Sau sinh sức khỏe giảm sút chỉ còn nặng 27kg, phải dùng máy giãn phế quản và ban đêm phải thở oxy nhưng với chị Anh Thơ, đó là cái giá quá rẻ đưa một đứa con đáng yêu đến với thế giới này.
Chào đời đã mắc hội chứng Katagener – một dị tật khiến phủ tạng đảo ngược với trái tim nằm bên phải lồng ngực, rối loạn chức năng thông khí phổi mức độ rất nặng nên ngay từ 3 ngày tuổi, chị Anh Thơ (sinh sống tại Hà Nội) đã phải đi bệnh viện và khiến cơ thể chị khi trưởng thành vẫn chỉ nhỏ như học sinh lớp 5. Chị cho biết thời điểm chị nặng cân nhất là 34kg nhưng thời điểm chọc trứng, mang bầu em bé đầu lòng chỉ nặng 28kg. Có những khi sức khỏe quá yếu, phải cấp cứu chị chỉ còn vỏn vẹn 25kg.
Tuy nhiên người mẹ nhỏ bé, thiếu cân này lại có thừa nghị lực sống, không chỉ là nghị lực trong hành trình chiến đấu với bệnh tật mà đặc biệt là hành trình 4 năm dài chiến đấu với căn bệnh hiếm muộn để quyết tâm mang bầu, tự mình sinh một đứa con.
Hình ảnh gia đình hạnh phúc hiện tại của chị Anh Thơ và anh Đình Cường.
Ngoài cái chết sớm còn không điều gì khiến người phụ nữ nhỏ bé bận tâm
Chị Anh Thơ gặp anh Đình Cường khi 2 người ở cùng một xóm trọ khi chị xuống Hà Nội học tập. Tình yêu sinh viên nảy nở đã cho trái ngọt khi 2 anh chị quyết định về chung một nhà. Tuy nhiên hành trình làm vợ, làm mẹ cho trọn một “mái ấm hạnh phúc” với chị Anh Thơ không hề dễ dàng khi lấy nhau suốt 4 năm anh chị chưa thể có con.
Một người bị hội chứng Katagener như mình làm vợ còn khó chứ nói gì đến chuyện làm mẹ.
- Anh Thơ -
”Chị Anh Thơ kể: “Một người bị hội chứng Katagener như mình làm vợ còn khó chứ nói gì đến chuyện làm mẹ. Vậy nhưng cái duyên đến, mình yêu rồi cưới. 4 năm không thể có con, chồng mình chẳng đặt cho mình áp lực nào dù tình hình rất căng thẳng. Mình thương chồng mình một phần nhưng trong mình luôn mong muốn được làm một người phụ nữ hoàn hảo, có thể sinh con đẻ cái như bất cứ người phụ nữ nào khác. Mình luôn khát khao đến chảy bỏng có một đứa con để ôm ấp. bế bồng.”
Nói về khả năng sinh con của chị, chính bác sĩ nội khoa cũng từng cho biết: “Lấy chồng ai cũng muốn sinh con nhưng chưa nói đến khả năng di truyền, sức khỏe của em không thể cho phép em có một thai kỳ an toàn cho cả mẹ và bé. Khi thai nhi lớn, sẽ chèn ép vào tim phổi và cột sống của em. Phổi của em bây giờ còn không đủ khả năng cung cấp đủ oxy cho bản thân, tim cũng cấu tạo không bình thường. Phải nhìn vào thẳng sự thật là khả năng mất mẹ mất con gần như chắc chắn.”
Để có được nụ cười hồn nhiên của đứa con trai, chị Thơ đã trải qua hành trình dài gian nan.
Mặc dù chính bác sĩ đã khẳng định thế nhưng khát khao có con với chị Anh Thơ chưa bao giờ lụi tắt. Thời gian sau đó, chị vẫn rủ chồng đi khám hiếm muộn, đi canh trứng và còn làm thụ tinh nhân tạo (tiêm tinh trùng vào buồng tử cung - IUI) 2 lần nhưng đều không có kết quả.
Hội chứng Kartagener được mô tả từ năm 1933, bao gồm giãn phế quản lan tỏa, viêm xoang sàng hoặc xoang hàm ở bệnh nhân có phủ tạng đảo ngược. Bệnh có tính chất gia đình và là một trong những bệnh hiếm gặp. |
“Sau 2 lần bơm tinh trùng, mình bị suy nhược nặng phải nhập viện phổi cấp cứu 1 tháng. Lần nào IUI mẹ mình cũng lên chăm sóc mình. Sau 2 lần không thành, bà đã nói với mình: “Từ ngày con bé đến giờ, con quyết gì mẹ cũng theo con vì mẹ muốn con hạnh phúc. Mẹ hiểu con khao khát tự mình sinh con. Nhưng con hãy cân nhắc nhờ mang thai hộ. Con phải bảo toàn tính mạng của con chứ, mạng của con là bao nhiêu nước mắt của mẹ con biết không?” Khi đó mình đã nghĩ phải nghe mẹ thôi, mình làm khổ mẹ nhiều quá rồi.”
