Sau sinh, tôi “tá hỏa” bởi muôn vàn rắc rối mà tôi chưa chuẩn bị trước tâm lý để đối mặt.
Những ngày cuối thai kỳ, tôi mong mỏi từng ngày đón con yêu chào đời. Cả tháng thứ 9, tôi dành phần lớn thời gian để nằm ngoài thời gian ăn và đi bộ mỗi buổi tối. Dù vậy, tôi cũng không chăm chỉ đọc sách về bầu bí như nhiều mẹ khác. Có lẽ vì vậy mà đến khi sinh xong, tôi hoảng hốt nhận ra mình có quá ít kiến thức về việc chăm sóc sau sinh. Bé con nhà tôi thì đã có bà nội, bà ngoại chăm còn riêng tôi phải đối mặt với muôn vàn rắc rối mà không ai có thể “gánh vác” giúp được.
Xin kể ra đây những rắc rối mà tôi đã phải đối mặt sau sinh để chị em sắp sinh nở có thêm kinh nghiệm và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đi sinh nở nhé!
Đau, chướng bụng
Tôi bị chỉ định sinh mổ trong giờ phút cận kề đón con yêu chào đời. Trước ngày dự sinh khoảng 5 ngày, buổi tối đó tôi thấy bỗng nhiên “vùng kín” tràn nước áo ạt, đoán là đã vỡ ối, tôi vội vào nhà vệ sinh kiểm tra và đến bệnh viện ngay. Sau khi khám, bác sĩ kết luận phải mổ cấp cứu ngay vì phân su của bé đã đi ra nước ối, rất dễ bị nhiễm trùng da. Tôi lên bàn mổ và 30 phút sau con chào đời. Tôi đã nghĩ rằng đẻ mổ dễ thế này chắc phải đẻ thêm 2-3 đứa nữa. Thế nhưng chỉ 4 giờ sau, khi thuốc gây tê dần hết tác dụng, tôi bắt đầu cảm nhận được sự đau đớn của ca sinh nở.
Nếu như người ta đẻ thường phải đau bụng trước khi gặp con thì tôi đây gặp con rồi mà chẳng bế nổi con, chẳng thể cho con bú vì đau, vì đẻ mổ chưa có sữa về ngay. Những cơn đau từ vết mổ bắt đầu “tra tấn” tôi từ khi được chuyển về phòng chăm sóc sau sinh. Tôi nằm liệt một chỗ gắn liền với ống thông tiểu mà chẳng thế xoay người dù vô cùng mỏi. Vết đau do mổ đẻ khiến tôi không cựa quậy nổi mình. Đến ngày thứ 2, tôi được thay băng. Lần đầu tiên thay băng thật đáng sợ. Cô y tá lột băng mà tôi tưởng như mình chết đi sống lại. Cũng may là chỉ lần đầu đau thế, đến lần thứ 2,3 thì bớt đau dần.
Đến ngày thứ 3, tôi phải đối mặt với cơn đau co dạ con. Các mẹ đẻ thường chắc không khổ như tôi đẻ mổ. Những cơn đau ê ẩm nhất là khi cho con bú càng khiến cơn đau mạnh mẽ hơn. Đã có lúc tôi khóc ôm lất mẹ đẻ mặc kệ con cho bà nội bế. Cũng may là cơn đau này chỉ kéo dài trong khoảng 3 ngày. Mẹ tôi đã cố tìm đủ mọi món ăn để tôi bớt đau do co dạ con nhưng chẳng ăn thua. Tôi nghĩ cái này là do cơ địa từng người chứ như nhiều bạn bè tôi đâu có bị đau thế.
Sau sinh, mẹ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi sẽ nhanh phục hồi sức khỏe. (ảnh minh họa)
Cả tuần đầu sau sinh nở, tôi bị chướng bụng khủng khiếp. Chồng tôi sợ tôi có vấn đề gì nên vội đi gọi bác sĩ, khám xong bác sĩ kết luận tôi không bị sao cả, đó là hiện tượng bình thường của người đẻ mổ. Nhưng nói thật khi đó bụng tôi chướng khủng khiếp lắm. Ngày xuất viện mà bụng vẫn to như đang mang bầu tháng thứ 7.
