Phương pháp này tuy có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên mẹ cần được hướng dẫn và áp dụng đúng cách mới phát huy được tác dụng.
Tương tự như phương pháp Kangaroo áp dụng đối với bé sinh non, phương pháp mẹ ấp con "da - tiếp - da" (skin - to - skin) được WHO đặc biệt khuyến khích cho tất cả trẻ sơ sinh, kể cả trẻ sinh đủ tháng và mạnh khỏe. Hiện tại, phương pháp này đã được áp dụng phổ biến trên thế giới, cũng như tại một số bệnh viện ở Việt Nam.
Theo điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Thanh - Khoa Sơ sinh - bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: "Da - tiếp - da sau sinh đã là một biện pháp rất khoa học và được nhiều bệnh viện trên thế giới áp dụng. Theo đó, ngay sau khi sinh, em bé sẽ được đặt ngay trên bụng, trong lòng người mẹ, da - tiếp - da với mẹ. Biện pháp này được đánh giá là tốt cho cả mẹ và bé; tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều mẹ còn khá lạ lẫm với phương pháp này bởi thông thường, sau khi sinh xong em bé sẽ được đưa đi làm vệ sinh, tắm rửa trước khi được đưa về nằm cạnh mẹ".
Cô Nguyễn Thị Thu Thanh - Điều dưỡng trưởng khoa Sơ sinh, bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Cô Thanh cũng cho biết, theo tài liệu phát hành mới nhất về chăm sóc trẻ sơ sinh của Bộ Y tế, phương pháp da - kề - da này có rất nhiều tác dụng như sau:
- Với em bé: Giúp bé ít đối mặt với nguy cơ bị hạ thân nhiệt hơn, trẻ thở tốt hơn và ít gặp những cơn ngừng thở; tim đập tốt hơn, ít các cơn nhịp đập chậm hơn. Áp dụng phương pháp này trẻ sẽ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ sớm và kéo dài. Bởi bản năng tự nhiên của em bé là thích vị ngọt, do đó khi đặt trên ngực mẹ, bé sẽ lần tìm ra ti và ngậm bắt ti mẹ ngay sau đó (với các mẹ, khoảnh khắc này thật sự thiêng liêng và hạnh phúc). Bản thân em bé sẽ có ít nguy cơ nhiễm khuẩn và tăng cân nhanh hơn. Trẻ phát triển toàn diện hơn.
- Đối với bà mẹ: Do không bị cách ly với con nên tăng cường được mối tương tác mẹ con, có thể nuôi con bằng sữa mẹ sớm và kéo dài; tăng tự tin, tăng khả năng chăm sóc con cũng như giảm lo lắng và sợ hãi.
- Đối với gia đình và xã hội: Áp dụng phương pháp da – kề – da này để tăng cường tình cảm cũng như trách nhiệm giữa bố, mẹ và các thành viên khác trong gia đình khi chăm sóc trẻ; bởi không chỉ bố hay mẹ mới có thể ủ ấm cho con theo cách này, mà anh chị em hay người thân có hiểu biết về phương pháp cũng có thể ấp em bé như vậy. Phương pháp này còn lôi cuốn sự hỗ trợ của cộng đồng, xã hội cho việc chăm sóc giúp đỡ người mẹ và trẻ. Hơn nữa, chi phí về y tế cho gia đình và xã hội sẽ được giảm thiểu. Bởi bản thân người mẹ sinh ra nhiệt nên có thể ủ ấm cho con, giúp hạn chế các phương tiện sưởi ấm tiêu thụ năng lượng như điều hòa, tấm sưởi, quạt sưởi,…
- Tốt cho bé sinh non: Cũng theo điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thanh, với các bé sinh non mà không có các dấu hiệu bệnh lý; bé ổn định, khóc to, tỉnh táo, bú được và mẹ đã được "huấn luyện, đào tạo" bài bản thì áp dụng phương pháp này có hiệu quả hơn so với lồng ấp. Tuy nhiên, với những bé phải điều trị tình trạng bệnh lý hoặc chưa tự thở ổn định được thì cần được chăm sóc trong lồng ấp, với sự hỗ trợ máy móc hiện đại để đảm bảo an toàn cho em bé hơn.
Da tiếp da mang lợi rất nhiều lợi ích cho bé, cho mẹ và cả gia đình, xã hội. (Ảnh của mẹ Tra My Arya)
Tuy nhiên, với những bé sinh non có dấu hiệu bệnh lý thì cần được nuôi dưỡng, chăm sóc trong lồng ấp với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại để đảm bảo an toàn cho bé.
Theo điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Thanh, ngay sau khi vừa sinh xong, em bé nên được đón và đặt lên người để tiếp xúc da với mẹ ngay lập tức, vì ngoài tác dụng như đã nêu trên, mẹ có thể ôm ấp, nhìn ngắm phút giây đầu đời của con như thế nào, được thấy “sản phẩm” sau 9 tháng 10 ngày của mình ra sao, chứng kiến con cất tiếng khóc chào đời với những tình cảm thiêng liêng nhất,… Sau đó mới nên làm rốn, vệ sinh và mặc đồ ủ ấm cho em bé trong khi đỡ rau và khâu tầng sinh môn cho mẹ. Xong xuôi, em bé tiếp tục được chuyển đến cho mẹ ôm để tận dụng nguồn sữa non và để con bú mẹ càng sớm càng tốt.
Với trẻ sinh non: Phương pháp này cũng cần được bắt đầu càng sớm càng tốt; tuy nhiên, cán bộ y tế sẽ hướng dẫn cho bà mẹ thích nghi với phương pháp kĩ càng hơn cũng như thực hiện thành thạo, để có đủ tự tin và tiếp tục làm ở nhà.
Cần thực hiện đúng cách
Tuy lợi ích của phương pháp rất đáng để các mẹ áp dụng, tuy nhiên, điều dưỡng Thu Thanh cũng lưu ý: Không phải mẹ nào cũng có thể tự thực hiện phương pháp này vì có thể gây hậu quả không tốt cho con nếu mẹ không chú ý. "Để bà mẹ có thể làm điều này thì cần có sự hướng dẫn, giám sát của nhân viên y tế trong một thời gian nhất định, đến khi mẹ thành thạo; nhất là đối với bé sinh non tháng, nhẹ cân thường hay có những cơn ngừng thở mà mẹ thường sẽ không biết cách xử trí ra sao. Hơn nữa, mẹ ấp con không đúng cách có thể khiến bé hạ thân nhiệt hay thậm chí là tím tái vì gập cổ.
Ngoài ra, không chỉ mẹ mà bản thân những người thực hiện ủ cho bé theo phương pháp da - tiếp - da sau sinh phải đặc biệt lưu ý vệ sinh cơ thể sạch sẽ: tắm gội thường xuyên, cắt móng tay, rửa tay thường xuyên,... Quan trọng nhất là cần thực hiện với thái độ nhiệt tình, mang hết tình yêu thương dành cho em bé; phải quan tâm xem bé có thoải mái, có ấm áp không; phải nhẹ nhàng và chú ý đến con để quan sát hoạt động của bé, xem bé thở như thế nào, bé đang muốn gì,... Một điều nữa là khi mẹ ủ ấm cho bé bằng phương pháp này vẫn cần nằm trong phòng kín, không có gió lùa và đủ ánh sáng (để mẹ có thể quan sát em bé). Tránh tình trạng mẹ/ bố/ người thân vừa da-tiếp-da với bé, lại vừa nhắn tin, gọi điện hay buôn chuyện với người khác hoặc tranh thủ làm việc riêng, như thế sẽ không mang lại lợi ích như mong muốn.