Thời gian chờ đợi đến ngày được gặp mặt con dường như dài hơn bởi sự mệt mỏi cuối thai kỳ.
Những tháng cuối thai kỳ, các mẹ bầu thường rất hồi hộp vì đã gần đến ngày dự sinh và sắp được gặp mặt con yêu. Tuy nhiên, chặng đường này dưỡng như dài thêm vì mẹ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe. Bụng bầu càng lớn, mẹ càng mệt mỏi, đau nhức cơ thể. Làm thế nào để mẹ vượt qua những “cửa ải” này dễ dàng đây, chị em cùng tham khảo nhé!
Buồn nôn – mãi chẳng hết
Không phải cứ hết 3 tháng đầu là mẹ không có cảm giác buồn nôn, thậm chí là nôn ói nữa đâu. Có rất nhiều phụ nữ phải đối mặt với chứng ốm nghén trong cả thai kỳ. Vì vậy họ gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống cũng như nạp đủ dưỡng chất cho thai nhi. Lúc này, mẹ bầu cần cố gắng uống đủ nước, chọn những thức ăn nhiều dưỡng chất và tránh đồ cay nóng. Hãy ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để bớt cảm giác buồn nôn mẹ nhé.
Ợ nóng
Hiện tượng này thường xuất hiện từ cuối quý thứ 2 thai kỳ và nặng nề nhất ở 3 tháng cuối khi thai nhi càng lớn dần. Khi bị ợ nóng, mẹ nên xem xét chế độ ăn uống và tìm hiểu xem những món ăn nào đang gây nên triệu chứng ợ nóng cho bản thân. Ngoài ra, chị em cũng nên tránh những đồ ăn, cũng như bất cứ thứ gì có nhiều axit như cà chua, nho, hoặc các loại trái cây họ cam quýt. Mẹ bầu cũng có thể làm giảm nguy cơ bị chứng ợ nóng bằng cách ăn bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì ba bữa ăn trong ngày. Nếu chứng ợ nóng ảnh hưởng đến việc ăn uống và sức khỏe của mẹ, hãy đến gặp bác sĩ để có biện pháp khắc phục tốt nhất.
Hiện tượng này thường xuất hiện từ cuối quý thứ 2 thai kỳ và nặng nề nhất ở 3 tháng cuối khi thai nhi càng lớn dần. (ảnh minh họa)
Khó thở
Cuối quý 2 và 3 thai kỳ, bào thai tiếp tục gây sức ép lên lồng ngực và phổi khiến bạn khó thở nhiều hơn. Hãy tránh làm việc nặng nhọc, đi lại nhiều để gây mệt cho bản thân. Nếu bạn thấy khó thở thường xuyên, phải thở nhanh thì bạn nên đi khám sớm.
Mệt mỏi
Những cơn mệt mỏi có thể xuất hiện nhiều vào buổi chiều nhất là khi bạn vẫn phải làm việc. Yoga dành cho bà bầu giúp bạn khắc phục mệt mỏi, lại làm chắc khỏe các dây chằng xung quanh xương chậu. Tập môn này cũng khiến mẹ bầu dễ sinh thường hơn.
Ngoài ra, chị em hãy thử một giấc ngủ ngắn vào buổi chiều, nếu có thể. Nếu bạn đang làm việc, thử nghỉ một lát và ăn hoa quả. Tốt nhất, hãy đi bộ trong ít phút để lấy lại sự tỉnh táo và minh mẫn.
Phù nề
Chất lỏng của cơ thể tăng lên 50% khi mang thai. Do đó, bà bầu cần lượng máu đủ để hỗ trợ cho cả mẹ và em bé, và sau đó là dịch ối, cũng như để giữ cho cả hai cơ thể đủ nước. Phù nề là triệu chứng xảy ra khá thường xuyên. Để giảm bớt tình trạng này, các chị em nên mặc quần áo và giày thoải mái. Uống đúng lượng nước yêu cầu cũng như kết hợp nhiều nước trái cây và sữa trong thực đơn của mình cũng rất cần thiết.
Mẹ bầu cũng không nên ăn nhiều thức ăn mặn, nhưng không cắt giảm hoàn toàn muối ra khỏi chế độ ăn uống mà đảm bảo một lượng cân bằng muối trong chế độ ăn uống. Theo các chuyên gia, khoảng 1 ½ muỗng cà phê mỗi ngày là phù hợp cho phụ nữ mang thai.
