Lúc nghe câu chuyện giữa mẹ chồng với chị chồng, trong lòng tôi đã thấp thoáng suy nghĩ, bà cho con gái tiền đi đẻ chắc cũng sẽ cho con dâu bởi trước nay bà đối xử với 2 đứa rất công bằng.
Mẹ chồng tôi sống rất nguyên tắc. Cũng vì thế mà sống cạnh bà, nhiều lúc tôi cảm thấy áp lực vô cùng. Đợt mới về làm dâu, tôi gần như bị stress vì cái gọi là “nhập gia tùy tục” của bà. Nhưng sau thì tôi hiểu, thực ra bà chỉ nóng tính, hay nói nhưng tuyệt đối không để bụng. Có gì không hay không phải, bà có thể nói như tạt nước lúc ấy, sau thì lại vui vẻ nói cười như chưa từng có chuyện gì. Quen tính bà, tôi mới đỡ áp lực.
Cưới được hơn năm, trùng hợp tôi có bầu cùng thời gian với chị gái chồng. Cùng một lúc cả con dâu con gái mang bầu, mẹ chồng tôi mừng lắm. Đã vậy chị chồng tôi lại mua nhà gần nhà ngoại, mỗi khi mẹ chồng nấu cháo hay đồ ăn tẩm bổ cho con dâu, bà lại làm thêm 1 suất cho con gái ăn cùng. Cũng chính trong giai đoạn bầu bí này, được mẹ chồng chăm lo săn sóc mà thiện cảm của tôi dành cho bà ngày một nhiều hơn. Nhiều lúc thấy bà cặm cụi vất vả nấu từng bát cháo bưng lên tận phòng cho con dâu, tôi thấy cảm động vô cùng.
Cũng chính trong giai đoạn bầu bí này, được mẹ chồng chăm lo săn sóc mà thiện cảm của tôi dành cho bà ngày một nhiều hơn. (Ảnh minh họa)
Ngày dự kiến sinh của tôi với chị gái chồng chênh nhau vài ngày. Đến tháng cuối, mẹ chồng đi sắm đồ sơ sinh cho cả cháu nội cháu ngoại, mọi thứ đều y chang nhau chỉ khác màu. Bà bảo:
“Với mẹ cháu nội hay cháu ngoại đều như nhau cả. Cháu nào mẹ cũng thương, cũng quý nên mẹ cứ mua thế sau này chúng nó không bì tị”.
Vậy nhưng tới gần tháng sinh, một hôm đi làm thấy người mệt, tôi xin về sớm nghỉ ngơi, không ngờ vừa tới cửa đã nghe tiếng mẹ chồng đang nói chuyện với con gái bà:
“30 triệu này là mẹ chuẩn bị để cho con lo viện phí đi đẻ. Con giữ lấy, lúc cần mang ra dùng. Giờ phải để tư tưởng thoải mái đợi ngày sinh, không phải lo lắng gì hết”.
Quả thật, lúc nghe câu chuyện giữa mẹ chồng với chị chồng, trong lòng tôi đã thấp thoáng suy nghĩ, bà cho con gái tiền sinh chắc cũng sẽ cho con dâu bởi trước nay bà đối xử với 2 đứa rất công bằng, chưa bao giờ có sự phân biệt. Hơn nữa, chính bà nói coi cháu nội cháu ngoại như nhau. Tôi tin bà cũng sẽ chuẩn bị chi phí nhập viện sinh nở cho con dâu như vậy.
Nghĩ thế nên tôi có chút háo hức, chờ đợi. Thực sự tôi không phải dạng ham tiền mà là muốn được mẹ chồng quan tâm tới cháu nội như bà quan tâm cháu ngoại. Thế nhưng chờ đợi mãi tôi vẫn chẳng thấy bà nhắc tới chuyện cho con dâu tiền đẻ. Đến ngày nhập viện sinh, mẹ chồng vẫn không đưa cho một đồng. Khi ấy tôi ngậm ngùi nghĩ bà cư xử không công bằng giữa con dâu với con gái nên bản thân hẫng hụt, thất vọng lắm.
