Sau lần sinh bé Kim, tôi thực sự ngỡ ngàng với những phong tục sinh nở cực độc ở xứ sở Kim chi.
Ngày mới tốt nghiệp đại học, tôi may mắn được người quen giới thiệu vào làm việc cho một công ty mỹ phẩm của Hàn Quốc ở vị trí thư ký giám đốc. Ngày đó tôi học chuyên tiếng Hàn, cũng chẳng biết gì về mỹ phẩm nhưng vì làm thư ký nên công việc khá nhẹ nhàng, lương bổng ở đây cũng khá ổn nên tôi gắn bó với công việc này trong một thời gian khá dài.
Vì làm thư ký nên chỉ 1 năm sau tôi thường xuyên được đi Hàn Quốc công tác (sếp tôi là người Hàn). Trụ sở chính của công ty cũng ở Hàn Quốc nên sang đó tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều người ở xứ sở này. Nói thật là tôi ngày càng yêu đất nước Hàn Quốc xinh đẹp qua những chuyến đi công tác và tôi yêu luôn cả con người nơi đây nữa. Bạn bè tôi ai ai cũng ghen tỵ nói tôi may mắn tìm được công việc ổn định, đi Hàn Quốc cứ như đi chợ. Tôi thấy tự hào nhiều lắm.
Cũng trong những lần đi công tác này, tôi đã quen biết và gặp gỡ chồng tôi hiện tại. Anh cũng là đồng nghiệp của tôi nhưng là người Hàn Quốc và làm việc bên đó. Nói thật là ngay lần gặp gỡ anh đầu tiên, tôi đã chết mê chết mệt vẻ đẹp trai Hàn Quốc của anh. Chúng tôi giữ liên lạc và bắt đầu tán tỉnh nhau. Chỉ 1 năm sau đó, đám cưới diễn ra và tôi đã nhập quốc tịch Hàn Quốc để sang đó sinh sống. Tôi có bầu và sinh con cũng không lâu sau đó nhưng đúng là có sống ở đây, có sinh con đẻ cái ở đây tôi mới khám phá ra được rất nhiều điều thú vị về đất nước, con người Hàn Quốc, đặc biệt là các phong tục khi sinh nở.
Sau lần sinh bé Kim, tôi thực sự ngỡ ngàng với những phong tục sinh nở cực độc của xứ sở Kim chi. (ảnh minh họa)
Chúng tôi sinh sống và làm việc ở Seoul nhưng quê chồng tôi lại ở một vùng quê khác xa, vì vậy mà nói thật là mẹ chồng tôi có phần hơi cổ hủ. Khi tôi chuẩn bị sinh nở, vì mẹ đẻ tôi ở Việt Nam không thể sang được nên chồng đã đón bố mẹ chồng tôi lên Seoul ở và chăm sóc tôi luôn. Được bố mẹ chồng chăm sóc tôi vui lắm, nhưng nói thật là tôi hơi bị “sốc” với những quan niệm sinh nở của các cụ.
Sau sinh phải ăn canh rong biển
Ngày tôi nhận ra những cơn đau chuyển dạ, mẹ chồng đã vội vàng chuẩn bị sẵn một mâm cơm với 3 bát cơm trắng nóng và 3 bát canh tảo biển và một bát nước chẳng biết bà lấy từ đâu đặt lên bàn và cầu khấn các vị thần sinh nở rồi mới đưa tôi đi đẻ. Khi Kim vừa chào đời, bà đã tất tả về nhà để nấu cơm nóng và canh rong biển mang đến bệnh viện cho tôi ăn. Bà bắt tôi ăn hết một bát cơm và canh rong biển vì đây là món ăn truyền thống của sản phụ Hàn Quốc. Sau này tôi được biết canh rong biển rất giàu sắt, tốt cho máu và còn giúp sản phụ nhiều sữa nữa.
Nhau thai được đốt thành tro
Một điều vô cùng đặc biệt nữa là mẹ chồng còn xin cả nhau thai của tôi về để đốt thành tro. Bà không bỏ cho này đi mà cẩn thận cất vào lọ sạch, bà bảo để dùng làm thuốc cho con trai tôi khi bé bị ốm. Đương nhiên, là một bà mẹ hiện đại, tôi không bao giờ để mẹ chồng cho con uống những đồ chưa được khoa học kiểm chứng như thế nhưng tôi cũng phải khéo léo thuyết phục bà để bà không phật ý.
Sau sinh phải kiêng cữ
Cũng giống như người Việt Nam, mẹ chồng Hàn Quốc của tôi bắt tôi kiêng cữ ghê lắm. Bà không cho tôi ra ngoài hay sử dụng điều hòa cả tháng trời sau sinh. Tôi chỉ được phép sử dụng một chiếc quạt rất nhẹ để phe phẩy cho bớt nóng. Tôi cũng không được tắm gội như các mẹ hiện đại. Cũng may mẹ chồng tôi còn nghe lời con cháu, khi tôi không thể chịu đựng được, cầu cứu chồng thì chồng đã nói với mẹ và 2 tuần sau sinh tôi được tắm, gội. Thế nhưng sau đó, tôi vẫn phải mặc quần áo dài, đi tất và bịt bông tai. Tôi cũng không phải bế con nhiều bởi bà sợ tôi sẽ bị đau lưng về sau này. Hầu hết việc chăm con đều do mẹ chồng tôi đảm nhận.
Tên bé là do ông nội đặt
Với gia đình chồng tôi, mọi người đều được thoải mái trong khuân phép và với chuyện đặt tên cho một đứa bé mới chào đời cũng thế. Vợ chồng tôi không được phép đặt mà đó là việc của bố chồng. Ngay từ khi biết tôi mang thai con trai, bố chồng đã tìm tòi, nghiên cứu và quyết định gọi bé là Kla Mong. Tuy nhiên, ở nhà chúng tôi thường gọi bé là Kim và bố mẹ cũng không phản đối gì với cái tên này.
Những quan niệm sinh nở của bố mẹ chồng người Hàn Quốc tuy có hơi cổ hủ nhưng thật may mắn vì ông bà rất nghe lời con cháu nên tôi chẳng gặp trở ngại gì. Tôi vẫn luôn cảm ơn đời vì đã được làm dâu người Hàn Quốc, được sống và làm việc ở xứ sở Kim Chi với thật nhiều điều tuyệt vời này.