Đẻ thường - đẻ mổ đều sợ khiếp vía

Ngày 01/09/2013 10:00 AM (GMT+7)

Tục ngữ có câu “người chửa là cửa mả”, chả thế mà hầu hết các mẹ bầu đều mang trong mình những nỗi lo lắng từ ngày có cấn thai đến giờ phút vượt cạn.

Tổng hợp tâm sự của các mẹ gửi về địa chỉ email babau.eva@24h.com.vn, có rất nhiều mẹ bầu chia sẻ rất thật về cảm xúc hồi hộp, lo lắng và thậm chí là sợ hãi khi nghĩ đến ngày sinh nở sắp tới gần. Chị Hà Trang (Hải Phòng) viết: “Mình có thai được 17 tuần, trộm vía bác sĩ nói thai phát triển tốt, mình rất mừng vì cả mẹ và con đều khỏe và mình thì không hề nghén ngẩm gì cả. Nhưng có một điều mà mình luôn băn khoăn đó là, ngay từ hồi con gái cứ khi nghĩ đến việc sinh con mình đã thấy “gờn gợn”. Bây giờ khi mang thai rồi, nghĩ đến phút vượt cạn mình luôn cảm thấy rất hồi hộp, bồn chồn. Mặc dù luôn có chồng bên cạnh động viên rằng không có gì phải lo lắng, nhưng đó thực sự là cảm xúc không nên có mà mình chưa thể giải tỏa.”

Để giúp các chị em chuẩn bị tốt về mặt tâm lý và có một tinh thần thoải mái khi sinh con, xin tổng hợp những nỗi lo chung nhất của các mẹ bầu và chia sẻ những lời khuyên để hóa giải nỗi lo của mẹ sắp lâm bồn.

Đẻ thường - đẻ mổ đều sợ khiếp vía - 1
Rất nhiều mẹ bầu sợ đau đẻ. (ảnh minh họa)

Đau đẻ - sợ khiếp vía

Chị Lan Hương (Hà Nam) tâm sự: “Mình nghĩ rằng mình là một người dũng cảm, nhưng sao nghĩ đến chuyện đau đẻ là mình lại nổi cả da gà. Mình đã chứng kiến hai lần sinh của cả hai chị gái, đau đớn, vật vã, la hét,… Chị cả thì sau hai ngày đau cũng đẻ thường được. Còn chị hai vì không đủ sức nên đến phút cuối cùng bác sĩ và gia đình đã quyết định cho chị đẻ mổ. Các cháu mình đến giờ thì đều khỏe mạnh, nhưng cứ nghĩ lại ngày hai chị sinh con mình lại thương và lo vì chỉ còn gần một tháng nữa là đến ngày dự sinh rồi.”

Trong bức thư khá dài của chị Thúy Chinh đang có bầu bé thứ hai được 6 tháng cũng có đoạn chia sẻ: “Sau khi sinh bé lớn tôi đã có ý định chỉ đẻ một con vì có giai đoạn có bầu và sinh con đầu lòng vất vả quá… Trở dạ sớm gần 1 tháng so với ngày dự sinh, bà nội, bà ngoại ở quê xa chưa kịp ra giúp, hai vợ chồng tự đưa nhau vào viện. Thật sự là tôi chưa bao giờ trải qua một cơn đau nào khủng khiếp đến thế, có lúc tưởng như ngất lịm đi. Tôi vẫn nhớ như in, một mình nằm trong phòng chờ đẻ, chồng không được vào cùng, nhưng thấy vợ đau và la lớn quá, chốc chốc anh lại ngó vào cử sổ động viên: “Chinh ơi. Cố lên!”…

Có thể thấy rằng, hầu hết phụ nữ, dù chưa trải qua hay đã trải qua thời kỳ sinh nở đều rất sợ trải qua giai đoạn đau đẻ. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu mặc dù đối với nhiều phụ nữ có thể giây phút đó cũng dễ dàng để vượt qua nhưng vẫn không tránh khỏi tâm trạng lo âu và sợ hãi. Cách tốt nhất để ổn định tâm lý cho mình đó chính là có sự chuẩn bị trước các cách để giảm đau khi chuyển dạ, ví dụ như học phương pháp thở và rặn đẻ đúng cách, có phương án dự phòng cho các tình huống kiệt sức,… Điều quan trọng hơn, chị em cần hiểu rằng cơn đau đẻ là một dấu hiệu tốt cho sự chào đời của con yêu, và nó cũng là giờ phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời người làm mẹ. Chính vì thế mà các mẹ hãy dũng cảm đón nhận và đối đầu với nó, vững tin rằng tình mẫu tử thiêng liêng sẽ tiếp thêm sức mạnh để mình vượt qua được những cơn đau tưởng như không thể chịu đựng.

