Ngay sau sinh nở, mẹ Tuyết Anh được ăn chế độ ăn uống như người bình thường và phục hồi sức khỏe rất nhanh.
Đi đẻ: Ngậm đá lạnh thay vì uống nước
Chia sẻ về ca sinh nở của mình, mẹ Trương Tuyết Anh, 22 tuổi, hiện đã sinh sống tại Texas, Mỹ cho biết ca sinh thường của cô rất dễ dàng, đặc biệt là sinh con ở Mỹ có rất nhiều điều khác biệt so với những gì cô đã từng nghe về chuyện sinh nở ở Việt Nam.
Dù là lần đầu sinh con nhưng nhờ sự giúp đỡ, chăm sóc tận tình của các bác sĩ, y tá nên bà mẹ trẻ không hề lo lắng chút nào. Tuyết Anh kể: “Em sinh con khi mang thai 41 tuần 3 ngày. Dù đã quá ngày dự sinh nhưng em thường xuyên đến bệnh viện theo dõi và bác sĩ cho biết em bé vẫn phát triển bình thường. Vì vậy em vẫn chọn đẻ thường. Toàn bộ chi phí cho ca sinh nở đều miễn phí. May mắn dù sinh con ở nơi “đất khách quê người” nhưng ca sinh của em diễn ra rất nhẹ nhàng, nhanh chóng. Em rặn 20 phút là em bé đã ra rồi.”
Mẹ Tuyết Anh nằm trong phòng sinh.
Vì trong thai kỳ không tăng cân nhiều nên bà mẹ trẻ sinh nở khá dễ dàng.
Cả thai kỳ, cô chỉ tăng 11kg. Vì ngay từ khi mới mang thai, Tuyết Anh đã rất chú ý đến việc tăng cân nên cô lập chế độ ăn uống khá nghiêm ngặt, ưu tiên ăn nhiều chất và hạn chế tinh bột. Nhờ thế nên việc sinh nở của cô cũng dễ dàng hơn.
Mẹ trẻ 22 tuổi cũng chia sẻ thêm, 7 giờ sáng cô nhận thấy những cơn đau bụng. Ngay sau đó Tuyết Anh đã tranh thủ ăn sáng và tắm gội đồng thời uống một lít nước tía tô (vì theo thông tin cô đọc được thì sản phụ uống nước lá tía tô sẽ giúp cổ tử cung mở nhanh, dễ đẻ hơn, tuy nhiên đồ uống này lại chống chỉ định với những người bị cao huyết áp). Trước khi sinh một tháng, mẹ Tuyết Anh còn chăm chỉ uống một ly sữa mè đen (vừng đen) mỗi ngày để hỗ trợ sinh sản.
Chia sẻ về ca sinh thường của mình, mẹ Việt ở Mỹ cho biết thêm: “Bên Mỹ đi sinh sản phụ không phải đem gì theo cả, vào viện y tá lo hết đến khi sinh mới gặp bác sĩ. Tất cả thông tin lịch sử bệnh án đều được hỏi lại cẩn thận. Sau đó em được nằm đợi đếm cơn đau. Phòng chờ sinh cũng là phòng sinh luôn. Bên cạnh em luôn có chồng và mẹ chồng, thậm chí bác sĩ luôn khuyến khích chồng ở bên cạnh vợ khi sinh nở chứ không như các mẹ ở Việt Nam hầu hết đều chỉ nằm một mình trong phòng đẻ.”
Một điều đặc biệt khi sinh nở ở Mỹ mà mẹ Tuyết Anh cảm thấy khác biệt với khi sinh ở Việt Nam là trong lúc chờ sinh, sản phụ sẽ được gắn ống thông tiểu và không được uống nước cũng như ăn bất cứ thứ gì. Nếu khát mẹ chỉ được nhai đá lạnh. Khi được hỏi, việc sản phụ nhai đá lạnh có tác dụng gì, mẹ Tuyết Anh cho biết, cách này sẽ giúp sản phụ bớt khát, bớt đau đớn và phòng trường hợp nếu đang sinh có bất trắc sẽ chuyển sang đẻ mổ. Nếu đẻ mổ mà trước đó ăn và uống sẽ dễ bị hôn mê sâu hoặc nôn mửa, không có lợi cho ca sinh.