Kinh nghiệm của tôi: Đây là những dấu hiệu bình thường trong tuần đầu sau sinh, chẳng có cách nào khác ngoài việc bạn cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Trước 24 giờ sau sinh, chị em có thể vận động nhẹ nhàng (thường là khoảng sau 20 giờ sau sinh) để khí huyết được lưu thông. Nếu quá đau bụng do co dạ con, mẹ nên dùng khăn ấm để chườm lên vùng bụng cũng giúp làm giảm các cơn đau.
Núi đôi sưng đau
Tôi bị ám ảnh khủng khiếp với chứng đau núi đôi sau sinh, có lẽ cũng bởi tôi nhiều sữa quá. 3 ngày sau sinh, sữa về. Đó cũng là niềm hạnh phúc vô bờ với tôi bởi tôi nghe nói đẻ mổ cả tuần sau sữa mới về. Những ngày đầu sữa về, ngực có căng tức nhưng con bú là bớt ngay nhưng đến ngày thứ 5 thì sữa xuống quá nhiều khiến con tôi không bú hết. Sữa tắc ứ lại nhưng tôi vì sinh con lần đầu nên không hề biết rằng sẽ có nguy cơ bị áp-xe vú. Tôi cũng không hút sữa bỏ đi mà vẫn chỉ duy trì cho con ti. Kết quả là đến ngày thứ 5 kể từ khi có sữa, tôi bị áp-xe vú. Sữa căng lên đến tận cổ khiến tôi không thở được. Mẹ con tôi lại được đưa trở về viện để điều trị. Hàng ngày, các y tá hút sữa cho tôi 3 lần. Mỗi lần hút sữa như cực hình, người ta dùng tay xoa cho mềm ngực, rồi dùng tayu nặn từng giọt sữa trên ngực tôi. Khi các mạch sữa đã thông một chút, y tá dùng máy hút sữa.
Mỗi lần thông hút sữa khoảng 1 giờ khiến ngực tôi đau tê tái. Những ngày trong viện, ngoài thời gian cho con bú, tôi nằm dài, không còn màng đến con nữa. Tôi đã nghĩ biết đẻ khổ sở thế thì tôi không lấy chồng nữa. 1 tháng ròng, núi đôi của tôi mới bớt căng sữa nhưng suốt 3 tháng đầu tôi luôn thừa sữa cho con ti. Rút kinh nghiệm, tôi luôn chăm chỉ hút sữa để không bị tắc tia sữa như những ngày mới sinh nữa.
Núi đôi sau sinh thường đau nhức và căng tức. (ảnh minh họa)
Kinh nghiệm của tôi: Các mẹ nên chăm chỉ cho con bú ngay khi bé vừa chào đời, như thế sữa sẽ nhanh về. Khi sữa đã về, hãy chú ý chăm sóc núi đôi, đặc biệt là đầu ti. Cần vệ sinh núi đôi hàng ngày để các tia sữa được thông thoáng. Nếu thấy ngực quá căng tức, cho con bú xong mà ngực vẫn còn căng, mẹ cần dùng máy hút sữa hút bớt sữa thừa để tránh bị tắc tia sữa gây áp-xe vú như tôi.
Đây là triệu chứng vô cùng phổ biến với mẹ sau sinh. Tôi cũng không ngoại lệ. Sau sinh 2 tuần, tôi bị táo bón nặng. Có lẽ do các mẹ cho tôi ăn “kham khổ” quá. Lúc nào các bà cũng bảo chỉ được ăn canh rau ngót, thịt lợn kho riềng, thịt bò kho… Chế độ ăn thế người nào không táo bón mới lạ. Tôi ngồi trong nhà vệ sinh cả giờ đồng hồ mà chẳng “làm ăn” được gì trong khi con ở ngoài khóc đòi mẹ.
Chồng thấy thế đành hủy ngay chế độ ăn kia và bắt tôi ăn thật nhiều rau, uống nhiều nước mặc kệ mẹ đẻ, mẹ chồng can ngăn. Thế là hết những ngày táo bón.
Kinh nghiệm của tôi: Sau sinh các mẹ cứ ăn uống thoải mái, đặc biệt chú trọng ăn rau và uống nhiều nước. Chị em cần có chế độ ăn uống cân bằng, khoa học thì mới có nhiều sữa và bộ tiêu hóa mới ổn định được nhé!