Cưới 2 năm vợ tôi mang bầu. Tất nhiên bản thân sắp được là cha tôi hạnh phúc vô cùng nhưng do tính chất công việc thường xuyên phải đi công tác nên không có thời gian ở bên vợ. Cô ấy thì từ khi bầu bí, tính nết thay đổi nhiều...
Tính tôi tham việc, trước giờ lúc nào cũng suy nghĩ đàn ông phải coi sự nghiệp làm đầu. Vậy nên sau khi kết hôn tôi yêu cầu vợ:
“Anh không cần em kiếm tiền mà cần em ở nhà lo cơm nước con cái giúp anh. Như thế anh mới tập trung lo cho sự nghiệp được”.
Đúng như lời hứa, khi vợ nghỉ việc ở nhà mỗi tháng tôi đều đặn đưa cho cô ấy 50 triệu đồng chi tiêu lo ăn uống sinh hoạt và lo cho bố mẹ già, nếu có khoản phát sinh tôi sẽ đưa thêm. Nói chung vợ tôi chỉ việc vun vén tổ ấm.
Từ khi bầu bí, tính nết vợ tôi thay đổi rất nhiều. (Ảnh minh họa)
Cưới 2 năm vợ tôi mang bầu. Tất nhiên bản thân sắp được là cha tôi hạnh phúc vô cùng nhưng do tính chất công việc thường xuyên phải đi công tác nên không có thời gian ở bên vợ. Cô ấy thì từ khi bầu bí, tính nết thay đổi nhiều. Tuy rằng vẫn quan tâm chăm lo gia đình như trước nhưng hay khóc, động tí lại cằn nhằn, trách móc chồng:
“Nhà với anh có khác gì quán trọ, còn em có chồng cũng như không. Sống với anh thế này, em khác gì làm mẹ đơn thân”.
Vợ than thở suốt ngày là muốn được chồng quan tâm, muốn được chồng để ý chăm sóc. Trong khi đó tôi đi làm đủ thứ áp lực mà về nhà vẫn không yên thân. Nói mãi vợ không hiểu, thi thoảng tôi nổi nóng quát ầm:
“Em sướng quá hóa ích kỷ hả. Anh đi làm kiếm tiền cho em ăn tiêu không phải nghĩ rồi còn muốn thế nào nữa”.
Vợ tôi nghe vậy lại sụt sùi khóc nói rằng cô ấy không cần tiền, chỉ cần sự quan tâm của chồng nhưng tôi gạt đi hết, nghĩ rằng vợ không biết điều.
Thai kỳ bước sang tháng thứ 7, vợ tôi thường xuyên đau bụng. Cô ấy nói với tôi vài lần nhưng tôi cũng chỉ nhắc:
“Nếu em thấy bất thường thì tự bắt xe vào viện khám. Anh bận lắm, không đi cùng em được đâu. Em làm mẹ, phải chủ động lo cho con, đừng phụ thuộc anh”.
Sau đó vợ tôi cũng tự vào viện khám, thuốc thang giữ gìn nên cái thai cũng ổn định. Vợ mang thai tuần 36 tôi nhận lệnh công tác nước ngoài chục ngày. Vợ tôi cứ năn nỉ:
“Em lo lắm, anh hoãn chuyến công tác lần này được không. Vợ sắp tới tháng sinh, người lại thấy không khỏe, nhỡ vỡ ối sớm, ở nhà bố mẹ già yếu không giúp được thì em biết xoay xở thế nào”.
Tôi chẹp miệng gạt luôn:
“Em chẳng bảo còn cả tháng nữa mới tới ngày dự sinh cơ mà. Anh đi có chục ngày về đợi em sinh là thoải mái”.
Thai kỳ bước sang tháng thứ 7, vợ tôi thường xuyên đau bụng nhưng tôi cũng không có thời gian chăm sóc cô ấy. (Ảnh minh họa)
Tôi dứt khoát đi bỏ mặc vợ hoang mang lo lắng ở nhà. Hôm về, máy bay hạ cánh vừa hạ cánh tôi liền nhận được cuộc gọi của mẹ vợ:
“Sao giờ con mới nghe máy. Vào viện với vợ con ngay đi…”.
Nghĩ vợ đã sinh, tôi vội bắt xe vào với cô ấy. Không ngờ vừa tới cửa phòng bệnh, tôi điếng người thấy vợ ngồi thẫn thờ ôm chiếc gối vừa khóc vừa hát ru. Còn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra thì mẹ vợ đi tới, kéo tôi ra chỗ khác bảo:
“Vợ con bị tiền sản giật, đưa vào viện muộn quá nên chỉ cứu được mẹ, đứa bé không giữ được. Mất con khiến vợ con bị sốc. Con bé chưa chấp nhận được sự thật đau lòng này nên giờ có cứ thẫn thờ. 3 ngày nay nó chẳng chịu ngủ, cứ ôm gối ru như thế không ai động viên, khuyên nhủ được”.
Bác sĩ chẩn đoán vợ tôi có dấu hiệu trầm cảm, sang chấn tâm lý sau khi mất con. Nhìn vợ như tế, tôi đau thắt lòng và trách mình quá vô tâm mới đẩy vợ vào cảnh ấy. Tiếc là khi nhận ra sai lầm của bản thân thì đã quá muộn. Giá như tôi quan tâm cô ấy hơn, để ý tới những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ của vợ thì có lẽ vợ chồng tôi sẽ không mất con. Giờ tôi sẽ dành thời gian chăm lo cho vợ, cùng cô ấy vượt qua nỗi đau này. Tôi chỉ mong vợ sớm bình phục, còn mọi việc khác không còn quan trọng nữa.
Làm thế nào để đối phó với những biến chứng xấu của bệnh tiền sản giật
Trên thực tế là có nhiều mẹ bầu mắc chứng tiền sản giật mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Do đó, để đảm bảo cho sức khỏe và thai nhi trong suốt thời gian mang thai, tất cả các mẹ bầu nên tuân thủ theo đúng lịch khám thai và hướng dẫn của bác sĩ một cách chuẩn chỉnh.
Trong quá trình khám thai định kỳ, mẹ bầu sẽ được chỉ định kiểm tra huyết áp, thực hiện các xét nghiệm nước tiểu, siêu âm để đánh giá sức khỏe của thai nhi. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể đề nghị mẹ thực hiện xét nghiệm máu để xem chỉ số men gan có gì bất thường hay không và số lượng tiểu cầu có thấp hay không.
Nếu được bác sĩ chẩn đoán là có nguy cơ mắc tiền sản giật, mẹ bầu sẽ được theo dõi chặt chẽ hơn. Trong trường hợp nhận thấy nguy cơ xấu có thể xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp tới mẹ và thai nhi, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định mẹ sinh sớm hơn dự kiến.