Cả thai kỳ cô chỉ tăng 11kg.
Bà mẹ trẻ cho biết, các mẹ ở Mỹ khi sinh con vẫn phải chịu đựng những cơn đau chứ không phải như câu nói thần thánh “đi đẻ ở Mỹ không đau”. “Các mẹ được tiêm thuốc giảm đau, gây tê tuy nhiên khi rặn đẻ vẫn cảm giác được cơn đau, chỉ giảm bớt phần nào thôi và sau sinh khá khoẻ.Sinh xong bé được da-tiếp-da với mẹ ngay. Cũng trong lúc đó, bác sĩ sẽ lấy máu cuống rốn và tế bào cuống rốn để gửi ngân hàng và in dấu chân tay, chụp hình gia đình. Ngay sau sinh, cả bé và mẹ đều được kiểm tra sức khỏe cẩn thận và 30 phút sau sẽ được về phòng. Việc di chuyển từ phòng sinh về phòng sau sinh cũng rất hiện đại. Bệnh viện sẽ dùng máy như máy cẩu để đưa mẹ lên xe đẩy về phòng chứ mẹ không tự di chuyển hay người nhà phải bế về.”, Tuyết Anh chia sẻ thêm.
1 giờ sau sinh đã có thể đi lại
Dường như việc một sinh linh bé nhỏ ra đời ở Mỹ là sự kiện vô cùng đặc biệt và được chào đón nhiệt tình. Vì vậy, sau khi bé Connor B Ho chào đời và được đưa về phòng, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn một giỏ quà gồm rượu vang, trái cây, bánh kem để chúc mừng, đồng thời dọc hành lang sẽ mở một bản nhạc thông báo vừa có một sinh linh ra đời.
Đồ ăn bệnh viện chuẩn bị cho sản phụ sản sinh.
Phòng sau sinh dành cho sản phụ, có cả giường dành cho người nhà.
Sau sinh nở, mẹ Tuyết Anh cũng không phải kiêng khem chuyện ăn uống quá cầu kỳ. Ngay khi được đưa về phòng, mẹ sẽ được ăn uống theo khẩu phần và có cả nước ngọt có ga. Tất cả đồ ăn trong những ngày ở viện đều do bệnh viện chuẩn bị sẵn, gia đình không cần chuẩn bị gì cả.
Chia sẻ về phòng sinh ở Mỹ, mẹ trẻ 22 tuổi tự hào khoe: “Phòng sinh và phòng sau sinh ở đây có đầy đủ tiện nghi, mỗi mẹ một phòng và khi bác sĩ đến khám sức khỏe đều tại phòng với máy móc tại chỗ. Tất cả trang thiết bị như tại nhà và kèm thêm một giường cho bố, nếu có thêm người thân sẽ được cấp thêm một ghế ngủ nữa.”
Bố là người trực tiếp đón bé sơ sinh khi lọt lòng mẹ.
Bé Connor B Ho trong vòng tay bà nội.
Trong những ngày nằm tại bệnh viện, Tuyết Anh và em bé được bác sĩ và y tá chăm sóc rất chu đáo và thăm khám theo giờ. Cũng như ở Việt Nam, bé sơ sinh được khuyến khích bú sữa non của mẹ trong 24 giờ sau sinh. Còn mẹ được y tá giúp vệ sinh cá nhân hàng ngày. Điều đặc biệt là mẹ Tuyết Anh phục hồi rất nhanh sau sinh nở, chỉ một giờ sau sinh là cô có thể đi lại được. Có được điều này là do cô dùng loại băng lạnh kèm theo miếng dán và xịt lạnh do bệnh viện cung cấp.
Dù em bé chào đời nặng 3,9kg, nhưng có lẽ nhờ được bác sĩ chăm sóc chu đáo, nhiệt tình nên chỉ 2 ngày sau đó, Tuyết Anh và em bé đã được xuất viện.