Chửa ngoài tử cung hay còn gọi là chửa ngoài dạ con, mang thai ngoài tử cung là một trong nhiều biến chứng thai sản nguy hiểm với mẹ bầu và thai nhi.
1. Chửa ngoài tử cung là gì?
Khi trứng của người nữ và tinh trùng của người nam gặp nhau sẽ tạo thành trứng được thụ tinh. Qúa trình này diễn ra ở ống dẫn trứng, sau đó trứng được thụ tinh sẽ di chuyển đến tử cung và làm tổ trong buồng tử cung. Đây là nơi mà bào thai sẽ phát triển. Tuy nhiên, thật không may có rất nhiều trường hợp, trứng được thụ tinh không di chuyển đến tử cung làm tổ như bình thường mà gặp “sự cố” và lại làm tổ ở ống dẫn trứng hay còn gọi là vòi trứng hoặc ở cổ tử cung, ổ bụng. Hiện tượng này được gọi là mang thai ngoài tử cung và rất nguy hiểm với tính mạng của mẹ bầu nếu không được phát hiện kịp thời trong những tuần đầu của thai kỳ.
Đa số các trường hợp chửa ngoài tử cung, túi thai đều phát triển ở ống dẫn trứng. (Ảnh minh họa)
2. Vì sao bà bầu gặp hiện tượng mang thai ngoài tử cung?
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thai ngoài tử cung là do trứng sau khi được thụ tinh bị mắc kẹt trên đường tới tử cung nên không làm tổ trong buồng tử cung như bình thường. Điều này có thể xuất phát từ việc cơ thể của thai phụ bị mất cân bằng các hormone nội tiết dẫn tới viêm tử cung hoặc do chính bản thân trứng được thụ tinh phát triển bất thường.
Ngoài ra, ngày nay có khá nhiều phụ nữ gặp phải hiện tượng mang thai ngoài tử cung. Người ta thống kê cứ 50 thai phụ thì có 1 người gặp vấn đề này. Trong rất hợp trường hợp, chị em phụ nữ có thể chủ động phòng ngừa chửa ngoài tử cung bằng cách giảm thiếu các yếu tố nguy cơ gây bệnh như:
- Phụ nữ hút thuốc lá trước khi mang thai;
- Đặt vòng tránh thai;
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, nhiễm nấm Chlamydia ;
- Có tiền sử mang thai ngoài tử cung hoặc mắc bệnh viêm vòi tử cung hoặc viêm khung chậu;
- Bị lạc nội mạc tử cung, viêm lộ tuyến hoặc từng phẫu thuật vùng chậu và để lại sẹo;
- Bị dị tật bẩm sinh tại ống dẫn trứng như tắc ống dẫn trứng, hẹp ống dẫn trứng, dính tử cung, sẹo ở cổ tử cung.
Thai phụ chửa ngoài tử cung vẫn có những dấu hiệu mang thai hoàn toàn bình thường, chỉ đến khi xuất huyết âm đạo mới phát hiện thai kỳ có bất thường. (Ảnh minh họa)
3. Dấu hiệu chửa ngoài tử cung?
Trong 6-8 tuần của thai kỳ, nếu thai phụ mang thai ngoài tử cung thông thường sẽ có những dấu hiệu như sau:
- Đau lưng và đau bụng dưới: Vùng thắt lưng của thai phụ đau nhức nhiều. Còn vùng bụng dưới đau âm ỉ hoặc đau một bên bụng ở dưới rốn do căng giãn vòi trứng. Cơn đau sẽ tăng dần, đến khi có dấu hiệu đau nhói hoặc đau dữ dội nghĩa là khối thai sắp có nguy cơ vỡ rất nguy hiểm.
- Xuất huyết âm đạo: Khi khối thai lớn dần khiến vòi trứng bị rạn nứt thai phụ sẽ thấy âm đạo xuất hiện máu màu đen sậm rỉ ra. Hiện tượng này có thể kéo dài 2-4 ngày. Nhiều chị em không biết mình có thai còn cho rằng đây là hiện tượng rong kinh hoặc sắp đến ngày kinh nguyệt. Chỉ đến khi thấy lượng máu ra nhiều kèm theo đau bụng dữ dội, ngất xỉu gia đình mới vội vàng đưa đi khám.
Ngoài các dấu hiệu trên, trướ đó chị em có thể thấy buồn nôn hoặc nôn ói, hoa mắt chóng mặt, cơ thể mệt mỏi và tưởng rằng mình đang bị ốm nghén bình thường nên chủ quan không thăm khám kịp thời.
