Âm đạo tiết dịch hồng, đau lưng, bụng bầu tụt… là những dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu cần chú ý nhé.
Sinh nở là việc vô cùng quan trọng và cần được chuẩn bị kỹ càng trong thời gian mang thai. Từ đầu tháng thứ 9 thai kỳ, mẹ đã phải chuẩn bị sẵn tài chính và đồ đạc vì từ tuần thứ 37, con yêu sẽ chào đời bất cứ lúc nào. Để không bị động và bất ngờ, mẹ bầu cần có hiểu biết về các dấu hiệu sắp sinh. Nếu chị em dành một chút thời gian để ý đến những thay đổi của cơ thể, chắc chắn mẹ sẽ nhận biết được thời gian con yêu sắp chào đời đấy.
Dưới đây là những dấu hiệu báo mẹ sắp “vỡ chum”. Hãy chuẩn bị sẵn sàng hành lý để nhập viện các mẹ nhé!
Bụng bầu tụt xuống
Trong vài tuần cuối của thai kỳ, chị em có thể dễ dàng nhận thấy bụng bầu có chiều hướng tụt xuống thấp đáng kể. Điều này báo hiệu cho bạn biết em bé sẽ chào đời trong khoảng 1-2 tuần tới. Tuy nhiên với mẹ mang bầu lần hai thì có thể khác một chút. Ở lần bầu bí thứ 2 chị em sẽ không nhận thấy bụng bầu tụt xuống cho đến ngày sinh nở bởi vì cơ xương chậu của mẹ lúc này đã giãn nở đủ rộng. Để biết bụng bầu đã tụt chưa, mẹ có thể quan sát ngực xem có còn chạm vào phần trên của bụng nữa không? Nếu thấy ngực không chạm được vào phần trên của bụng nữa thì chắc chắn em bé đã tụt sâu xuống dưới. Đây là dấu hiệu đầu tiên mẹ có thể dễ dạng nhận ra rằng đã sắp đến ngày được gặp mặt con yêu rồi.
Trong vài tuần cuối của thai kỳ, chị em có thể dễ dàng nhận thấy bụng bầu có chiều hướng tụt xuống thấp đáng kể. (ảnh minh họa)
Bản năng làm tổ
Gần cuối thai kỳ, bạn thường thấy cơ thể cồng kềnh, uể oải và không muốn nhấc mình lên tý nào. Nhưng một buổi sáng thức dậy bạn cảm thấy khỏe mạnh lại bình thường và bắt đầu đi lại dọn dẹp, nấu ăn, rửa chén bát, như thể đang chuẩn bị dọn dẹp “tổ” đón đứa con sắp chào đời. Tuy nhiên, bạn cần nhẹ nhàng với bản thân, đừng để kiệt sức vì dọn nhà trước khi đón em bé ra đời. Hãy tạm dừng những công việc hàng ngày và nghỉ ngơi khi thấy mệt.
Đi tiểu thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên là do áp lực của thai lên bàng quang mẹ tăng lên. Một vài người mẹ xuất hiện những cơn co cơ nhẹ ở bụng, kèm theo chứng tiêu chảy. Chị em bầu nhớ là đừng nhịn tiểu nhé, sẽ làm không chỉ mẹ khó chịu mà còn ảnh hưởng đến con nữa đó.
Đau lưng
Rất nhiều chị em đã từng trải qua ca sinh nở chia sẻ rằng họ bị đau lưng khủng khiếp trong 1 tuần trước khi sinh nở. Nếu bạn hay bị đau lưng tiền kinh nguyệt thì trước khi lâm bồn, bạn cũng có thể sẽ bị đau lưng. Những cơn đau lưng báo hiệu chuyển dạ này âm ỉ ở lưng dưới. Đó là dấu hiệu cho thấy cổ tử cung đã mềm và “chín” chuẩn bị cho sự ra đời của em bé.
Một số bà bầu cảm thấy cơn đau lưng bắt nguồn từ xương chậu và đau quanh xương chậu. Sự linh hoạt giữa các dây chằng ở xương chậu (gây nên cơn đau) cho phép xương của mẹ co giãn tốt, chuẩn bị cho sự chào đời của bé.
Từ tuần thai thứ 36 trở đi, tử cung của bạn trở nên chật chội và sự chuyển động của em bé dường như chậm lại một chút. (ảnh minh họa)
Thay đổi số lần thai máy
Từ tuần thai thứ 36 trở đi, tử cung của bạn trở nên chật chội và sự chuyển động của em bé dường như chậm lại một chút. Nhưng nếu có khi, bé rất yên lặng nhưng ngay sau đó, bé lại chuyển động mạnh mẽ hơn. Có lẽ, bé cũng đang mong chờ ngày chào đời của mình.