Tôi sinh được chục ngày thì chị chồng vỡ ối lâm bồn. Nghe thông gia gọi sang thông báo, mẹ chồng tôi quay sang nói với bố chồng:
“Đấy, ông thấy tôi thu xếp tính toán mọi việc như vậy có phải hợp lý không. Biết con gái đẻ sau con dâu, tôi không thể sang đỡ đần nó được nên cho nó tiền viện phí. Mình là ông bà nội phải dành thời gian chăm cho con dâu cháu nội của mình chứ. Dâu mới là con, con gái mình bên đó đã có bố mẹ chồng nó lo. Thôi thì một đứa mình cho của, một đứa cho công. Như vậy là công bằng ông nhỉ”.
Hiểu lòng mẹ chồng, tôi thấy hổ thẹn với bà vô cùng. (Ảnh minh họa)
Xuống dưới nhà lấy đồ, ngang qua phòng mẹ chồng vô tình nghe được câu chuyện của 2 ông bà mà tôi ngây người. Lúc ấy tôi mới thực sự hiểu thấu tấm chân tình của bà dành cho mình. Vậy mà suốt thời gian qua, tôi lại trách nhầm bà.
Quả thật những ngày ở cữ, tôi được mẹ chồng chăm sóc chu đáo vô cùng. Ngày 3 bữa bà mang cơm tận phòng. Tôi đẻ thường đến nay tròn 4 tháng mà mẹ chồng vẫn chưa phải chạm tay xuống nước hay đứng bếp nấu ăn. Bà bảo, phụ nữ sau sinh càng kiêng cữ được lâu càng tốt. Bà còn khỏe, còn chăm được con dâu cháu nội, tôi không cần phải e ngại, giữ ý. Thấy bà thương con dâu thế, thật sự tôi thấy mình quá may mắn khi có người mẹ chồng tâm lý như vậy.
Đẻ thường ở cữ bao lâu?
Thời gian ở cữ thời xưa, các cụ các ông bà là 3 tháng 10 ngày. Nhưng giờ đây, với những quan điểm, tiến bộ của khoa học hiện đại và trải nghiệm thực tế thì ở cữ ở các mẹ đẻ thường sẽ trong 1 tháng đầu sau sinh. 1 tháng này sẽ giúp các mẹ chóng bình phục, phòng tránh nguy cơ mắc một số bệnh hậu sản và các biến chứng về sức khỏe sau này.
Những lưu ý khi ở cữ các mẹ đẻ thường cần quan tâm:
Ngoài những chú ý về chế độ dinh dưỡng ăn uống, thì để hạn chế các bệnh hậu sản, phục hồi điều dưỡng sức khỏe nhanh nhất thì các mẹ cũng cần lưu ý những điều sau:
– Nghỉ ngơi đầy đủ, các mẹ ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để có sức khỏe tốt nhất chăm sóc con
– Giữ tâm trạng, tinh thần thoải mái, lạc quan tránh lo âu, stress.
– Giữ ấm cơ thể, kiêng lạnh. Sau sinh cơ thể người mẹ rất yếu và dễ nhiễm lạnh, dù là thời tiết nóng nhưng các mẹ cũng không nên chủ quan. Giữ ấm cơ thể, uống nước ấm, tắm nước ấm, đi ra ngoài nên che chắn gió kĩ lưỡng,..là các biện pháp hiệu quả.
– Không kiêng khem quá nhất là về ăn uống, như vậy dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Cũng không nên như quan niệm của các cụ xưa, không gội đầu và tắm cả tháng trời. Sau sinh khoảng 4-5 ngày mẹ nên làm sạch cơ thể bằng nước ấm, không tắm quá lâu và sử dụng nước lạnh là được.
– Không uống thuốc tùy tiện gây mất sữa hoặc ảnh hưởng đến sữa cho con bú. Nếu cần dùng thuốc phải xin chẩn đoán và chỉ định từ bác sĩ.
– Kiêng quan hệ để bảo vệ tử cung cho mẹ ( ít nhất là 4-6 tuần sau sinh )
– Luôn chia sẻ lo lắng hay những vấn đề tâm lý với người thân, chồng, bác sĩ để tâm trạng thoải mái và có cách giải quyết nếu có những bất ổn.
– Để ý tình trạng cơ thể, những vấn đề bất thường về sức khỏe để thăm khám kịp thời.