Câu chuyện da tiếp da sau sinh của tôi!

Ngày 08/06/2015 11:58 AM (GMT+7)

Muốn con được da tiếp da, được bú sữa mẹ trực tiếp sau sinh nên mẹ Việt Anh đã dũng cảm bỏ đói con trai 12 giờ liền.

Da tiếp da ngay sau sinh là phương pháp phổ biến trên thế giới và được khá nhiều mẹ Việt hiện đại áp dụng. Phương pháp này đã được chứng minh là mang lại những hiệu quả to lớn cho cả mẹ và bé. Ngoài việc gắn kết tình mẫu tử, da tiếp da còn giúp trẻ sơ sinh cân bằng nhiệt nhanh chóng khi ra môi trường khí bên ngoài và giúp trẻ được trấn an tinh thần do nghe được nhịp tim mẹ đập.

Ngoài ra, phương pháp này cũng được cho là giúp kích thích nguồn sữa mẹ, giúp sữa nhanh về sau sinh và giúp trẻ dễ dàng tìm đến nguồn sữa mẹ, bú mẹ đúng cách.

Là một bà mẹ trẻ hiện đại nên ngay từ khi mang bầu mẹ Việt Anh (Đồng Nai) đã cố gắng học hỏi, tìm hỏi những điều tốt nhất cho con và cô rất tâm đắc với phương pháp da tiếp da sau sinh. Theo mẹ Việt Anh, dù cô không nhận được nhiều sự ủng hộ khi thực hiện phương pháp này nhưng với kiến thức đã học hỏi được, bà mẹ trẻ vẫn vững tin ở bản thân, cố gắng cho con da tiếp da mọi lúc mọi nơi và cho con bú hoàn toàn sữa mẹ ngay sau sinh nở, dù 12 giờ sau sinh sữa mẹ mới về.

Hiện tại em bé của mẹ Việt Anh đang được bú hoàn toàn sữa mẹ và cô dự định sẽ cho con bú cho đến khi nào bé không còn nhu cầu nữa.

Câu chuyện da tiếp da sau sinh của tôi! - 1

Hình ảnh mẹ Việt Anh cho con da tiếp da và bú mẹ hàng ngày sau sinh.

Bà mẹ trẻ cũng đã có bài chia sẻ về câu chuyện da tiếp da sau sinh đặc biệt của mình để các mẹ hiểu hơn về phương pháp này:

Câu chuyện da tiếp da sau sinh của tôi

Em là em bé duy nhất trong 35 ca sinh ngày hôm đó được da tiếp da, bú sữa mẹ trực tiếp sau sinh và được nhấm nháp sữa non thần dược.

Em cũng là em bé duy nhất trong ngày hôm đó bị mẹ "bỏ đói" suốt 12 tiếng, chỉ mút mát ti không mà chưa hề có giọt sữa nào, vì mẹ tin em sinh ra không không hề đói. Em khóc không phải do đói.

Em là em bé sinh thường may mắn không biết đến sữa công thức ngay từ khi lọt lòng mẹ.

Em là em bé có dáng nằm cực kỳ đặc biệt trên bụng mẹ sau sinh - dáng nằm da tiếp da - mà bao người qua lại ngó nghiêng.

19.5.2015

Sau hơn 12 tiếng đau đẻ, cuối cùng em yêu cũng chịu ra lúc 17h15 phút. Dẹp mọi đau đớn sang một bên, điều đầu tiên mình suy nghĩ đến là sữa mẹ và da tiếp da sau sinh như kiến thức mình được tiếp cận từ hồi còn son.

Câu chuyện da tiếp da sau sinh

Mẹ nằm xuống giường trước, ẵm con xuống sau. Mẹ không cho lưng con tiếp giường luôn, vội vàng cởi nhanh hàng cúc áo mẹ, cởi nhanh hàng cúc áo con, đặt con nằm sấp trên bụng, rồi lấy chăn đắp lên lưng con. Khoảnh khắc mà cảm xúc không thể tả được. Con đỏ hỏn da tiếp da với mẹ, miệng nhóp nhép tự tìm ti, cổ cố ngóc lên.