Đẻ mổ - sung sướng gì!

Trái ngược với quan điểm của một số bà mẹ lựa chọn cách sinh không đau, sinh mổ thì phần đông các mẹ vẫn lựa chọn cách sinh thường tự nhiên và lo những trường hợp không mong muốn xảy ra khiến mình phải đẻ mổ. Điều này cũng dễ hiểu vì mặc dù hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp giảm cơn đau đẻ cho sản phụ như dây tê ngoài màng cứng, gây mê theo đường thở, thuốc an thần, phương pháp kích thích dây thần kinh bằng điện truyền qua da,… nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Liên quan đến phương pháp gây tê ngoài màng cứng – phương pháp được áp dụng khá phổ biến tại các bệnh viện Phụ sản của Việt Nam hiện nay, chị Thảo Hà (Hà Nội) cho biết: “Gì thì gì thì cũng cố mà chịu đau thôi các mẹ ạ. Mình đã tìm hiểu rồi, gây tê ngoài màng cứng dễ khiến mất cảm giác đau đẻ nên không rặn tốt được, cuối cùng thì sẽ lại phải đẻ mổ mà đó là chưa kể đến rủi ro cho cả mẹ và con nếu bác sĩ gây tê làm không chuẩn.”

Đẻ thường - đẻ mổ đều sợ khiếp vía - 2
Phần đông các mẹ bầu vẫn lựa chọn cách sinh thường. (ảnh minh họa)

Cũng ủng hộ quan điểm “thuận theo tự nhiên”, nickname “megaucon” chia sẻ: “Em đang lo lắm các chị ạ, em bị huyết áp cao mà lại chuẩn bị sinh nở rồi. Nghe mọi người nói khả năng em phải đẻ mổ mà đẻ mổ so với đẻ thường thì lợi ít, hại nhiều. Nguy cơ mẹ không có sữa, rồi con kém sức đề kháng hơn trẻ sinh thường và có những trường hợp bị dính ruột, sẹo cổ tử cung, tắc ruột. Vì thế mà em đang tìm mọi cách để sinh thường…”

Vậy câu trả lời nào có thể làm yên lòng các chị em? Theo lời khuyên của hầu hết các chuyên gia đầu ngành thì đối với các trường hợp thông thường các mẹ nên chọn cách sinh thường là tốt nhất. Tuy nhiên, sản phụ nên nhanh chóng làm theo lời khuyên của bác sĩ là áp dụng đến các phương pháp can thiệp cuối cùng nếu cảm thấy quá đau và bị mất sức do cơn chuyển dạ kéo dài, tâm lý căng thẳng khiến cổ tử cung càng siết chặt; vì nếu không được xử lý kịp thời thì càng khó đẻ và có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Về việc đẻ mổ, có những trường hợp bắt buộc không thể đẻ thường như khi thai phụ có một trong số các vấn đề chẳng hạn như: xương chậu quá hẹp, mắc chứng cao huyết áp nặng và vừa, mắc bệnh tim, xuất huyết nhiều trước khi sinh, co thắt cổ tử cung yếu mặc dù dùng nhiều biện pháp can thiệp nhưng không có hiệu quả,…; hoặc các trường hợp liên quan đến sức khỏe của thai nhi và có sự chỉ định của bác sĩ như: ngôi thai ngược, tim thai yếu, dây rốn bị đứt sớm,…

Như vậy, các mẹ cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe và khám thai định kỳ để có thể sớm có phương án phù hợp cho việc sinh nở. Đồng thời, cũng không nên quá phụ thuộc vào một phương pháp nào mà phải tùy vào từng trường hợp để quyết định đẻ thường hay đẻ mổ nhằm đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho cả mẹ và con. Nhìn chung dù là sinh mổ hay sinh thường thì bạn cũng không nên quá lo lắng vì sinh đẻ là một hiện tượng tự nhiên mà rất nhiều phụ nữ đã làm được, chỉ cần chuẩn bị thật tốt tâm lý là bạn có thể vượt cạn thành công.

Mai Phương (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuẩn bị đồ và tâm lí