4. Mang thai ngoài dạ con nguy hiểm đến mức nào?
-Thai phụ dễ bị mất nhiều máu:
Nếu không kịp thời phát hiện tình trạng thai ngoài tử cung, khối thai sẽ càng ngày phát triển lớn hơn và vỡ ra. Việc này gây tổn thương đến các mạch máu trong ổ bụng làm xuất huyết ồ ạt. Lượng máu có thể chảy lên đến 700ml-1000ml khiến người mẹ bị mất máu nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng.
Thai ngoài tử cung không chỉ khiến người mẹ mất đi đứa con hiện tại mà còn có nguy cơ vô sinh, thậm chí đe dọa tính mạng. (Ảnh minh họa)
- Phải đình chỉ quá trình mang thai:
Khi thai nhi phát triển ở ngoài tử cung, em bé sẽ không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để có thể tồn tại. Do vậy, dù rất đau lòng nhưng người mẹ phải chấp nhận đình chỉ thai kỳ để bảo vệ tính mạng của mình cũng như bảo tồn chức năng sinh sản của cơ quan sinh sản khi còn có thể.
- Phụ nữ có tiền sử mang thai ngoài tử cung có khả năng vô sinh:
Nếu thai phụ mang thai ngoài dạ con mà không được phát hiện sớm ngay từ khi khối thai còn nhỏ có thể khiến khối thai vỡ gây chảy máu vào ổ bụng. Lúc này, để cứu sống tính mạng của người mẹ, khả năng cao bác sĩ sẽ phải cắt bỏ một bên vòi trứng, khiến chị em khó sinh nở về sau. Nếu trường hợp phải cắt bỏ 2 bên vòi trứng sẽ khiến chị em vô sinh vĩnh viễn.
5. Làm thế nào để phát hiện chửa ngoài tử cung?
Trong những tuần đầu sau khi phát hiện mang thai, mẹ bầu cần đi khám chuyên khoa để kiểm tra tổng quát tình trạng thai nghén.
Trước hết, bác sĩ sẽ siêu âm ổ bụng để xem tình trạng của tử cung và ống dẫn trứng, điều này giúp đánh giá vị trí thai đã nằm ổn định trong buồng tử cung hay chưa.
Thứ hai, bác sĩ sẽ khám vùng xương chậu để kiểm tra kích thước của tử cung. Nếu thai kỳ diễn ra bình thường, kích thước tử cung tăng lên, ngược lại nếu mang thai ngoài tử cung, kích thước tử cung sẽ không thay đổi.
Ngoài ra, mẹ bầu có thể được tiến hành xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ hormone h CG. Khi thai nhi phát triển bình thường, nồng độ h CG sẽ càng ngày càng tăng cao. Nếu nồng độ này có dấu hiệu chững lại hoặc giảm đi, rất có thể là tình trạng của thai ngoài tử cung.
Chị em nên khám thai sớm ngay khi phát hiện mình có dấu hiệu mang thai để phát hiện kịp thời bất thường của thai kỳ. (Ảnh minh họa)
6. Chửa ngoài tử cung được điều trị như thế nào?
Việc điều trị cho thai phụ mang thai ngoài tử cung còn tùy thuộc vào thời gian phát hiện cũng như tình trạng sức khỏe của người phụ nữ.
Nếu phát hiện sớm, thai phụ đang mang thai ngoài tử cung, sẽ có nhiều cách để điều trị nhằm tránh nguy cơ vỡ ống dẫn trứng, bảo tồn cơ quan sinh sản của người phụ nữ như dùng thuốc để ngăn cản sự phát triển của túi thai, phẫu thuật nội soi để loại bỏ túi thai hoặc rạch được đường nhỏ trên ống dẫn trứng nhằm đảm bảo ống dẫn trứng không bị vỡ.
Nếu tình trạng xấu nhất, khi thai nhi đã phát triển quá lớn, khả năng sắp vỡ ống dẫn trứng hoặc ống dẫn trứng đã vỡ bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật khẩn cấp nhằm cầm máu và tránh xuất huyết ổ bụng. Trong trường hợp ống dẫn trứng và buồng trứng bị tổn thương nặng, sẽ có nguy cơ phải phẫu thuật cắt bỏ.
Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ chửa ngoài tử cung, chị em phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản cần chú ý có lối sống lành mạnh và an toàn như: không hút thuốc lá, tự ý sử dụng thuốc, quan hệ tình dục an toàn để tránh lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục và các bệnh nhiễm trùng vùng chậu, tư vấn tiền sản trước khi mang thai, khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.