Có lẽ các mẹ không đẻ mổ, không hiểu được nỗi khổ của những người đẻ mổ nên mới nói chúng tôi sướng.
Hôm qua vừa đọc được những dòng tâm sự của mẹ Sóc: Ám ảnh vì đẻ thường, cảm xúc những ngày đi đẻ trong tôi chợt ùa về. Tôi không thể không viết ra những dòng này để chia sẻ cùng chị em, để các mẹ có cách nhìn đúng đắn về sinh thường và sinh mổ và để chọn được phương pháp phù hợp nhất với mỗi người.
Hiện tại con tôi đã được 13 tháng nhưng tôi chưa bao giờ quên những đau đớn, mệt mỏi mà tôi đã chịu đựng trong những ngày đi đẻ. Được nhìn thấy con chào đời, nuôi con lớn từng ngày thật hạnh phúc nhưng đúng là ám ảnh những ngày đi đẻ thật kinh khủng. Mẹ Sóc nói đẻ thường đau đớn, khổ sở - tôi cũng biết vậy vì tôi chưa đẻ thường nhưng mẹ nó nói đẻ mổ sướng thì xin thưa là không hề đúng tí nào. Có lẽ cũng như tôi, mẹ Sóc chưa đẻ mổ nên có cách nhìn phiến diện thế. Tôi đây đã trải qua ca đẻ mổ và ký ức đọng lại trong tôi là “khổ trăn bề”.
Tôi sống ở tỉnh lẻ nhưng vì sau 5 năm kết hôn mới có con, cũng ở cái tuổi đã ngót 40 nên gia đình quyết định cho tôi lên bệnh viện Trung ương để đẻ. Tuần 36 thai kỳ, tôi xin nghỉ việc, lên Hà Nội để dưỡng thai. Cũng may mắn là nhà em chồng tôi ở trên này nên tôi không phải năm viện suốt thời gian đó. Vợ chồng tôi đã lên kế hoạch sẽ đẻ thường vì cả thai kỳ sức khỏe tôi rất ổn định. Thế nhưng đến tuần 38 thì bỗng dưng tôi bị vỡ ối mà chẳng có cơn đau đẻ. Sau khi nhập viện, tôi được tiêm thuốc kích đẻ. Nửa tiếng sau những cơn đau đẻ kéo đến khiến tôi choáng váng. Phải nói là “không gì đau bằng đau đẻ” thế nhưng như thế vẫn là “chưa thấm vào đâu”.
Cùng lúc đó, huyết áp tôi lại tăng mạnh nên tôi được chỉ định mổ đẻ cấp cứu. Lúc đó, tôi có hơi lo lắng một chút vì mình chưa chuẩn bị tinh thần để sinh mổ nhưng thoát được các cơn đau chuyển dạ khiến tôi mừng thầm. Phải công nhận đẻ mổ nhanh thật. 20 phút sau khi lên bàn mổ, tôi đã được nghe tiếng con oe oe khóc chào đời. 10 phút sau, khi y tá đã vệ sinh sạch sẽ cho con, cô bế đến trước mặt tôi nói: “Con trai nhé, mẹ hôn con một cái nào?” Khi ấy hạnh phúc trong tôi dâng cao đến lạ. Tôi thấy đẻ mổ thật nhẹ nhàng và đã nghĩ “biết đẻ mổ sướng thế này mình đã chọn ngay từ đầu.”
Hiện tại con tôi đã được 13 tháng nhưng tôi chưa bao giờ quên những đau đớn, mệt mỏi mà tôi đã chịu đựng trong những ngày đi đẻ. (ảnh minh họa)
Chờ đợi mòn mỏi
Thế nhưng những gì diễn ra sau đó mới thật kinh khủng. Sau lần gặp con đó, tôi bị nằm một mình trong phòng hồi sức đến 15 giờ đồng hồ. Tôi đẻ mổ lúc 6 giờ tối mà 9 giờ sáng hôm sau mới được về với con và người thân. Sau khi được khâu vết thương cẩn thận, tôi cười tạm biệt các bác sĩ để được đưa về phòng hồi sức. Bác sĩ gọi chồng tôi đưa tất vào đi cho tôi vì sợ hết thuốc gây tê sẽ bị lạnh. Duy nhất một lần đó, tôi được gặp chồng và chỉ kịp hỏi: “con ổn chứ anh?”. Từ lúc đó tôi nằm một mình trong phòng tối. Tiếng các loại máy đo nhịp tim, đo huyết áp cứ thay nhau kêu tít tít khiến tôi không thể ngủ nổi. Rồi lại nghĩ đến ca mổ đẻ, nghĩ đến con không biết giờ đang nằm ở đâu.
