Giải đáp 10 thắc mắc 'nóng' sau sinh

Ngày 08/03/2014 09:00 AM (GMT+7)

Mẹ cần biết rằng mình vẫn có thể “dính bầu” khi kinh nguyệt chưa quay trở lại bình thường đấy nhé!

Khi nào kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường?

Thời gian khôi phục kinh nguyệt của mỗi phụ nữ tùy vào đặc điểm cá nhân từng người. 

Thường thì việc này phụ thuộc nhiều vào việc cho con bú. Sau khi sinh, cơ thể người mẹ tiết ra chất prolactin giúp tiết ra sữa. Đồng thời, chất này cũng khiến hình thành hóc-mon ở buồng trứng khiến quá trình rụng trứng bị ngăn chặn.

Nếu bạn cho con bú, kinh nguyệt sẽ chỉ bắt đầu khi bạn cai sữa (bắt đầu cho con ăn dặm). Nếu bạn kết hợp vừa cho con bú vừa ăn sữa ngoài, kinh nguyệt có thể sẽ trở lại sau 3-4 tháng. Khi bạn nuôi con bằng sữa bột, bạn sẽ có kinh trở lại sau 1,5 đến 2 tháng.

Có thể có mang khi chưa có kinh nguyệt sau khi sinh không?

Bạn vẫn có thể “dính bầu” khi kinh nguyệt chưa quay trở lại bình thường. Điều này một phần là do quá trình rụng trứng có thể diễn ra 2 tuần trước khi có kinh. Nạo thai ngay những tháng đầu sau khi sinh là một điều nặng nề cả về tinh thần lẫn ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của phụ nữ. Để tránh tình trạng này, bạn cần thảo luận kỹ với bác sỹ sản khoa về phương pháp tránh thai ngay kỳ khám đầu tiên sau khi sinh.

Khi nào có thể sinh hoạt tình dục?

Quan hệ vợ chồng có thể nối lại khoảng 8 tuần sau khi sinh, tức là sau khi không còn ra sản dịch (dịch tiết âm đạo sau khi sinh giống như hành kinh). Không nên quan hệ sớm quá vì cổ tử cung chưa hoàn toàn trở lại bình thường và có thể lây nhiễm một số bệnh qua đường sinh dục.

Khi nào có thể tập thể dục?

Bạn không nên vội vàng chạy đến phòng tập ngay sau khi sinh. Cơ thể của bạn cần được nghỉ ngơi. Cần phải đợi khi các vết khâu lành lặn và dịch tiết từ âm đạo chấm dứt. Bạn có thể bắt đầu tập nhẹ hoặc bơi sau khi đi khám phụ khoa lần đầu sau khi sinh, và khi không có chống chỉ định.

Giải đáp 10 thắc mắc #039;nóng#039; sau sinh - 1
Mẹ cần biết rằng mình vẫn có thể “dính bầu” khi kinh nguyệt chưa quay trở lại bình thường. (ảnh minh họa)

Khoảng cách tốt nhất giữa hai lần mang thai?

Khoảng cách giữa hai kỳ mang thai phụ thuộc vào quá trình sinh nở và sau khi sinh. Nếu bạn đẻ thường và cho con bú trong vòng một năm tiếp theo, bạn nên kế hoạch có thai một năm sau khi cai sữa. Điều này cần thiết cho cơ thể phục hồi sau lần sinh nở trước và chuẩn bị cho đợt mang thai tiếp theo. Nếu bạn đẻ mổ, kỳ mang thai tiếp theo không nên sớm hơn 2-3 năm sau khi sinh. Không nên có mang sớm hơn vì dây chằng ở tử cung có thể không giữ nổi trọng lượng và sẽ rạn. Mặt khác, không nên trì hoãn việc mang thai lần sau quá 10 năm, vì như vậy dây chằng sẽ bị cứng không co giãn được. Nếu quá trình mang thai và sinh nở có khó khăn, bạn nên thảo luận kỹ với bác sỹ sản trước khi quyết định có thai lại để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Tuy bận rộn, các bà mẹ trẻ cần đến đến khám bác sỹ phụ khoa đều đặn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh mà. Bạn nên nhớ mình càng chăm sóc sức khỏe của bản thân bao nhiêu thì chồng con sẽ được hưởng lợi nhiều bấy nhiêu. Bạn đừng quên, bạn có khỏe mạnh, phấn chấn thì mới có thể chăm sóc và lo toan cho những thành viên khác của gia đình được.

Cần phải cho con bú bao lâu?

Sữa mẹ là nguồn thực phẩm bổ dưỡng và hài hòa nhất cho trẻ sơ sinh. Sẽ rất tốt nếu bạn cho con bú đủ ít nhất là 6 tháng đầu. Còn tuyệt nhất là nếu bạn cho con bú tới 1,5 năm. Ngoài ra, khi cho bú, cơ thể tiết một số hóc-môn giúp tử cung co lại nhanh hơn và vì vậy, quá trình bình phục sau khi sinh diễn ra nhanh hơn.

Nếu không có sữa thì sao?

Trừ những trường hợp đặc biệt còn lại hầu hết các bà mẹ đều đủ sữa, thậm chí thừa sữa cho con bú. Tuy vậy vẫn có nhiều trẻ bú mẹ nhưng vẫn lớn chậm và không bụ bẫm. Lý do không phải do người mẹ thiếu sữa mà do bé bú không đủ lượng sữa cần thiết vì tư thế ngậm vú không đúng, bé vừa bú vừa ngủ... Chính vì vậy người mẹ cần được hướng dẫn cách cho con bú ngay từ ngày đầu tiên sau khi sinh.

Cho bé bú sẽ rất đau đớn?

Đúng là những lần đầu cho bé bú sẽ tương đối đau bởi bầu vú của người mẹ chưa có nhiều sữa và bé chưa “học” được cách bú đúng tư thế. Nhưng hiện tượng này sẽ nhanh chóng qua đi khi sữa mẹ đã về tràn trề và bé biết “làm chủ” bầu sữa mẹ. Nếu sau một thời gian mà bạn vẫn cảm thấy đau khi cho bé bú thì có 2 lý do: hoặc là bé vẫn không biết ngậm vú đúng cách, hoặc là bạn đã bị viêm đầu vú. Bạn nên tiếp tục cho bé bú và tư vấn với bác sỹ để điều trị.

Cho bé bú mẹ sẽ vất vả hơn?

Điều này không đúng. Người mẹ có thể cho bé bú mọi lúc, mọi nơi ngay khi bé có nhu cầu mà không cần bất cứ sự chuẩn bị đặc biệt nào, thay vì bú bình sẽ phải tráng rửa bình, cốc, thìa rất mất thời gian và dễ mất vệ sinh, đặc biệt là khi đưa bé đi ra ngoài: không cần mang theo bình sữa, hộp sữa bột...

Mẹ ốm sẽ phải ngừng cho bé bú?

Thường khi người mẹ cảm cúm thì ngay lập tức đứa trẻ đã bị lây nhiễm phần nào. Nếu ngừng không cho bé bú khả năng miễn dịch của trẻ sẽ giảm, trẻ sẽ khó chống đỡ lại bênh tật. Các chuyên gia khuyên các bà mẹ  khi bị ốm nên đi khám để được tư vấn dùng thuốc. Thường thì chỉ có một phần rất nhỏ của thuốc tan vào sữa mẹ nên không ảnh hưởng đến em bé nhưng dù sao các bà mẹ cũng không được tự ý uống thuốc khi không có chỉ định và tiếp tục cho bé bú bình thường.

(Theo Mẹ và bé)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc cơ thể sau sinh