Khi được hỏi sau nhiều năm cố gắng mà vẫn không thể có con, chị có bị áp lực nhiều không? Chị Anh Thơ cho biết suốt thời gian đó chồng mình không bao giờ tạo áp lực cho mình. Tuy nhiên cũng có áp lực từ người thân, bạn bè và từ chính bản thân mình do mình rất khát khao có con. Vậy nhưng ngoài nỗi lo chết sớm ra thì tất cả những áp lực đó đều không khiến chị Thơ bận tâm nhiều.
Mặc dù hiếm muộn 4 năm nhưng chồng chị Anh Thơ không bao giờ tạo áp lực cho vợ.
Nói dối bác sĩ để được làm IVF
Mặc dù đã tính đến phương án nhờ người mang thai hộ nhưng thời gian sau đó, chị Anh Thơ lại tiếp tục hành trình chữa trị hiếm muộn của mình bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Khi đi làm hồ sơ IVF, bác sĩ nói với mình: "Tán thành chị nhờ người mang thai hộ. Cơ địa như chị mà mang thai là có tội với con." Khi đó mình đã rất buồn.
- Anh Thơ -
”Khi trình bác sĩ để duyệt hồ sơ làm IVF, chính bác sĩ bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nói với chị: “Tán thành chị nhờ người mang thai hộ. Cơ địa như chị mà mang thai là có tội với con. Nhưng chị cũng phải xin trứng mà làm thôi chứ chị suy hô hấp nặng thế này không thể gây mê được. Gây mê chị chết luôn. Mà không gây mê không chọc trứng nổi.”
Vậy nhưng bất ngờ lúc đó chị đã nói dối bác sĩ rằng mình đã từng chọc trứng là IVF một lần. Nhờ đó chị mới được đồng ý làm hồ sơ IVF. Tuy vậy bác sĩ vẫn khẳng định: “Tôi cho chị đi làm xét nghiệm chiều chị thôi, chứ cơ địa chị chưa chắc đã kích được trứng. Còn thì chắc chắn phải nhờ mang thai hộ mới làm IVF được.”
Thời gian sau đó, vợ chồng chị Anh Thơ có tìm người mang thai hộ nhưng thực ra đó là kế hoạch bên ngoài còn bên trong chị vẫn có “âm mưu” quyết tâm tự mang thai đứa con của chính mình.
Trong thời gian chờ lấy trứng và tinh trùng, chị rất chú trọng đến chế độ ăn uống cũng như lối sống của cả 2 người. Chị cho chồng ăn giá xào, ăn bột mầm giá liên tục, ăn cá ngựa nướng ngói tán mật ong đồng thời yêu cầu chồng kiêng bia rượu, cà phê. May mắn chồng chị cũng hợp tác và đồng lòng với quyết định của chị.
Sau thời gian dài chăm sóc sức khỏe tốt nhất, chăm chỉ tiêm thuốc, siêu âm, thử máu, vào đầu tháng 2/2014, chị Anh Thơ đã đủ điều kiện để được lấy trứng nhưng vì chị bị suy hô hấp nên không thể gây mê. Bác sĩ khi đó buộc phải chọc sống lấy trứng cho chị. Dù rất đau đớn nhưng chị Anh Thơ vẫn cắn răng chịu đựng và kết quả là chị đã lấy được 11 trứng.
Từ số trứng đó, vợ chồng chị đã có được 7 phôi. Dù có ý định nhờ người mang thai hộ nhưng khi vẫn muốn thử đặt một phôi vào tử cung mình xem kết quả thế nào. Được sự đồng ý của bác sĩ, chị Anh Thơ được đặt một phôi duy nhất và sau khi đặt phôi rồi, y tá mới thông báo với chị rằng đó là phôi trung bình còn 6 phôi khác xấu nên đã phải hủy hết. “Lúc đó mình như mất hết hy vọng. Còn cái phôi trong bụng mình nếu không thành thì chắc mình phải từ bỏ bởi mình không còn sức đâu để chọc sống trứng lần nữa.”
Vậy nhưng “còn nước còn tát”, sau khi chuyển phôi, chị về nhà tiếp tục bồi bổ bằng thực phẩm, uống thuốc bổ và chờ đợi kết quả.
Hình ảnh chị Anh Thơ khi mang thai.
“Ngày thứ 8 đã nhịn không nổi nên 4 giờ sáng mình thử que. Kết quả 1 vạch. Nước mắt ầng ậng mà chẳng dám khóc to vì sợ mẹ nghe, chồng biết. Mình cứ thế đứng trong phòng tắm cả tiếng đồng hồ. Lúc bình tâm trở lại, mình toan đem que đi vứt thì bất ngờ nhìn thấy vạch thứ 2 mới hiện ra mờ ảo như sương khói. Thực sự lúc đó mình rất đau tim, cứ ôm cái que khư khư đến sáng.”
