Khi được hỏi về cảm xúc sau lần đầu tiên đi sinh, chị Linh chỉ có thể nói một câu: "Mình sợ đến già".
Kỉ niệm lần đầu tiên sinh con cùng cảm xúc lo lắng, hạnh phúc, xúc động chắc chắn là điều những bà mẹ không bao giờ quên. Chị Diệu Linh (24 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) cũng vậy. Dù đã 1 tháng sau ngày sinh nhưng từng chi tiết trong hành trình vượt cạn chị đều nhớ rõ ràng như mới diễn ra hôm qua.
Chị Linh bắt đầu có dấu hiệu sắp sinh khi thai được 38 tuần, 6 ngày. "Lúc đó mình bị đau bụng lâm râm một ngày. Đau bụng nhẹ và dịch hồng cũng ra rất ít nên mình không nghĩ là chuẩn bị đẻ. Đến đêm mình mới thấy nhiều hơn, lên mạng hỏi thì mọi người bảo chuẩn bị đi đẻ đi nhưng mình vẫn không tin", chị Linh kể lại.
Đến 4 giờ sáng thì chị Linh bắt đầu thấy cơn đau mạnh hơn, cứ 15 phút một lần nên gọi xe đi bệnh viện. "Đến nơi được hướng dẫn vào phòng cấp cứu, nộp giấy đăng kí sinh sau đó thì vào phòng khám thường. Y tá khám trong thông báo đã mở 3 phân và phải ngồi xe đẩy sang khu chờ sinh mặc dù mình vẫn khỏe để chạy được", chị Linh kể tiếp.
Chị Linh và con gái 22 ngày sau sinh.
Sau khi lên khu đẻ, chị Linh được đưa vào phòng chờ đẻ để đo tim thai, khám trong, chọc ối... Sau đó, chị chuyển phòng đẻ. Đây cũng là lúc tâm trạng chị Linh bắt đầu hoang mang. Chi kể lại: "Phòng đẻ có hai giường cho hai bà đẻ nằm. Ai đẻ trước thì đỡ chứ đẻ sau như mình thì xác định là tinh thần hoảng loạn vì nghe người trước kêu gào. Trong cả quá trình này người thân cũng không được vào, nhưng được chuyển đồ ăn vào. Đến khi mình bắt đầu rặn đẻ thì được một người thân vào cùng".
Từ khi mang bầu, chị Linh đã tìm hiểu về việc tiêm thuốc gây tê màng cứng để đẻ không đau. Chị được biết có hai hình thức gây tê là truyền thuốc và tiêm thuốc. Ai có dấu hiệu mở cổ tử cung chậm, lâu đẻ thì sẽ được truyền thuốc dần dần từ từ, ai có dấu hiệu mở nhanh thì sẽ được tiêm.
Ban đầu, chị Linh xác định là mình sẽ không sử dụng thuốc, cố gắng chịu đau nhưng cuối cùng khi cổ tử cung mở 6cm, chị không chịu được nưa nên kế hoạch thất bại.
Dù phải chịu bao đau đớn nhưng chị Linh vẫn thấy hài lòng vì đã "lãi" một bé gái xinh đẹp, khỏe mạnh thế này.
Vì vậy chị rút ra kinh nghiệm cho mình và cũng muốn chia sẻ cho mọi người: "Ai xác định dùng thuốc tê thì phải báo bác sĩ từ đầu. Mình định cố chịu đau nhưng thất bại, chịu được đến 6 phân rồi mới gọi bác sĩ để tiêm chứ bình thường họ tiêm lúc mở 3 phân. Lúc gần sinh bác sĩ sẽ tháo ống truyền nếu là truyền thuốc, hoặc nếu là tiêm thuốc thì đến lúc gần sinh cũng hết tác dụng, nên vẫn cảm nhận được cơn đau đẻ như thường. Và mình phải nói là cực kỳ đau".
Sau khi được tiêm thuốc tê, chị Linh thoải mái chờ đến lúc cổ tử cung mở hết để vào phòng đẻ. Khi vào phòng đẻ, chị lại lo lắng một vấn đề khác là cơ thể mình gầy yếu nên không có sức rặn đẻ.
Chị chia sẻ: "Mình gầy yếu nên rặn không khỏe, có 2 y tá đè bụng cho. Rồi mình bắt đầu rặn 3 chu kì, mỗi chu kì 3 hơi. Mệt hết hơi mà con không ra. Sau đó bác sĩ rạch một phát nhưng lúc ấy cơn đau đẻ lấn át hết các cơn đau khác rồi nên biết là bị rạch mà chẳng thấy đau".
Con chính là nguồn động lực lớn nhất để chị Linh vượt qua mọi đau đớn khi vượt cạn.
Vì quá đau đớn và mất sức khi phải rặn liên tục nên chị Linh đã phải khóc lóc van xin bác sĩ, y tá cho sinh mổ. Chị Linh kể: "Mình cứ vừa khóc vừa xin "chị ơi cho em mổ, em chết mất, em mệt quá rồi em không đẻ được đâu". Giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười, đúng kiểu van xin để được giải thoát ấy. Chị ấy cứ động viên "cố lên em ơi, con sắp ra rồi không kịp mổ đâu, cố rặn đi" còn bác sĩ thì dọa "Nào, lần này không rặn được là đầu con bị dài đấy.
Mình nghe sợ quá rặn 1 phát cuối cùng, cắn răng vào nhau, mắt nhắm chặt lại rặn. Thế là đầu con chui ra, bác sĩ bảo thôi không rặn nữa, xong bác ý xoay xoay vặn vặn một lúc thì nghe thấy tiếng con khóc. Và rồi thì con cũng nằm trên bụng, bé bé, xinh xinh, bẩn bẩn, ướt ướt. Mình nghe văng vẳng bên cạnh ai nói "con gái nhé, 3 cân 4". Lúc ấy mới cảm ơn trời phật là mình sống rồi. Trong lúc lâng lâng hạnh phúc thì bác sĩ cũng khâu vết rạch luôn, có thuốc tê nên mình không thấy đau".
Sau kí sự đi đẻ của mình, chị Linh khẳng định cảm xúc khi đi sinh rất nhiều, nhưng kể lại thì rất khó. "Sau tất cả mình chỉ rút ra một điều là không đau gì mà bằng đau đẻ. Đặc biệt là đẻ xong vẫn chưa thoát khổ vì đau vết rạch, đau dạ con, đau lưng, đau đầu, đau ngực, đau hạch ở nách, đau tòan thân. Vậy nhưng có con thì mọi đau đớn mẹ cũng vượt qua hết."