Cách đây ba năm, người dân cả nước bất ngờ với thông tin chị Trần Thị Tình (SN 1981, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) sinh tư đều là con gái. Ngày ấy, chúng tôi về gia đình này, đó là căn nhà cũ nát.
Ba năm sau, người viết quay trở lại thăm gia đình chị Tình và bất ngờ khi căn nhà đã được “bê tông hóa”. Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện, những lo lắng của gia đình chị Tình vẫn khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Anh Trần Hữu Đồng (SN 1979, chồng chị Tình) kể, là con thứ 7 trong gia đình có 9 anh em. Cha mẹ làm nông dân, khó khăn lắm mới kiếm đủ cơm cho cả gia đình nên tất cả anh em của anh Đồng không được đến trường. Lớn lên, anh đi làm thuê, làm mướn. Khoảng năm 1999, anh gặp gỡ chị Tình. Ngày ấy, chị Tình làm nghề đan chiếu thuê cho làng kế bên.
Bốn cháu Việt - Nam - Hạnh - Phúc
Đôi nam nữ trò chuyện vui vẻ. Theo thời gian, tình cảm của họ dần được bồi đắp. Chuyện tình của anh được cả hai gia đình đồng thuận. Ngày cưới, cả hai vui vẻ khi được rất nhiều lời chúc phúc.
Năm 2001, chị Tình mang thai, hạ sinh cô con gái đầu lòng. Đến năm 2005, chị lại mang thai và sinh một cậu con trai. Gia đình đã “đủ nếp đủ tẻ” nên anh chị cảm thấy thỏa mãn. Cuộc sống gia đình cứ trôi qua trong bình yên, thấm đẫm hạnh phúc.
Bảy năm sau, chị Tình thông báo mình đang mang thai. Anh Đồng khá hạnh phúc. Anh đưa vợ đi siêu âm, bác sĩ thông báo chị mang song thai. Nửa tháng sau, anh lại đưa vợ đi siêu âm ở phòng khám khác, lần này, bác sĩ lại thông báo chị mang tam thai. Không tin vào kết quả, chị lại được đưa đi siêu âm ở một nơi khác và lần này được thông báo là mang bầu tứ thai nhưng không xác định được giới tính của trẻ.
Trở về nhà, vợ chồng anh Đồng vô cùng lo lắng, bởi, thêm bốn nhân khẩu, lấy tiền đâu để nuôi? Khi các con ra đời, làm sao để chăm? Tiền sữa, tả… ở đâu? Mang tứ thai, liệu rằng vợ có đủ sức? Cha mẹ hai bên biết tin, thấu hiểu lo lắng của Đồng nên ra sức động viên. Họ tin “ông trời không tuyệt đường sống ai bao giờ”.
Thai 32 tuần tuổi, trong khi anh đang làm việc ngoài đồng, hàng xóm chạy ra thông báo: “Vợ mày đau bụng rên la quá! Chắc nó sắp sinh”. Anh vội vàng vừa chạy về nhà, vừa suy tính, có thể vợ sinh non. Anh đưa vợ đến bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp. Sau khi khám, bác sĩ quyết định chuyển chị lên bệnh viện Từ Dũ (TP HCM).
Lúc ấy, túi trống rỗng, anh Đồng phải chạy về nhà vay mượn người thân, hàng xóm được 4 triệu đồng rồi cùng lên TP HCM với vợ. Bác sĩ tại bệnh viện Từ Dũ quyết định sinh mổ cho chị Tình. Bốn đứa trẻ lần lượt ra đời, nặng nhất là 1,7 kg và nhẹ nhất 1,2 kg. Vì các cháu sinh non, sức quá yếu nên được đưa vào phòng cách ly chăm sóc đặc biệt.
“Bây giờ nhìn lại, tôi phải cảm ơn những tấm lòng vàng đã giúp đỡ vợ chồng tôi trong lúc khó khăn ấy. Nếu không có họ giúp đỡ, có lẽ, tôi không thể nào lo liệu nổi cho các cháu”, anh Đồng chia sẻ.
