Bà mẹ người Anh đã không thể tin được khi nhìn thấy cô con gái sơ sinh của mình có đặc điểm khác trẻ mới sinh bình thường.
Khi bà mẹ trẻ Bethany Green đón con gái bé bỏng đến với thế giới, như bao bà mẹ khác, cô vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng ngay sau đó, các nữ hộ sinh đã nhận ra một đặc điểm lạ bất thường ở em bé này, đó là sự xuất hiện của một chiếc răng đã mọc khá cao trong miệng bé.
Hiện tại, khi đã được 4 tuần tuổi, bé Avery sở hữu một chiếc răng sữa mọc đã khá to và đã từng phải đi khám nha khoa để kiểm tra độ ăn toàn của chiếc răng đặc biệt.
Bé gái vừa chào đời đã có một chiếc răng khá lớn trong miệng.
Trên thực tế, hầu hết các em bé sơ sinh có chiếc răng đầu tiên từ khoảng tháng thứ 6-9, tuy nhiên có một tỷ lệ nhỏ trẻ sinh ra đã có răng mà nhiều người ví những trường hợp này như “miệng ngậm ngọc”.
Kể về thai kỳ của mình, Bethany, 18 tuổi, cho biết cô đã không hề biết mình mang bầu cho đến khi thai kỳ được 6-7 tháng. Vì vậy những tháng mang thai sau đó trôi qua như một cơn lốc.
Bà mẹ trẻ không tin khi bác sĩ nói con vừa chào đời đã có răng.
“Thời gian mang thai chóng vánh rồi tôi sinh con. Đến khi bé chào đời lại có chiếc răng rất to thật đặc biệt khiến tôi vô cùng bất ngờ. Khi nữ hộ sinh nói về sự xuất hiện của chiếc răng trong miệng bé, tôi đã không tin và chính các nữ hộ sinh cũng bất ngờ”, bà mẹ 18 tuổi nói.
Hiện tại bé Avery được mẹ cho đi khám nha khoa thường xuyên vì chiếc răng đặc biệt đã phát triển đầy đủ và các bác sĩ sẽ theo dõi để lựa chọn phương án tốt nhất là nên giữ hay bỏ chiếc răng này do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc ăn uống của bé.
Theo Giáo sư Richard Welbury – bác sĩ nha khoa của bé Avery: “Thông thường chúng tôi sẽ cố giữ chiếc răng như răng sữa bình thường. Tuy nhiên có 3 lý do chiếc răng sẽ phải nhổ bỏ, thứ nhất là răng sẽ gây nguy hiểm cho đường thở của bé khi răng lung lay và bị rụng ra rồi đi vào phổi của em bé. Thứ 2 là răng có thể làm loét lưỡi mặt dưới của bé và lý do thứ 3 là nếu người mẹ cho con bú thì răng sẽ làm ngực mẹ đau đớn.”
Hiện tại Bethany đang cho bé Avery bú bằng bình để đảm bảo an toàn.
Ước tính cứ 2.000 trẻ sơ sinh chào đời thì có một em bé có răng sữa – một tỷ lệ khá hiếm gặp.