Từ Bắc vào Nam điều trị hiếm muộn, sau 4 năm chị Nguyễn Thị Liên đã sinh được 2 bé song sinh một trai một gái rất kháu khỉnh.
Gian nan 7 lần TT ống nghiệm, 2 lần sảy thai mới có con
Gian nan 12 năm và 4 lần TT ống nghiệm
Nhọc nhằn “xoay tiền” để chữa bệnh
3 tháng quen nhau qua mai mối anh Nguyễn Bá Trường và chị Nguyễn Thị Liên (Yên Phong, Bắc Ninh) đã quyết định "góp gạo thổi cơm chung". Lấy nhau mãi không có con, nhiều người khuyên vợ chồng chị li dị. Chị đi chữa hết thuốc Đông, Tây, Nam, Bắc gần 200 triệu nhưng không có kết quả. Qua lời giới thiệu của người bạn ở Hưng Yên, anh chị tìm đến một bà lang tại đó. Trung bình nửa tháng hết 6-7 triệu tiền thuốc uống, hai vợ chồng chóng mặt vì không xoay sở kịp tiền để theo. Chữa liên tục trong 4 tháng kết quả vẫn bằng là con số 0. Nhiều người kháo nhau ở Bắc Kạn có chỗ chữa hiếm muộn tốt, chị cũng lóc cóc thuê xe lên dò địa chỉ và bốc thuốc điều trị. Nhưng rồi cũng “sôi hỏng bỏng không”.
Chị bỏ cuộc với các bà lang băm và tìm đến một bệnh viện Nam học chữa theo Tây y. Tại bệnh viện, chồng chị được xét nghiệm, tiêm ven, tiêm tĩnh mạch và bắt đầu phác đồ điều trị trong hơn 2 tháng nhưng rồi cũng thất bại. Anh chị đều làm công nhân, lương ba cọc ba đồng nên hàng tháng cứ làm được bao nhiêu là gom góp vào để chữa bệnh.
Nghe nhiều người mách, vào trong Nam cơ hội chữa trị sẽ cao hơn. Anh chị lại đánh liều vun vén tiền của vào đó như một cứu cánh cuối cùng. “Ngày vợ chồng mình chuẩn bị lên tàu, trong túi chỉ vẻn vẹn 20 triệu đồng chắt góp được". Người nhà, họ hàng thân thích lại họp lại mỗi người cho vợ chồng chị một ít. Thế là có một khoản tiền để bắt đầu những tháng ngày điều trị nơi đất khách quê người.
Vợ chồng chị Liên gian nan chữa hiếm muộn suốt 4 năm liền.
Hành trình Nam tiến đầy gian nan
Vào trong Nam, hai vợ chồng ở nhà một người chú họ. Nắng nóng không quen với sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng chị cố gắng chịu đựng suốt thời gian dài, chỉ mong sao con về với gia đình. Con đầu dâu trưởng, bố mẹ nội ngoại cũng sốt ruột lo lắng nhưng không dám giục các con nhiều, chỉ động viên “nếu đau đớn cũng, không được nản lòng ông trời luôn có mắt”.
Chị tâm sự: “Mình vào trước kì kinh 1 tháng nhưng lần đó lại bị chậm. Sốt ruột quá, mình qua phòng khám ở quận 1 để tiêm 1 mũi để ra kinh nguyệt. Tiêm 4 hôm thì bắt đầu đến tháng bị. Vào Nam khoảng 1 tháng, mình làm tất cả các xét nghiệm máu, nội tiết tố. Chồng cũng đi kiểm tra máu và xét nghiệm tinh dịch. Bác sĩ nói, trường hợp mình không thể có thai tự nhiên được mà phải tiến hành làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).”, Liên chia sẻ.
Chị bước vào công cuộc điều trị, kích trứng, đặt phôi và đằng đẵng những tháng ngày chờ đợi. Mỗi lần kích trứng 4 ngày rồi lấy máu xét nghiệm, cứ ròng rã như thế. Kích trứng rồi đợi chờ xem trứng đã đủ trưởng thành chưa, nếu đạt thì đợi tiếp đến ngày thứ 12 để bác sĩ bắt đầu tiêm 1 liều thuốc rụng trứng.