Xuất hiện dịch nhầy đỏ
Trong thời gian mang thai, chất nhầy ở trong cổ tử cung có nhiệm vụ “đóng nắp” bọc nước ối nhưng đến những ngày cuối thai kỳ, chấy nhầy này ít dính đi và nước ối dễ dàng rò rỉ hoặc vỡ hẳn. Chất nhầy này thường có màu hồng đỏ. Chính vì vậy, trong khoảng 1 tuần trước ngày lâm bồn, chị em thường thấy âm đạo xuất hiện dịch màu hồng đỏ.
Khi thấy xuất hiện triệu chứng này chứng tỏ cổ tử cung của bạn đã bắt đầu mở và quá trình sinh nở diễn ra trong 1-2 ngày tới hoặc cũng có thể lên đến 1 tuần.
Cơn co thắt thường xuyên
Khi nhận thấy những cơn co thắt mạnh ở tử cung (dạ con) trong giai đoạn cuối thai kỳ thì đó có thể là dấu hiệu chuẩn bị lâm bồn đấy. Tuy nhiên, những cơn có thắt này có thể xuất hiện trong suốt 3 tháng cuối thai kỳ, được gọi là những cơn đau giả (Braxton Hicks).
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ còn cách ngày dự sinh từ 1-2 tuần thì cần đặc biệt chú ý dấu hiệu này. Khi cơn co thắt mạnh mẽ (kéo dài khoảng 30 giây)và thường xuyên hơn thì ca sinh nở đã sắp bắt đầu rồi. Thông thường, những cơn đau đẻ sẽ ở mức độ nhẹ, ngắn cho đến mạnh mẽ và thường xuyên hơn.
Khi các cơn co thắt xuất hiện, bụng bạn thường sẽ cứng lên và bạn dễ dàng nhận ra nếu đặt nhẹ bàn tay lên bụng. Các cơn co thắt này sẽ đẩy em bé xuống gần hơn với cổ tử cung để sẵn sàng chào đời.
Thông thường, bác sĩ khoa sản sẽ khuyên bạn nên ở nhà cho đến khi các cơn co thắt kéo dài từ 30-60 giây và khoảng cách giữa các cơn co là 15-20 phút thì hãy đến bệnh viện (trong trường hợp nhà xa bệnh viện, sản phụ cần được đưa đến sớm hơn).
Khi nhận thấy những cơn co thắt mạnh ở tử cung (dạ con) trong giai đoạn cuối thai kỳ thì đó có thể là dấu hiệu chuẩn bị lâm bồn. (ảnh minh họa)
Dễ thở hơn
Khi thai đã tụt xuống thì áp lực của thai lên cơ hoành và dạ dày mẹ được giảm thiểu, khiến những nhịp thở của mẹ dễ dàng hơn. Thời điểm này, chứng ợ nóng cũng đột nhiên biến mất. Tuy nhiên, nếu dấu này làm bạn dễ chịu hơn thì bạn lại phải đối mặt với áp lực gia tăng ở phía bụng dưới, việc đứng và đi lại cũng trở nên khó khăn hơn. Khi bé càng dịch chuyển xuống phía dưới tử cung, bạn sẽ càng khó ngủ hơn, đồng thời đây cũng là thời gian bạn khá vất vả khi chọn được tư thế ngủ thích hợp.
Sút cân
Một vài thai phụ bị giảm tới ½-1kg cân nặng một ngày trước khi lâm bồn. Đó là do nội tiết tố làm giảm lượng chất lỏng giữ trong cơ thể mẹ.
Tiêu chảy
Kích thích tố khi sinh nở sẽ tác động lên ruột và gây ra đau lụng + đi phân lỏng và đi thường xuyên. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho rằng, những kích thích tố này là thuốc sổ tự nhiên đào thải cặn bã trong ruột để thai nhi thoải mái trong bụng mẹ. Những hormone này cũng có thể khiến mẹ bầu có cảm giác buồn nôn.
Vỡ ối
Chỉ có 10% các ca sinh nở có túi ối bị vỡ trước khi xuất hiện những cơn đau. Khi thấy nước ối tràn ra ào ạt, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện vì có thể em bé sẽ chào đời sau 1-2 giờ nữa. Thông thường chị em sẽ thấy hiện tượng vỡ ối trong quá trình đau đẻ.