Đối với những sản phụ đi sinh mùa đông, tiếng khóc chào đời của các con đã sưởi ấm cái giá lạnh của mùa đông này.
Đi đẻ trong những ngày miền Bắc rét đậm như thế này có lẽ là điều mà nhiều sản phụ chuẩn bị vượt cạn lo ngại. Đặc biệt, những cơn mưa phùn rả rích từ sáng đến đêm càng khiến cái lạnh trở nên thấu da thấu thịt hơn.
Nhiệt độ xuống thấp cùng với những cơn mưa rả rích dường như khiến cho mọi thứ trở nên bừa bộn, ẩm ướt hơn. Tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người xách những giỏ quần áo, chăn ấm rảo bước chân thật nhanh, người ngồi co ro, kẹp chặt tay vào hai chân để xua bớt đi cái lạnh đang ùa về. Những sản phụ đang nằm trong phòng chờ sinh thì gương mặt thấp thỏm lo lắng cho con sắp chào đời và cho cả người thân đang ngồi ngoài kia chịu rét chờ đợi.
Góc hành lang khu đẻ bệnh viện Phụ sản Hà Nội chỉ vừa một người đi, xếp đầy đồ đạc cho sản phụ đi sinh.
Hành lang hút gió, người nhà vẫn tự nguyện chọn ngồi để nhìn thấy sản phụ
Hành lang nhỏ khu đẻ bảo hiểm y tế của bệnh viện Phụ sản Hà Nội những ngày đông này dường như chật chội hơi bởi giỏ quần áo, chăn chiếu của sản phụ và người nhà chất đầy.
Dẫu hành lang hút gió, những cơn gió lạnh thi thoảng ùa về thấu xương nhưng ai cũng tự nguyện chọn nơi đây để ngồi, để đứng chờ vì thỉnh thoảng có thể ngó nhìn thấy người thân đang nằm trên giường chờ sinh qua tấm kính ngăn cách.
Vì bệnh viện có sẵn đồ cho trẻ sơ sinh nên đồ dùng gia đình mang đi đều được để hết hành lang.
Cô Nguyễn Thị H. ở Yên Nghĩa đang ngồi co ro trên chiếc ghế với tâm trạng lo lắng. Đặc biệt, con phải sinh mổ, vượt cạn trong thời tiết mưa gió rét càng khiến cô càng bồn chồn hơn.
“Con tôi mổ nên tôi lo lắng, phân vân lắm nhưng thôi khoa học giỏi mình cứ yên tâm, đặt hết niềm tin vào bác sĩ. Con ở trong đó ấm áp hơn còn mình ngồi ngoài này rét lạnh, chờ đợi sốt ruột nhưng tôi chỉ thương con phải vượt cạn một mình”, cô H. cho biết.
Cũng giống như cô H., cô T. ở Từ Sơn, Bắc Ninh phải đi từ 5 rưỡi sáng dưới thời tiết mưa rét buốt sau khi nghe tin con lên viện chuẩn bị sinh. Mặc dù ngồi chờ ở ngoài cả ngày, mưa lạnh, mệt mỏi, hết giờ thăm nom còn phải “vất vưởng” ở ngoài nhưng cô vẫn thấy ấm áp, hạnh phúc trong lòng bởi sắp được chào đón thành viên mới đến với gia đình.
“Sáng nay tôi đi vội, chỉ mang ít thôi một bộ cho mẹ mặc khi sinh xong, áo em bé, áo len, mũ, tất tay chân, chăn để ủ. Ở trong viện có hết đồ rồi nên cũng không cần nhiều, chỉ mang đồ để ủ lúc đi về nhà thôi.
Sinh con mùa đông này khó khăn nhiều nhưng hạnh phúc lớn nhất là có con rồi. Sinh con mọi khó khăn cũng tan biến hết. Chửa đẻ là trời cho mới được nên mùa nào cũng chấp nhận hết”, cô T. chia sẻ.
Cô Hương cho biết, sản phụ đi sinh mùa đông khó khăn nhất là vượt cạn một mình thời tiết lạnh.
Đứng dựa vào góc tường với gương mặt mệt mỏi, cô Hương (Phúc Thọ, Hà Nội) tâm sự, sáng nay cô phải nhanh chóng đi xe máy dưới trời mưa rét lên viện sau khi nghe cuộc điện thoại thông báo của con. Ngồi ngoài chờ rét, lạnh nhưng những cuộc điện thoại của con gái trong phòng chờ sinh cũng khiến cô yên tâm phần nào.