1 đêm nằm trong phòng hồi sức, tôi có cảm tưởng như cả 1 năm. Tôi mong từng giờ từng phút được về với con. Có lẽ do ca đẻ của tôi vào buổi tối nên các bác sĩ chờ đến sáng hôm sau giao ban mới chuyển tôi về phòng. Trong khi nếu đẻ thường thì hầu hết các mẹ đã được gặp con rồi. Mà đương nhiên sinh xong, ai chẳng muốn gặp con ngay. Đó là “nỗi sợ” đầu tiên của tôi với phương pháp đẻ mổ.
Đau vết mổ đẻ do nhiễm trùng
Ai cũng biết đau vết mổ sau đẻ thật kinh khủng. Tôi cũng như các mẹ, tôi thật sự choáng trong lần thay băng đầu tiên, lần đầu ngồi dậy và lần đầu bước những bước đi đầu tiên. Khi được về phòng với con, thực sự tôi rất muốn bế con trên tay, rất muốn được cho con bú để kích thích sữa về nhưng vết mổ đau quá, tôi không thể làm được. Đến ngày thứ hai, tôi sử dụng thuốc giảm đau nên tình trạng được cải thiện. Tưởng như thế là hết, 5 ngày sau đẻ tôi được xuất viện. Thế nhưng số tôi đen đủi, 3 ngày sau đó tôi lại bị nhiễm trùng vết mổ. Cả hai mẹ con lại lếch thếch nhập viện.
Lần này thì sự đau đớn còn tăng lên gấp bội phần. Trên vết mổ đẻ, tôi lại bị rạch và hút mủ, dịch ra. Một ngày 3-4 lần hút dịch như thế và tôi phải điều trị một tuần liên tục. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn không biết vì sao ngày đó mình lại có sức mạnh để chịu đựng được những cơn đau mỗi khi y tá “đẻ ngửa” ra hút dịch mủ. Phải 1 tháng sau đó, vết mổ đẻ của tôi mới thực sự lành hẳn.
Tôi thật sự choáng trong lần thay băng đầu tiên, lần đầu ngồi dậy và lần đầu bước những bước đi đầu tiên. (ảnh minh họa)
Sữa mãi chẳng về
Tôi nghĩ chỉ mẹ nào quá may mắn thì mới có sữa về ngay sau đẻ mổ chứ như tôi đây phải 1 tuần sau sữa mới về. Mặc dù tôi cũng đã chăm chỉ cho con bú, cũng đã chữa mẹo đủ kiểu nhưng không hiểu sao sữa vẫn chẳng về cho con tu ti.
Vì quen bú sữa ngoài nên đến khi sữa về thì con tôi chẳng chịu ti mẹ nữa. Tôi lại hì hụi ngày ngày hút sữa ra bình để con tu ti. Những đêm vất vả ngồi hút sữa, tôi lại ước giá mình sinh thường thì đã chẳng khổ thế này. Vì sinh thường sữa sẽ nhanh về hơn nhiều.
Đau lưng thôi rồi
Hiện giờ con tôi đã được 13 tháng nhưng tôi vẫn ngày ngày đối mặt với nhưng cơn đau lưng. Đây chính là hậu quả từ việc đẻ mổ do bị gây tê tủy sống. Những tháng đầu sau sinh, tôi bị đau khủng khiếp lắm, chỉ cần ngồi giặt quần áo, bế con một lúc hay đứng làm việc gì đó cũng bị đau lưng. Sợ nhất là mùa lạnh đến, tôi chẳng thể đứng đâu, ngồi đâu lâu vì chứng bệnh này. Đấy, giá mà tôi đẻ thường thì đâu có khổ đến thế.
Tôi chia sẻ những điều này ra không có ý phê phán đẻ mổ bởi dù sao thì chính đẻ mổ đã cứu mẹ con tôi. Thế nhưng tôi nghĩ rằng đẻ bằng phương pháp nào thì cũng đau đớn nên chị em hãy có cách nhìn công bằng về từng phương pháp. Hy vọng chị em sẽ chọn được cách đẻ phù hợp với mỗi người, miễn sao cả mẹ và con đều khỏe mạnh là được phải không?