và phải vào viện đúng 30 Tết, bác sĩ chuẩn đoán là bé bị nhiễm trùng máu. Bị bệnh nhưng bé vẫn phải tắm, bản thân mình vẫn lẽo đẽo đi theo bạn ấy, ngày mồng 2 Tết đi vào viện để tắm cho con. Mình cũng rất lo, nhưng rất may là gia đình họ hiểu. Gia đình em bé rất là cần mình lúc đó vì họ không biết xử lý thế nào”.
Công việc tắm bé tưởng đơn giản nhưng khó khăn về nghề nhiều vô kể, lúc trời nắng trời mưa vẫn phải di chuyển ngoài đường, một năm 365 ngày thì có đến 364 ngày đi làm và chỉ có một ngày nghỉ duy nhất là mồng 1 Tết: "Bởi vì khi họ sinh vào ngày Tết thì họ không thể không nhờ được cho nên mọi thứ diễn ra bình thường. Nhiều khi ốm cũng không nghỉ được bởi khi các mẹ đã ưng cô là không muốn thay, nên không nghỉ được, nếu ốm cũng chỉ nghỉ cùng lắm là một ngày".
Nếu ốm chị Nhung cũng chỉ nghỉ cùng lắm là 1 ngày.
Khó khăn là vậy, nhưng vẫn có những gia đình không thông cảm “Nhiều khách khó tính, đến sớm 5, 10 phút cũng không được, đến muộn hơn 5 phút cũng không được, mà đường xá thì biết thế nào đâu, nên nhiều gia đình còn không cho vào nhà. Thêm khó khăn nữa như trong vấn đề chăm sóc rốn, mình luôn đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho em bé, nhưng có những gia đình họ không làm theo, đến khi em bé có vấn đề thì lại đổ lỗi tại mình.".
Chính vì vậy, đối với mỗi người làm công việc chăm sóc trẻ sau sinh, họ chỉ mong các gia đình hiểu và phối hợp trong việc chăm sóc con để em bé luôn sạch sẽ, mạnh khỏe.
Đó là chia sẻ của hầu hết những người làm công việc chăm sóc trẻ sau sinh. Mỗi lần tắm xong nhìn thấy em bé khỏe mạnh, ăn ngon ngủ ngon thì bản thân họ cũng thấy vui, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Cũng chia sẻ thêm về những lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh, chị Tạ Thanh Nhạn (Khoa sản, bệnh viện E Hà Nội) cho biết, khi tắm việc đầu tiên là phải đảm bảo nhiệt độ phòng 28-30 độ C. Phòng kín gió nhưng phải thoáng, sạch sẽ, không được ẩm mốc, đồ dùng đầy đủ, phải có đèn sưởi cho em bé. Và điều quan trọng nhất là giữ nhiệt độ cơ thể của em bé, tắm phải nhanh và sạch, nhẹ nhàng để em bé không bị mất thân nhiệt.
Niềm vui lớn nhất là nhìn thấy những em bé khỏe mạnh.
Khi em bé tắm xong sẽ lau người và vệ sinh rốn. Đặc biệt, thời gian tắm bé thường chỉ 3-4 phút, tránh để em bé bị hạ thân nhiệt nhất là vào mùa đông. Bên cạnh đó, quần áo phải cho dưới đèn sưởi để ấm mới mặc cho bé.
“Có những em bé lúc tắm khóc rất nhiều, các bà, các mẹ thì sốt ruột cứ bảo cô phải thế này, cô nhanh lên hay cô nhẹ thôi, hay tại sao cháu khóc thế? Mặc dù mình tắm cũng rất nhẹ nhàng, nhưng có những em bé một, hai lần đầu tắm chưa quen nên khóc. Những câu nói của khách hàng khi đó khiến mình đôi khi cảm thấy buồn vì mình đã rất chăm chút đến công việc, yêu nghề và yêu trẻ hết mình.", chị Nhạn chia sẻ thêm.
Đối với dịch vụ chăm sóc bé tại nhà, bên cạnh việc tắm bé, vệ sinh rốn còn có cả mát xa cho bé. Chăm sóc sau sinh là một nghề đòi hỏi phải có tố chất cẩn thận, nhanh nhẹn, thân thiện, và phải có bằng cấp.
Cả chị Nhung và Chị Nhạn đều cho rằng bên cạnh những khó khăn thì đây là công việc mang lại nhiều niềm vui vì được tiếp xúc, chăm sóc những thiên thần vừa mới chào đời. Thêm nữa, hạnh phúc lớn nhất với họ chính là nhìn thấy các em bé khỏe mạnh, sạch sẽ. Đó chính là động lực giúp họ cảm thấy yêu công việc hơn, càng muốn gắn bó với nghề hơn.
Niềm vui của các gia đình chính là động lực lớn nhất đối với những người làm nghề.
Một mùa xuân mới lại về, thêm một năm bận rộn với những thiên thần bé nhỏ, nhưng cảm xúc đón và chăm sóc em bé trong những ngày Tết chắc chắn sẽ là những ký ức khó quên đối với những người làm nghề chăm sóc sau sinh.