Mẹ đọc trong mấy cuốn giáo dục sớm thì họ bảo cứ để con tự tìm ti để kích hoạt phản xạ của con, nhưng mẹ vẫn quyết định hỗ trợ con tìm ti để tay chân mẹ không bị thừa thãi.

Lúc này là 6h tối, bệnh viện khu vực khoa sản ngày 19.5, người đi đẻ, đi mổ, người nhà sản phụ đông, giường mình nằm ngay cửa ra vào nên tha hồ người ghé xem tư thế kỳ lạ có một không hai ở bệnh viện. Một em bé chưa đầy 1 giờ tuổi nằm úp trên bụng mẹ tìm ti mút chùn chụt.

"Ơ! hay chưa kìa - Nó ngóc được đầu kìa - Nó biết mút ti kìa - Hai tay nó giữ bầu vú mẹ kìa - Ham ăn quá con ạ - Mắt nó nhìn bầu vú kìa - Thật kỳ lạ!...."

Những người khác lại quở: Làm thế đau cuống rốn con đấy! Làm thế nó nghẹt thở đấy! Làm thế đầu nó vẹo đi đấy! Làm thế bị gãy cổ con đấy! Làm thế mỏi cổ con đấy! Làm thế gãy xương sống con đấy!... (Nói thêm là em bé nhà mình 5 ngày sau sinh thì rụng rốn. 6 ngày rốn khô như ai. 2 ngày đầu y tá tắm nước lã và băng rốn. Ngày thứ 3 trở đi mình để rốn con tênh hênh cho thoáng.)

Người qua lại càng nhiều, y tá và vài cô bác sỹ sản cũng ghé qua, có nhắc nhở mình mặc áo vào cho con không con bị mất nhiệt, mình ậm ừ rồi thôi. Mẹ mình thấy y tá nói thế cũng a dua theo, nói mình mặc áo vào.

Lần khác cô y tá khác lại vào bảo mình lì lợm vừa thôi, em bé mất nhiệt bây giờ. Động tác này chỉ tác dụng trong 15 phút đầu, cứ ôm ấp hoài vậy!

Nhưng theo kiến thức mình đã đọc được, da tiếp da là để điều nhiệt, cân bằng nhiệt cho con chứ không phải con bị mất nhiệt. Và kể cả áp dụng được cho trẻ 15 tuổi chứ không phải chỉ tác dụng trong 15 phút. Mình vẫn tiếp tục che đậy con kỹ hơn để được da tiếp da. Mình không quấn con khăn nọ khăn kia vì về cơ bản với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ 22 độ là cởi quần áo được rồi.

Xung quanh người ngạc nhiên chưa rõ vấn đề, người lại nhìn bằng con mắt kiểu như mình kém hiểu biết, không biết bế con, người lại ngưỡng mộ em bé nhà mình biết tìm ti mút vú, người nhà thì không ủng hộ... Mình kệ, nói chuyện với con, hôn hít da, tóc, vuốt ve lưng... ngực trần cũng kệ.

Lúc đó cảm giác đau đẻ, đau sau đẻ, đau vết khâu tầng sinh môn, đau dạ con, mỏi tay, mỏi chân... tan biến vì có thời gian nghĩ đến cơn đau đâu!

Câu chuyện da tiếp da sau sinh của tôi! - 2

Mẹ Việt Anh đã cố gắng thực hiện phương pháp da tiếp da với con dù không nhận được nhiều sự ủng hộ. (ảnh minh họa)

Các sản phụ sinh thường khác chắc cũng đau giống mình, nhưng con họ lại đang bị quấn chặt, nằm im, người nhà đang tích cực pha sữa bột cho bé. 

Suốt đêm hôm đó, em bé chỉ bị bà ngoại bế một lần tầm 10 phút cho mẹ vệ sinh, mình tự làm vệ sinh sau sinh chưa đầy 6 tiếng vì không có ai hỗ trợ. Vệ sinh xong vẫn da tiếp da với em đến sáng. Đêm đó dù mất ngủ và liên tục bị y tá, người nhà mình, người nhà người càu nhàu nhưng mình vẫn kiên định và thấy thỏa mãn, không cau có vì mất ngủ. Em bé mút ti liên tục không nhả, thi thoảng bị mất ti lại khóc tí ti, tìm được ti lại thôi, vừa ti vừa ngủ nhìn thương ơi thương.

