Đi đẻ mùa lạnh: Cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ để tránh mắc bệnh

Ngày 13/01/2018 10:03 AM (GMT+7)

Việc chăm sóc, giữ ấm cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh vào những ngày mùa đông là việc rất quan trọng.

Đi đẻ ngày lạnh là một trong những vấn đề khiến nhiều mẹ bầu tháng cuối hoang mang, lo lắng. Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, gió rét hoành hành, việc cần lưu ý những gì trước khi đi đẻ cũng khiến nhiều mẹ đau đầu.

Thêm vào đó, sau khi sinh, việc chăm sóc sức khỏe cho bé trong những tháng đầu cũng là mối bận tâm chung. Nguyên nhân là vì mùa đông là mùa trẻ em dễ bị các bệnh như cảm lạnh, viêm phổi… đặc biệt là trẻ sơ sinh do sức đề kháng của bé chưa hoàn thiện. 

Đi đẻ mùa lạnh: Cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ để tránh mắc bệnh - 1

Ths. Nguyễn Hùng Sơn.

Để cơ thể các bé được bảo vệ và chống lại những căn bệnh của mùa đông, Ths. Nguyễn Hùng Sơn – Trưởng khoa D3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ có những lưu ý dành cho các bậc cha mẹ:

Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh ngày lạnh

Trẻ mới sinh những ngày đầu thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ của môi trường, tức là phải giữ nhiệt độ môi trường trong phòng đủ khoảng 26-28 độ, tránh lạnh. Còn mùa hè, nhiệt độ phòng tránh nóng quá, đó là điều tốt nhất.

Với những gia đình ít điều kiện có thể dùng thêm máy sưởi khi cần thiết. Nếu có điều hòa, các gia đình cần chú ý đến hệ thống thông gió để luôn có không khí tươi trong phòng. Đồng thời lưu ý vệ sinh thường xuyên các bộ phận làm lạnh, thiết bị sấy, cánh quạt… và bộ phận lọc không khí.

Vào mùa đông, mẹ cũng cần phải chú ý giữ ấm cho trẻ, tránh nhiễm lạnh, dễ gây viêm đường hô hấp cho trẻ. Bà mẹ mới sinh cần chú ý tã lót cho trẻ, không nên quấn quá nhiều tã hoặc mặc quá nhiều quần áo, đắp quá nhiều chăn khiến trẻ khó chịu. Nếu thấy trẻ cựa quậy, cáu khóc, các mẹ nên kiểm tra lưng xem có toát mồ hôi không và bỏ bớt quần áo để trẻ dễ thở, đỡ nóng nực.

Việc tắm cho trẻ trong mùa đông càng phải chú trọng hơn. Trong đó 2 điều chú trọng nhất là nhiệt độ phòng và nước nóng. Nhiệt độ phòng hợp lý từ 26-28 độ và nước nóng khoảng 38-40 độ.

Đi đẻ mùa lạnh: Cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ để tránh mắc bệnh - 2

Bà mẹ mới sinh cần chú ý tã lót cho trẻ, không nên quấn quá nhiều tã hoặc mặc quá nhiều quần áo, đắp quá nhiều chăn khiến trẻ khó chịu. (Ảnh minh họa)

Lưu ý để con bú mẹ dễ dàng

Để con dễ dàng bú mẹ điều đầu tiên cần phải giữ ấm cho bà mẹ và em bé. Khi về nhà, thời tiết lạnh quá, nhiều bà mẹ chịu lạnh sẽ ngại cho con bú hoặc trẻ bị nhiễm lạnh sẽ bỏ bú hoặc bú ít. Chính vì vậy, muốn trẻ bú mẹ dễ dàng trong ngày mùa đông rét lạnh cần có rất nhiều yếu tố và biện pháp.

Trong đó, quan trọng nhất là bà mẹ cần phải giữ ấm cho bản thân mình. Ngoài ra, cần tuyên truyền, thông tin với các bà mẹ lợi ích của việc cho con bú sớm trong những giờ đầu. Bên cạnh đó, bà mẹ cần phải chuẩn bị kiến thức, hiểu được lợi ích bú sớm giúp tăng cường lượng sữa, cung cấp vi chất dinh dưỡng, kháng thể cho trẻ những tháng đầu.

Việc ôm con trong lòng khi cho bé bú cũng là cách mẹ giúp con giữ ấm cho con mùa đông nhờ thân nhiệt của mẹ được truyền sang.

Đi đẻ mùa lạnh: Cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ để tránh mắc bệnh - 3

Khi bế cho bé bú có thể đắp một chiếc khăn để hai mẹ con cùng ấm. (Ảnh minh họa)

Phòng tránh bệnh ngày lạnh cho trẻ

Mùa đông có rất nhiều bệnh, đặc biệt bệnh về hô hấp như viêm đường hô hấp, bệnh nhiễm lạnh nên các gia đình cần phải chú ý công tác giữ ấm cho bà mẹ và em bé bằng cách để phòng đủ ấm, được che chắn kín gió, có thể dùng thêm máy sưởi khi cần thiết. Với những nhà có điều kiện trang bị điều hòa 2 chiều, mùa đông để chế độ ấm trong phòng.

Các mẹ hết sức chú ý khi cho trẻ ra ngoài cần phải mặc đủ ấm và khi vệ sinh hay tắm cho trẻ cần phải ở nơi kín gió, có nước ấm.

Ngoài những lưu ý với việc chăm sóc cho con thì việc chăm sóc sức khỏe sau sinh cho mẹ cũng vô cùng quan trọng. Mời các mẹ đón đọc lời khuyên của bác sĩ Trần Vũ Quang (bệnh viện Phụ sản Trung ương) về vấn đề này vào 09h00 ngày 14/1 trên chuyên mục Bà bầu. 

Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các kiến thức khác