“Mùa đông rét, sản phụ vượt cạn một mình cũng buồn, trong thời gian đau cũng chỉ muốn có người thân, chồng, bố mẹ bên cạnh nhưng mình phải tuân theo quy định của bệnh viện, đặt hết niềm tin vào bác sĩ thôi”, cô Hương tâm sự.
Ngồi ở một góc ghế khác, xoa xoa 2 bàn tay vào nhau để làm ấm, cô L. (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết biết thêm, tuy ngồi chờ ở ngoài, chỗ nằm, chỗ ngồi không có, phải vạ vật khắp nơi nhưng điều đó chẳng đáng gì so với những sản phụ đang vượt cạn một mình trong kia.
“Rét mướt khổ lắm nhưng người nhà thường nằm đâu cũng được, rét thế này cũng chẳng đáng gì, chỉ lo cho sản phụ thôi, “mẹ tròn con vuông” là vượt qua tất cả ấy mà. Thời tiết rét thế này khổ trẻ con nhiều vì mùa đông trẻ ra ngoài phải bảo vệ tốt hơn. Tôi cũng đã từng sinh 2 đứa vào mùa đông, thời ý chẳng có điều kiện như bây giờ, phải đốt củi trong nhà để sưởi ấm cả mẹ và con”, cô L. chia sẻ.
"Sinh đẻ vào mùa đông phải chịu lạnh nhưng chỉ cần nhìn thấy con là đủ ấm rồi!"
Được biết, hiện nay trong các phòng đều được trang bị điều hòa 2 chiều chế độ “đông ấm hè mát” nên chuyện vượt cạn của nhiều sản phụ vào mùa đông không còn lo lắng nhiều.
Chị Lê Thùy T. gương mặt khá thoải mái trong phòng chờ sinh.
Đang ngồi chờ sinh trong phòng, chị Lê Thùy T. (Hà Đông) vẫn mang tâm lý khá thoải mái. Đây là lần sinh thứ 2 nên chị không phải chuẩn bị nhiều. Chị chỉ mang chăn ấm ủ cho con khi về.
“Mình chăm sóc con theo bản năng của người mẹ thôi. Sinh con mùa đông khó khăn hơn trong việc chăm sóc vì thời tiết lạnh trẻ dễ bị viêm phế quản, viêm đường hô hấp tuy nhiên hiện nay xã hội hiện đại có quạt sưởi, điều hòa 2 chiều nên cũng đỡ lo lắng phần nào. Tiếng khóc chào đời của con xua tan mọi cái lạnh mùa đông”, chị T. chia sẻ.
Chị Nguyễn Mai H. gương mặt mệt mỏi sau khi trải qua ca sinh mổ nhưng vẫn cảm thấy ấm áp vì con yêu chào đời.
Vừa mới sinh mổ xong, mặc dù còn mệt, đau nhưng chị Nguyễn Minh H. (Quốc Tử Giám, Hà Nội) và chị Nguyễn Mai H. (Thụy Khuê, Hà Nội) cũng không giấu được niềm hạnh phúc ánh lên từ đôi mắt. Sinh con vào mùa đông lạnh nhưng chị vẫn luôn cảm thấy ấm áp bởi thiên thần nhỏ đã đến với mình an toàn.
Tiếng khóc con chào đời xua tan mọi giá lạnh ngoài kia.
Dường như, đối với các sản phụ và đối với những người nhà, cái lạnh buốt của mùa đông Hà Nội cũng chẳng hề chi bởi trong lòng họ đã được sưởi ấm bằng tiếng khóc chào đời của trẻ nhỏ. Tiếng khóc ấy sẽ xua tan đi mọi giá lạnh mùa đông.
Dù ngày nay hầu hết các phòng sinh đều được trang bị điều hòa 2 chiều giúp sản phụ không phải chịu cảnh quá lạnh buốt ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên việc chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh mùa đông vẫn cần những lưu ý riêng. Mời độc giả đón đọc lời khuyên của chuyên gia về vấn đề này vào 09h00 ngày 11/1 trên chuyên mục Bà bầu.