“Mình nhớ như in cảnh đi chọc hút trứng. Nằm lên bàn, y tá chuẩn bị que chọc hút dài. Mình sợ nhưng cố gắng chịu đựng, miệng còn hỏi liên tục: "Phải gây mê xong mới chọc hút hả chị, em sợ đau lắm". Chị y tá hỏi tên tuổi, quê quán, mình run miệng lắp bắp trả lời. Họ tiêm cho 1 mũi vào thẳng tĩnh mạch và ngủ quên đi lúc nào không biết.”, bà mẹ trẻ kể lại.
20 -25 phút sau chị tỉnh dậy và đã thấy mình nằm ở giường chờ. Hôm 29/3 đặt phôi, bác sĩ bảo chị có thể về nhà. Chị trở về căn phòng nhỏ nằm chờ sau 7 hôm thì hồi hộp đi mua que thử. Ngày thứ 12 sau khi chọc phôi, chị thấy 2 vạch mờ. Đến ngày thứ 13 thì 2 vạch đỏ đã đậm lên và chiều hôm đó hai vợ chồng sốt ruột đi xét nghiệm máu luôn. Kết quả xét nghiệm thông báo chị đậu thai.
Hình ảnh đáng yêu về cặp song sinh một trai một gái của mẹ Liên.
Vỡ òa khi biết có bầu đôi
Hai vợ chồng vui mừng cười suốt cả dọc đường về, líu lo đủ thứ chuyện. 3 tuần tiếp theo, anh chị đi siêu âm. Ngỡ ngàng hơn nữa khi kết quả là 2 tim thai.
Vợ chồng chị mừng rỡ như mở cờ và đặt vé máy bay trở về Bắc trong sự ngóng đợi của tất cả họ hàng ruột thịt. Chị bắt đầu kế hoạch chăm sóc thai. Đi lại nhẹ nhàng, kiêng lên xuống cầu thang trong vòng 3 tháng đầu tiên vì sợ sảy. “Người mình trong những ngày ấy như đi trên mây, không dám đi mạnh, không dám đi nhanh. Mọi việc trong nhà may mắn đều được chồng giúp đỡ.”, Liên kể lại.
Chị lên mạng, hỏi người thân về tất cả những gì tốt cho sức khỏe bà bầu: ăn chín, uống sôi, ăn nhiều thịt, cua, cá và rau củ quả... Suốt thời gian thai kì, chị uống hết 40 hộp sữa. Khó khăn không uống được sữa bầu, mỗi lần uống chị phải dùng tay bịt mũi, nín thở. Chị nghén 6 tháng, ăn bao nhiêu cũng nôn ra hết nhưng ơn trời sức khỏe của cả mẹ và con đều vẫn rất tốt.
Khi thai đến tuần thứ 23, chị bắt đầu có hiện tượng đau lưng tím tái. Chồng chị gọi taxi chở đến bệnh viện tỉnh nhưng vì thai đôi, lại “con quý hiếm” nên muốn chuyển chị lên Bệnh viện phụ sản Trung ương. Một ngày ròng rã ở bệnh viện phụ sản Trung ương vật vã đến đêm chị lại tiếp tục có hiện tượng đau lưng. Chị ở viện 1 tuần để điều trị. Lo lắng đôi lúc cũng cảm thấy hoảng loạn vì nhiều ý nghĩ không may mắn.
“Mình về được 4 tuần thì lại có hiện tượng chuyển dạ tiếp và nhập viện sinh con. Bác sĩ chỉ định mổ vì 1 thai nằm ngang và 1 thai ngược khi thai được 36 tuần. Ca mổ thành công 2 con sinh ra khỏe mạnh, bình thường, mỗi bé được 2,1 kg. May mắn cả 2 không phải nằm lồng kính. Trộm vía 1 trai, 1 gái như điểm 10 của cả nhà.”, Liên hạnh phúc khoe.
Bé gái chị đặt tên Nguyễn Thị Quỳnh Chi, bé trai là Nguyễn Bá Nhật Minh. Cả hai tên chị đặt cho con đều gắn với ân nhân đã giúp đỡ chị và kỉ niệm ngày nhọc nhằn nơi đất khách. Hiện tại hai bé được 6 tháng tuổi và đang phát triển rất tốt.
Mời các mẹ tham gia chia sẻ, tìm kiếm những kinh nghiệm, bí quyết hữu ích khi mang bầu, nuôi con nhỏ tại Hội các mẹ yêu con nhé! |