Xong việc sớm hơn do với dự kiến, tôi về nhà và chứng kiến cảnh tượng bất bình.
Tôi 30 tuổi, gần 1 năm nay sau khi kết hôn, tôi xin nghỉ việc để khởi nghiệp. Mọi thứ vừa mới bắt đầu nên rất bận rộn, tôi thường xuyên phải đi công tác xa. Do đó, tôi cũng không có nhiều thời gian để ý đến chuyện ở nhà cũng như bà xã. May mắn, Thanh - vợ tôi rất thông cảm cho công việc của chồng. Cô ấy luôn động viên tôi cố gắng, đồng thời thay tôi lo toan chuyện trong nhà.
Vợ chồng tôi hiện sống cùng bố mẹ. Em gái tôi vừa ly hôn hồi đầu năm, hai mẹ con nó đưa nhau về nhà bố mẹ sinh sống.
Hàng ngày, Thanh là người đi chợ, chuẩn bị cơm nước cho bố mẹ, lau dọn nhà cửa. Thời gian này, Thanh đang mang thai 5 tháng nên tôi cũng có lời với mẹ và em gái, nhờ 2 người hỗ trợ Thanh việc nhà trong lúc cô ấy đang bầu bí. Mỗi lần đi công tác, tôi hỏi han chuyện ở nhà, Thanh cũng có kể việc được mẹ và em gái tôi giúp đỡ.
Tôi suýt nổi giận khi thấy vợ bầu đang hì hục lau nhà còn mẹ và em gái nằm trong phòng ăn hoa quả, xem phim. (Ảnh minh họa)
Vừa rồi tôi có chuyến công tác ở Đà Nẵng, dự định đi 7 ngày. Tuy nhiên, vì công việc thuận lợi nên tôi về sớm hơn, một phần cũng muốn tạo bất ngờ cho vợ và cả nhà.
21h, tôi về đến nhà. Giờ này thường lệ mọi người đã về phòng nên không khí khá yên tĩnh. Tôi nhẹ nhàng đi lên tầng 2, ngó vào phòng bố mẹ thì thấy đèn tắt. Có lẽ bố tôi đã đi ngủ vì ông có thói quen ngủ sớm. Khi đi lên tầng 3, tôi thấy vợ đang hì hục lau cầu thang, mồ hôi đầm đìa, gương mặt đầy mệt mỏi. Cùng lúc đó, phía trong phòng em gái tôi, em và mẹ đang ăn hoa quả, xem tivi, cười rúc rích với nhau. Thấy tôi về, mọi người đều bất ngờ.
“Sao giờ này em chưa nghỉ ngơi mà còn lau dọn thế này?”, tôi nhìn vợ nói, trong lòng rất tức tối.
Nghe tiếng tôi, mẹ và em gái trong nhà vội tắt tivi rồi chạy ra. Em gái tôi nhanh nhảu: “Em bảo để mai rồi lau mà chị không nghe”, còn mẹ tôi cười nhạt vì ngại.
Thái độ của em gái khiến tôi càng khó chịu. Tôi nói luôn: “Đáng lẽ cô phải giúp chị lau nhà, chứ sao lại bảo để mai rồi lau. Chị đang bầu bí, bị đau lưng mà phải lau mấy tầng nhà, còn cô ăn rồi nằm chơi không”.
Thực ra, từ lâu tôi đã biết em gái rất lười biếng, còn mẹ tôi thì chiều em ấy. Về nhà ngoại ở nhưng em chẳng bao giờ động tay vào việc gì, còn thường xuyên sai vặt vợ tôi. Thậm chí có những ngày, em gái tôi giao phó việc tắm giặt, ăn, học bài của con cho vợ tôi để em ấy đi chơi. Vì toàn là người nhà với nhau nên tôi không muốn lớn chuyện, chỉ nhẹ nhàng nói xa nói gần.
Em gái tôi tính cũng thảo mai. Trước mặt anh thì ra vẻ nhưng chỉ cần không thấy tôi là nó lại lười chảy thây ngay lập tức. Vợ tôi bầu bí việc gì cũng đến tay, cô ấy bị đau lưng lắm mà không dám kêu câu gì. Mẹ tôi thì cũng chăm chăm bênh con gái. Tôi bảo vợ dừng ngay việc lau nhà, vào tắm rửa rồi nghỉ ngơi.
Tôi biết bấy lâu nay vợ chịu nhiều thiệt thòi nên lần này quyết định lên tiếng. (Ảnh minh họa)
Hôm sau, tôi xin phép họp gia đình, nhắc nhở em gái mình. Hiện tiền sinh hoạt phí trong nhà đều do vợ chồng tôi chi hết. Tôi không lấy tiền sinh hoạt phí của hai mẹ con em ấy vì hoàn cảnh em cũng không dư giả gì. Nhưng nếu em không chịu thay đổi, cứ tiếp tục lười biếng thì tôi sẽ thu tiền sinh hoạt là 3 triệu đồng/tháng của hai mẹ con để thuê người hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa theo giờ.
Em gái tôi khó chịu ra mặt. Nhưng tôi nghĩ mình phải làm gì đó để bảo vệ vợ, chứ không thể để Thanh chịu thiệt thòi mãi được.
Vì sao thai phụ thường bị đau lưng?
Đau lưng là tình trạng đa số chị em khi mang thai đều gặp phải. Hiện tượng này thường xảy ra phổ biến từ sau tam cá nguyệt thứ 2 và có thể kéo dài đến tháng thứ 6 sau sinh. Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau lưng là: Do cơ lưng bị căng; Do cơ bụng yếu; Do sự xuất hiện của hormone thai kỳ;...
3 kiểu đau thường gặp của mẹ bầu là: Đau thắt lưng; Đau khớp nối giữa xương cùng và xương chậu; Đau lưng về đêm;...
Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng đau lưng khi mang thai, mẹ nên: Có chế độ nghỉ ngơi, vận động, ăn uống khoa học, lành mạnh; Mang giày có phần đế phù hợp với phụ nữ mang thai; Lựa chọn đệm, ghế ngồi phù hợp; Không cúi người xuống quá phần thắt lưng; Khi ngủ nên nằm nghiêng một bên, dùng một chiếc gối kẹp giữa hai chân hoặc đặt dưới bụng; Tập thể dục thường xuyên bằng những bài tập phù hợp;...
Nếu mẹ bị đau lưng đi kèm với các triệu chứng như: Sốt; Bỏng rát khi đi tiểu hoặc xuất huyết âm đạo; Đau lưng dữ dội hoặc cơn đau kéo dài hơn 2 tuần liền cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.