Anh kể, sau ca phẫu thuật, tiền nhanh chóng hết. Lúc này, những người cùng phòng biết được hoàn cảnh của anh liền kêu gọi gom góp được một số tiền nhỏ giúp đỡ. Sau đó, các bác sĩ thông tin đến báo chí nhờ mạnh thường quân giúp đỡ. Thông qua báo chí, khá nhiều người đã tìm đến tận bệnh viện hỏi thăm, gửi gắm chút quà tình nghĩa. Đặc biệt, công ty cổ phần Dược Việt Nam cam kết tặng sữa cho bốn cháu suốt 1 năm liền.
Nhờ thiện tâm của cộng đồng, anh Đồng vơi đi phần nào lo lắng về tiền bạc. Sau đó không lâu, chị Tình cùng bốn con được đưa về nhà. Tuy nhiên, do đặc thù sinh tư, sinh non, mỗi tháng, vợ chồng anh phải bắt xe đưa các con lên TP HCM chữa chứng mắt vàng nếu không sẽ dẫn đến mù lòa. Nửa năm trôi qua, chứng bệnh này mới chính thức chữa khỏi.
Đặc biệt nhất, nhờ sự quan tâm của chính quyền và các mạnh thường quân, anh Đồng có kinh phí để xây căn nhà bằng bê tông. Để ghi nhớ tấm lòng của cộng đồng, vợ chồng anh quyết định đặt tên lần lượt cho các con là Việt – Nam – Hạnh – Phúc. Theo lời anh, cả bốn cháu đều khỏe mạnh, ít quấy rối, dễ ăn, dễ ngủ…
Vợ chồng anh không thể chăm sóc cho cả bốn cháu nên phải nhờ vả đến cả gia đình nội ngoại. Khó khăn nhất là việc dỗ mỗi khi các cháu khóc. Bởi, khi một cháu khóc thì các cháu khác cũng khóc theo. Việc đút ăn cho bốn cháu cùng một lúc cũng là điều không phải dễ dàng…
Không khí vui vẻ bỗng chùng xuống khi người viết hỏi: “Vậy, cuộc sống gia đình hiện tại của anh thế nào?”. Anh nói: “Tôi biết ơn mọi người nhiều lắm! Nhưng, cuộc sống hiện tại của gia đình vẫn chưa thể thoát nghèo, khó khăn vẫn chồng chất”.
Để có tiền lo cho sáu đứa con, anh Đồng vẫn đi làm thuê, làm mướn. Riêng chị Tình, phải chăm sóc cho bốn cháu sinh tư nên không thể đi làm. Như vậy, tất cả mọi chi tiêu của gia đình đều phụ thuộc vào ngày công của người chồng.
Cô con gái đầu nhận thấy cuộc sống gia đình quá khó khăn nên đành xin nghỉ học khi chưa tốt nghiệp cấp 2. Hiện tại, cháu ở nhà giúp mẹ chăm các em. Riêng cậu con trai thứ nhì, đang học lớp 5. Tuy nhiên, anh vẫn không dám hứa chắc năm sau có cho cháu đi học tiếp nữa không.
Bốn cháu lúc mới sinh
Hỏi về Tết Nguyên đán 2016 sắp tới, chị Linh hiu hắt: “Cơm ngày hai bữa chưa đủ đầy thì lo lắng gì đến chuyện tết nhất. Hàng xóm đã bắt đầu sắm sửa áo quần cho con cái. Riêng gia đình tôi thì chắc sẽ không có chuyện này. Tôi chỉ mong gia đình có đủ hai bữa cơm no là toại nguyện rồi”.
Ông Nguyễn Văn Em (Chủ tịch UBND xã Tân Phước, huyện Lai Vung) cho hay, cuộc sống của vợ chồng anh Đồng rất khó khăn. Hiện tại, anh Đồng là lao động chính trong gia đình. Gia đình này cũng không có đất canh tác nên phải đi làm thuê, làm mướn. Việc chị Tình sinh tư là niềm vui lớn và cũng là nỗi lo không nhỏ. Mặc dù nhận được sự giúp đỡ của địa phương rất nhiều nhưng gia đình này vẫn chưa thể thoát được nghèo.