Sau đó chị Anh Thơ đi thử máu và kết quả chính xác là con đã về. “Mình sung sướng như người đi trên mây. Mừng đây, lo đây. Cuộc chiến bây giờ mới thực sự bắt đầu…”
Mang thai nhiều lúc phải há mồm để thở, cần người dìu đi
Tuần 12 siêu âm 4D. Bác sỹ bật cười khi mình hỏi ngớ ngẩn: "Con em tim bên nào?". Mình thở phào nhẹ nhõm khi nghe bác sĩ nói: "Bình thường em nhé”.
- Anh Thơ -
”Khó khăn lắm mới có thể thụ thai thành công nhưng hành trình mang thai của chị Anh Thơ mới thật sự gian nan. Ngay từ tuần thứ 7 thai kỳ, chị đã bị đau bụng dữ dội, bị tụ dịch màng nuôi. Chị phải nằm viện 5 ngày và may mắn vẫn giữ được con.
Vì gặp vấn đề về hô hấp nên thai nhi càng to, việc thở của chị Anh Thơ càng trở nên khó khăn. “Dịch ứ trong phổi không ra được làm mình phải há cả mồm ra để thở. Những lúc cơn co thắt phế quản đến, mình bò quanh giường, bám vào thành giường rướn tím mặt lên mà thở. Sợ không đủ khí cho con, mình kè kè bình oxy và máy giãn phế quản cả ngày cả đêm. Thai chèn vào bàng quang làm mình phải đóng bỉm vì không tự chủ tiểu tiện được. Cơn khó thở kéo dài cả đêm làm mình mất ngủ từ đó, tới 5 tháng liền mất ngủ.
Đến tuần 19 mình bị chảy máu cam nhiều quá, mình đi khám thì bác sĩ bắt đi siêu âm tim màu tại viện tim. Mình bật khóc khi bác sĩ nói với thể trạng này, mẹ con mình không thể giữ nổi nhau an toàn cán đích".
Từ tuần thai thứ 27, chị liên tục đến viện khám và nhập viện vì nguy cơ tiền sản giật. Lúc này mỗi khi đi lại chị phải có người dìu vì khó thở, thai chèn vào cột sống dây thần kinh làm chị hay bị mỏi, bại. Khi đó, nhà chị Thơ đã chuẩn bị mọi tình huống xấu có thể xảy ra.
Mình thế này mà vẫn có con được là may mắn nhất rồi. Với mình đây là cái giá quá rẻ để đưa một đứa con đáng yêu đến với thế giới này.
- Anh Thơ -
”Đến tuần 35 thai kỳ chị bị sốt tới 39 độ. Khi đó ai khuyên chị nên mổ đẻ nhưng chị vẫn quyết tâm giữ con trong bụng vì nghĩ con đang yếu đuối nên được ở trong bụng mẹ và cuối cùng chị đã giữ bé đến được tuần thứ 38.
Ngày cuối tháng 10/2014 chị Thơ bị ra máu và phải sinh mổ. “Sáng 1/11/2014, 9 giờ mình lên bàn mổ, bác sĩ chỉ đạo kíp mổ chuẩn bị kỹ dụng cụ cấp cứu và mổ trong thời gian nhanh nhất. Chẳng kịp nhìn thấy con, mình lịm luôn khi nghe tiếng bác sĩ nói: "Con trai cháu đây nhé, ổn rồi, cháu dũng cảm lắm". Cả nhà, cả họ hàng bạn bè quen biết rơi nước mắt mừng cho mẹ con mình. Mình nhận được cơn mưa chúc phúc.”
Mặc dù ca sinh thành công, em bé chào đời an toàn nhưng sau đó chị Anh Thơ bị kiệt sức nặng nề, sức khỏe giảm sút khiến chị chỉ còn 27kg và mắc thêm bệnh viêm cầu thận do nhiễm độc thai nghén. Vậy nhưng chị bảo chị vẫn không hối hận với quyết định tự mình sinh con.
Em bé của vợ chồng chị Anh Thơ vừa mới tổ chức sinh nhật tròn 3 tuổi.
Giờ đây, con trai bé nhỏ của anh chị vừa mới tổ chức sinh nhật tròn 3 tuổi. Sức khỏe hiện tại của chị Anh Thơ cũng ổn định hơn nhưng bên chị luôn phải có máy giãn phế quản và ban đêm phải thở oxy. Chị cho biết: “Luôn mang theo bên mình 2 loại máy này nhiều khi cũng phiền phức nhưng cuộc sống là vậy mà. Mình thế này mà vẫn có con được là may mắn nhất rồi. Làm gì có ông Bụt nào hiện ra khi cô Tấm chỉ biết ngồi khóc. Với mình đây là cái giá quá rẻ để mang một đứa con đáng yêu đến với thế giới này.”