Hầu như tất cả các thai phụ đều gặp triệu chứng táo bón ở giai đoạn cuối thai kỳ. (ảnh minh họa)
Táo bón
Hầu như tất cả các thai phụ đều gặp triệu chứng này ở giai đoạn cuối thai kỳ. Để tránh “táo”, hãy uống nhiều chất lỏng và dùng các thực phẩm giàu chất xơ. Ngồi nhiều cũng khiến bạn bị táo bón; vì vậy, nên di chuyển thường xuyên hơn.
Rạn da
Khi thai nhi lớn lên, thai phụ thấy da bị căng và xuất hiện vết rạn ở ngực, đùi và bụng. Bạn đừng quá lo lắng vì rạn da là điều bình thường, nó có thể mờ dần và mất hẳn sau một thời gian sau sinh. Cách tốt nhất để phòng tránh và hạn chế rạn da là giữ cho cơ thể không bị mất nước và giữ ẩm cho da bằng một loại kem an toàn.
Ốm vặt
Bạn có thể thấy mình dễ sổ mũi, hắt hơi vì hệ miễn dịch yếu đi khiến cơ thể dễ bị virus xâm nhập. Cách tăng miễn dịch cho cơ thể là ăn uống và vận động hợp lý đặc biệt nên uống nhiều nước cam.
Chóng mặt
Vào lúc nào đó, bạn sẽ thấy bị chóng mặt nhất là khi đứng lên ngồi xuống hoặc nằm ngửa. Điều này là do trọng lượng của thai ép lên các tĩnh mạch mang máu từ phần dưới cơ thể quay lại tim. Nguy hiểm lớn nhất của chóng mặt là làm bạn bị ngất.
Để tránh chóng mặt, nên hạn chế nằm ngửa trong những tháng cuối thai kỳ. Thay vào đó, hãy nằm nghiêng về bên trái hoặc kê một chiếc gối phía hông khi bạn nằm nghiêng.
Lượng đường trong máu hạ cũng có thể gây nên chóng mặt. Bạn nên duy trì đồ ăn nhẹ giữa các bữa ăn để cân bằng lượng đường trong máu. Nếu thấy hoa mắt, bạn cần ngồi xuống và ăn một chút. Chuối là thức ăn nhanh tuyệt vời vì nó cung cấp năng lượng nhanh; đồng thời, chuối còn giàu kali, giúp giảm sưng phù.
Cuối thai kỳ mẹ bầu có thể phải đối mặt với những cơn đau lưng dữ dội. (ảnh minh họa)
Đau lưng
Đau nhức có thể gia tăng khi thai nhi phát triển. Bạn có thể phải đối mặt với những cơn đau lưng dữ dội. Lúc này, yoga và tư thế ngồi đúng sẽ giúp bạn hạn chế cơn đau lưng.
Nếu bị đau bụng, kèm nôn thì có thể do bạn bị ngộ độc thức ăn hoặc bị viêm ruột. Hai tình trạng này (nếu ở mức độ nhẹ) thì không gây nguy hiểm cho bào thai nhưng nếu tình hình xấu đi, bạn cần nhập viện nhanh chóng.
Bạn cũng có thể bị phù, khó chịu ở chân và mắt cá chân. Khi ngồi xuống, hãy xoay bàn chân của bạn và tránh ngồi bắt chéo. Ngoài ra, hãy kê chân lên một cái bục khi ngồi.
Vụng về
Bụng bầu to lên khiến bạn dễ mất thăng bằng, dẫn tới vấp, ngã. Để khắc phục, cần tránh đi lại trên sàn trơn, nên đi giày (dép) phù hợp và cẩn thận nếu phải thu dọn những mảnh vỡ.
Đau mông, háng
Những cơn đau nhói, ngắn sẽ xuất hiện ở khu vực này. Thông thường, cơn đau sẽ mạnh hơn khi đứng hoặc di chuyển. Nó cũng có thể xảy ra khi đi bộ, ho hoặc thay đổi tư thế (như vừa bước ra khỏi ôtô). Để khắc phục, mẹ bầu hãy dành thời gian nghỉ ngơi. Khi ngồi, bạn nên kê chân để tránh áp lực của bào thai lên hông. Bạn cũng có thể chườm ấm vào háng cho đến khi cơn đau dịu đi.
Cơn đau háng bình thường chỉ diễn ra trong một vài giây. Nếu bạn bị đau liên tục, đau kèm theo sốt, nôn, đau quặn bụng, đau lưng, ra máu thì bạn cần đi khám ngay lập tức.