Dự án Luật Dân số đang được xây dựng, lấy ý kiến, Bộ Y tế đề nghị bổ sung quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi và tăng chế tài xử phạt với hành vi này.
Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật Dân số nhằm đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong thời tình hình mới.
Tại dự án Luật Dân số đang được xây dựng, lấy ý kiến, Bộ Y tế đề nghị bổ sung quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi và tăng chế tài xử phạt với hành vi này. Cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân lạm dụng công nghệ, kỹ thuật để lựa chọn giới tính khi sinh.
Siêu âm thai để kiếm tra sức khỏe thai nhi là cần thiết, nhưng nghiêm cấm thông báo giới tính. Ảnh minh họa
Việc tiết lộ giới tính thai nhi là hành vi bị cấm và vi phạm Pháp lệnh Dân số Việt Nam. Năm 2023, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, 112 bé trai trên 100 bé gái, trong khi tỉ số tự nhiên khoảng 105/100. Các công bố trước đó chỉ rõ mất cân bằng giới tính tác động xấu tới cấu trúc dân số tương lai và dư thừa nam giới.
Năm 2022, theo một nghiên cứu đánh giá của các chuyên gia dân số, tại Việt Nam, 45.900 trẻ em gái không được sinh ra do lựa chọn giới tính thai nhi.
Theo tính toán, đến năm 2050, Việt Nam có 2,3-4,3 triệu nam thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững.
Lý giải nguyên nhân tỉ lệ trẻ em nam nhiều hơn nữ, các chuyên gia dân số cho rằng tâm lý thích con trai đã ăn sâu vào văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, công nghệ hiện đại đã khiến việc lựa chọn giới tính trước sinh dễ dàng hơn. Do đó, cần cơ sở pháp lý mạnh hơn để ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học, công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi; quy định các biện pháp, nội dung cụ thể để can thiệp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 trong đó đưa ra mục tiêu giảm tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra giám sát thực thi pháp luật liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi; tăng mức xử phạt vi phạm với hành vi lựa chọn giới tính khi sinh; khắc phục tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao để lựa chọn giới tính thai nhi...
Theo điều 100 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
+ Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
Ngoài ra, hành vi cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính thì bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở có hoạt động dược không vì mục đích thương mại trong thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng.