Những vấn đề tế nhị nhưng lại rất phổ biến ở hầu hết các mẹ bầu và sau sinh sẽ được giải đáp dưới đây.
Quá trình mang thai luôn đầy ắp những điều mới lạ, bất thường và đôi khi còn nhiều nỗi xấu hổ và sợ hãi mà mẹ bầu không dám hỏi bác sĩ. Dưới đây là một số vấn đề phổ biến nhất các mẹ bầu hay gặp nhưng vì tính chất riêng tư, tế nhị mà nhiều chị em không tiện kể cho bác sĩ nghe.
1. Có khi nào "đại tiện" ngay trên bàn đẻ không?
Tất nhiên. Đây là một hiện tượng bình thường trong sinh nở. Điều này có thể xảy ra nếu ruột già của bạn đang đầy và bởi vì ruột thẳng ở ngay dưới tử cung, khi bạn "rặn", bạn sẽ tạo ra áp lực xuống khu vực đó. Tuy nhiên, không có gì phải lo lắng hay xấu hổ cả vì không ít chị em gặp tình trạng này. Các bác sĩ và y tá trong phòng hộ sinh đã có kinh nghiệm nhiều năm, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ và thông cảm cho bạn. Chuyện giữ thể diện và sự riêng tư, bí mật cho sản phụ là điều đương nhiên họ vẫn làm. Đây chỉ là một vấn đề nhỏ xíu, bạn nên tập trung vào em bé để ca sinh nở thành công nhé.
2. Sau sinh, âm đạo vẫn bị kéo dãn?
Câu trả lời là không. Âm đạo của người phụ nữ được thiết kế để căng duỗi lúc "vượt cạn" để em bé có thể chui ra ngoài, ngay sau khi sinh xong, âm đạo vẫn còn bị giãn rộng nhưng nó sẽ dần dần quay trở lại kích thước bình thường. Hãy cố gắng tập bài tập siết cơ âm đạo và sàn chậu Kegel thường xuyên, hàng ngày để giúp âm đạo co lại như cũ.
Tập Kegel vừa giúp giảm chứng tiểu không kiểm soát sau sinh, vừa giúp âm đạo co lại như cũ. (Ảnh minh họa)
3. Sau sinh, mẹ sẽ bị chứng tiểu không kiểm soát?
Khả năng kiểm soát tiểu tiện của mẹ sẽ bị giảm sau khi mang thai và sinh nở. Càng gần ngày "lâm bồn", bạn sẽ nhận thấy việc kiểm soát tiểu khó khăn hơn. Trong vòng 6 tuần đến 3 tháng sau sinh, triệu chứng này sẽ giảm đi. Bài tập Kegel cũng rất có ích trong việc giảm thiểu tình trạng này.
4. Chồng tôi sợ việc "yêu" sẽ ảnh hưởng em bé trong bụng. Tôi nên khuyên chồng như thế nào?
Các bác sĩ đều nhất trí rằng em bé đã được bao bọc an toàn trong lớp màng ối ở tử cung nên việc quan hệ không hề gây hại đến bé. Trừ trường hợp mẹ bầu gặp một số vấn đề nghiêm trọng như chảy máu âm đạo, dọa sảy thai,... nên kiêng sinh hoạt vợ chồng.
5. Tại sao quan hệ sau sinh lại bị đau?
Khi bạn vừa sinh xong, có rất nhiều chấn thương cần có thời gian để phục hồi. Đối với nhiều phụ nữ trong thời kì cho con bú, lượng hooc môn trong cơ thể biến đổi dẫn đến các vấn đề về "khô" âm đạo. Hãy thử sử dụng chất bôi trơn khi quan hệ và để cơ thể thoải mái, có thời gian điều chỉnh cho phù hợp với nếp sinh hoạt. Nếu sau vài tháng mà không thấy tình trạng được cải thiện thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Các mẹ bầu nhớ ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, rau quả và uống nhiều nước nhé! (Ảnh minh họa)
6. Hay "xì hơi" và khó tiêu khi mang thai có sao không?
Thay đổi hooc môn khi mang thai làm giảm khả năng hoạt động hiệu quả của bộ máy tiêu hóa. Những bất tiện mà mẹ bầu gặp phải có thể bắt đầu từ buồn nôn, ốm nghén, ợ nóng. 85% phụ nữ mang thai gặp phải những triệu chứng trên. Chúng dần dần có thể chuyển thành tình trạng dư axit, khó tiêu, hoàn toàn là điều bình thường.
Nếu mẹ bầu bị táo bón, hãy ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, rau quả, uống nhiều nước. Với chứng ợ nóng, ăn chia làm nhiều bữa và khẩu phần mỗi bữa ít đi, khi ngủ dùng thêm gối kê đỡ phần đầu.
7. Ra nhiều dịch trong thai kì có là chuyện bình thường?
Đúng. Phụ nữ mang thai có lượng hooc môn luôn biến đổi cực kì thất thường. Thêm vào đó, lưu lượng máu xuống vùng xương chậu lúc này đang tăng. Do đó, gia tăng tiết chất dịch khi có bầu là chuyện bình thường. Nhưng nếu bạn thấy bị đau, rát, ngứa khi dịch tiết ra, hoặc dịch lỏng loãng, có mùi lạ, khó chịu, nên gọi ngay cho bác sĩ. Có thể bạn bị viêm nhiễm hoặc cũng có thể bị vỡ nước ối.