5h sáng hôm sau, mình nặn ti thấy có chút nước vàng vàng rỉ ra. Tim mình đập loạn nhịp. Ơn giời có sữa non rồi! Mình lại run run vừa nặn vào mồm cho con vừa giúp con mút. Con mút chùn chụt. Mình kiểm tra khớp ngậm của con thì là chuẩn. Ơn giời con đã có khớp ngậm đúng!

6h sáng bị đẩy lên phòng hậu sản. Lên đó mình cũng da tiếp da. Người này thấy được lại báo cho người kia biết qua xem. Đều đều có vài người đứng  ngoài cửa sổ vào.

Ở phòng hậu sản mọi người ai ai cũng bình bú, hộp sữa công thức và nước sôi, trừ mình. Con khóc do nắng nóng mà bị quấn chặt quá, có thể do ướt bỉm, do tiếng ồn... Mẹ/ bà không thèm kiểm tra bỉm, quan sát con, cứ thấy khóc lại pha sữa bột trong khi không hiểu con tiêu hóa sữa bột chậm hơn sữa mẹ một tiếng và dạ dày ngày đầu của con chỉ chứa được 5-7ml/ lần bú cách nhau một tiếng. Đây các bà cứ pha bình 50ml và mong con cháu mình bú được 20ml rồi đong đong lường lường, thấy chưa đủ lại nhồi ăn tiếp. Cháu/ con ọc sữa ra lại xót con. Chưa kể bú bình bé nuốt khá nhiều hơi nên bị đau bụng -> lại khóc, lại tưởng con đói -> lại cho ăn.

Em bé nhà mình chỉ mút mát được vài giọt sữa non thôi vẫn ngủ ngáy say sưa trên bụng mẹ.

Ở phòng hậu sản nhiều sản phụ có sữa về nhanh lại bực bội, khó chịu vì em bé không chịu ngậm ti mẹ, trong khi chìa bình ra thì bú ngon lành. Vấn đề là em bé không biết cách ngậm ti mẹ do ban đầu đã thiết lập trong trí nhớ bé cách ngậm núm bình. Bé sơ sinh nhớ rất tài và lâu. Như em bé nhà mình giờ cứ cho nằm úp trên bụng là tìm ti mút.

Em bé nhà mình trong vòng 12 tiếng không có sữa non kia không khóc nhiều. Mình để ý các em bé khác hầu như không khóc gì sau sinh. Em bé nhà mình khóc là do lơ là tuột mất ti mẹ.

Mình lại được củng cố niềm tin ở sách vở rằng: bản năng của em trong 3 ngày đầu hay 72h giờ đầu là không đói, vì em đã tích lũy đủ năng lượng phòng cho bản thân mình 3 ngày đầu nếu sữa mẹ chưa kịp về rồi. Em khóc không phải do đói mà do lạ lẫm với môi trường nên em cần được trấn an. Da tiếp da và mút ti mẹ là hành động trấn an cho con tuyệt nhất.

4 ngày ở bệnh viện

Rời bệnh viện với hình ảnh những em bé bị quấn chặt, nằm im, các mẹ thi thoảng ôm con, các bà tích cực pha sữa, các bố thi nhau rửa bình.

P/s: Các mẹ sinh cách mình 10, 15, 30 phút, có mẹ sinh trước mình nửa ngày đến 1 ngày, nằm cùng phòng hậu sản lại gặp nhau nhưng mình vẫn có sữa non nhanh nhất trong các bạn ấy: là nhờ da tiếp da và hành động mút ti mẹ của con.

Mời các mẹ tham gia chia sẻ, tìm kiếm những kinh nghiệm, bí quyết hữu ích khi mang bầu, nuôi con nhỏ tại Hội các mẹ yêu con nhé!
Thái Nam (Theo Facebook mẹ Việt Anh)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu