Đặt tên con vừa hay-độc-lạ và đặc biệt là không “phạm húy” là niềm niềm mơ ước của tất cả các cặp đôi sắp lên chức bố mẹ.
Người xưa có câu “cái tên làm nên sự nghiệp” để nói lên sự quan trọng của cái tên của mỗi con người. Ngay từ khi mang thai, những ông bố, bà mẹ đã trăn trở tìm tên đặt cho con. Cái tên luôn là những gửi gắm thiêng liêng của các bậc làm cha mẹ. Để chọn được một cái tên hay ý nghĩa và thể hiện được tình cảm dành cho con cái không phải là chuyện dễ. Để các cặp đôi không phải “vắt óc” suy nghĩ trong việc chọn tên cho con, xin gợi ý cho các bạn một số cách đặt tên hợp hoàn cảnh và đặc biệt là “cực độc” cho bé tuổi Giáp Ngọ.
Đặt tên cho con theo giấc mơ của cha mẹ
Tương truyền rằng, khi sinh Lý Bạch – nhà thơ lớn đời Đường (Trung Quốc), mẹ ông nằm mơ thấy sao Thái Bạch di chuyển trên trời, tỉnh dậy thì trời đã sáng. Vì thế, bà đặt tên con là Lý Bạch, tự Thái Bạch.
Cách đặt tên này ít gặp, tuy nhiên nó để lại dấu ấn sâu đậm và theo người con trong suốt cuộc đời.
Đặt tên theo tướng mạo đặc trưng của trẻ
Tương truyền, tư tưởng gia vĩ đại thời cổ Trung Quốc là Khổng Tử khi chào đời có một cái bướu nhỏ trên đầu, nên cha mẹ đặt tên là Khâu. Từ “khâu” trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là gò, đống.
Cách đặt tên này khá phổ biến trong lịch sử, đặc biệt là trong văn học nghệ thuật. Đây cũng là cách đặt tên gửi gắm mong ước của cha mẹ về người con có dung mạo xinh đẹp, khôi ngô như Bạch Tuyết, Hồng Hoa, Ngọc Thắm, Tuấn Tú, Mạnh Khôi, Mạnh Cường…
Có rất nhiều cách để đặt tên độc - lạ cho con yêu. (ảnh minh họa)
Đặt tên theo hoàn cảnh lúc sinh bé
Đây cũng là cách đặt tên cho bé để gợi nhớ về thời khắc linh thiêng cùng khoảng không gian đặc biệt khi bé chào đời.
Nếu bé được sinh ra trong một đêm to gió lớn, cha mẹ có thể đặt tên con là Hồng Phong, Mạnh Vũ, Vũ Linh, Hoàng Hà… – những tên gọi liên tưởng đến gió, mưa, nước. Nếu bé chào đời trong một không gian đặc biệt khi mẹ đang đi du lịch như trong khu rừng, trên biển… thì bé có thể mang tên Hoàng Lâm, Thanh Lâm, Minh Lâm, Thượng Hải, Đại Hải, Hải Sinh…
Đặt tên cho con theo sự kiện
Cách đặt tên này hàm chứa ý nghĩa thời đại to lớn nhưng không phổ biến. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì tên gọi sẽ trở nên “phô trương”. Hơn nữa, nó chỉ có ý nghĩa trong một giai đoạn nhất định. Đến một thời điểm khác, tên gọi đó sẽ không phù hợp nữa, bị coi là lỗi thời. Khi đặt tên, người đặt cần có sự linh hoạt, không nên câu nệ.
Đặt tên theo địa danh
Quê hương là chốn gắn bó thân thiết với mỗi con người. Đó không chỉ là nơi chúng ta sinh ra, lớn lên mà còn là điểm nuôi dưỡng tâm hồn ta. Lấy địa danh mình sinh ra để đặt tên là hướng lựa chọn hay.
Nó vừa phản ánh quan niệm luân lý truyền thống, vừa thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng của từng cá nhân. Có nhiều phương pháp lựa chọn địa danh để đặt tên cho con, dưới đây là một vài cách thức đặt tên chính:
- Đặt tên theo nơi sinh: Mỗi người sinh ra trên một mảnh đất khác nhau. Người thì chốn địa đầu tổ quốc (Hà Giang), người thì sinh ra nơi đất mũi (Cà Mau), rồi các tỉnh duyên hải miền Trung… đâu đâu cũng có những tên đẹp, tên hay để mọi người lựa chọn. Thường thường, người ta lấy tên thôn, xã hay huyện để đặt tên. Một số tên mang đậm dấu ấn địa phương như: Hà Giang, Phú Xuyên, Tam Thanh, Nhật Lệ, Tiền Hải, Mỹ Lộc, Liên Hà, Hoài Đan, Đan Phượng, Hồng Ngư, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Kim Sơn, Hà Trung, Ngọc Hồi…- Đặt tên theo nguyên quán: Khi sinh ra và lớn lên, nhiều người thay đổi nơi sinh sống. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ thường lấy tên nguyên quán để đặt cho con với ý niệm tưởng nhớ về quê nhà. Đó cũng là tên địa danh cách tỉnh thành của nước ta như: Hưng Yên, Nam Định, Khánh Hòa, Phan Thiết, Hà Tĩnh, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn Tây, Kiên Giang, Cần Thơ, Nha Trang…
- Đặt tên cho con theo cách lồng ghép địa danh: Những trường hợp cha mẹ khác quê hay sinh con không ở nguyên quán, họ thường lồng ghép tên bởi 2 địa danh. Ví dụ như, quê cha ở Phú Thọ, quê mẹ ở Ninh Bình sẽ đặt tên con là Phú Ninh. Tương tự, một số tên gọi hay được lồng ghép như: Hà Tuyên (Hà Giang – Tuyên Quang), Phú Bình (Phú Thọ – Ninh Bình), Phúc Giang (Vĩnh Phúc – Hà Giang), Hà Trang (Hà Tĩnh – Nha Trang), Hải Định (Hải Phòng – Nam Định), Thái La (Thái Bình – Sơn La)…