Những triệu chứng hầu hết mẹ nào cũng gặp phải sau ca sinh thường là âm đạo rộng hơn, khô âm đạo và gặp khó khăn với việc “yêu” lại.
Khi sinh nở, em bé đi qua cổ tử cung của mẹ và ra ngoài qua ống sinh. Khi đó, cửa âm đạo phải căng ra để em bé đi qua một cách dễ dàng, đôi khi phần ngăn cách giữa âm đạo và hậu môn còn bị rách hoặc rạch do bác sĩ chỉ định để em bé được ra ngoài dễ dàng hơn. Những tác động này sau ca sinh đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến vùng kín, và những triệu chứng mẹ thường xuyên gặp phải đó là tình trạng khô hạn, đau khi quan hệ tình dục hay rò rỉ nước tiểu…
Dưới đây là 4 hậu quả phổ biến hầu hết chị em nào cũng gặp phải sau khi trải qua ca sinh thường.
Tình trạng khô hạn trong âm đạo
Đây là hiện tượng bình thường và khá phổ biến sau khi sinh nở. Nguyên nhân là do mức độ hormone estrogen thấp hơn thời kỳ mang thai. Trong thời gian cho con bú, nồng độ estrogen sẽ thấp hơn so với cả người bình thường vì vậy sẽ gây ra tình trạng khô hạn ở âm đạo. Tin tốt lành là sau sinh, tình trạng này sẽ dần được cải thiện.
Nếu khô hạn kéo dài, gây phiền hà đến cuộc sống của bạn, chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được sử dụng những loại thuốc phù hợp. Nếu tình trạng này ảnh hưởng đến cuộc yêu của hai vợ chồng, mẹ có thể sử dụng chất bôi trơn ở các cửa hàng thuốc. Chị em cũng nên chia sẻ vấn đề này với người bạn đời để nhận được sự cảm thông và thấu hiểu.
Nguyên nhân khiến vùng kín khô hạn sau sinh là do mức độ hormone estrogen thấp hơn thời kỳ mang thai. (ảnh minh họa)
Âm đạo rộng hơn
Theo tiến sĩ Suzy Elneil, chuyên gia tư vấn tại Bệnh viện Đại học College, London: “Âm đạo sẽ có cảm giác lỏng hơn, mềm hơn và thường xuyên “mở” sau khi mẹ sinh con.”. Ngay sau sinh, mẹ còn nhận thấy triệu chứng sưng hay bầm tím ở vùng kín, đây là những dấu tích để lại sau ca sinh và sẽ biến mất sau 1-2 tuần.
Điều đáng buồn là âm đạo sẽ không bao giờ trở lại được kích thước hoàn toàn so với thời chưa bầu bí nhưng các mẹ đừng quá lo lắng. “Chúng tôi luôn khuyên phụ nữ sau sinh nên tập các bài tập cho vùng sản chậu (bài tập Kegel), sẽ giúp săn chắc cơ bắp âm đạo và cơ xương chậu của bạn. Việc làm này cũng giúp sản phụ ngăn ngừa nguy cơ bị tiểu không tự chủ (rò rỉ nước tiểu) và giúp âm đạo có cảm giác chặt chẽ hơn.”, tiến sĩ Suzy Elneil nói.
Đau nhức ở vết khâu tầng sinh môn
Tiến sĩ Elneil cũng chia sẻ thêm: “Sau sinh, các khu vực quanh âm đạo có thể sẽ có cảm giác đau đớn. Tuy nhiên hiện tượng này sẽ được cải thiện trong vòng 6-12 tuần. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh các sản phụ nên cố gắng tập các bài tập sàn chậu, rất tốt cho việc phục hồi vùng kín.”
Đáy chậu của mẹ có thể sẽ rất đau đớn nhất là với những mẹ bị rạch tầng sinh môn. Lúc này, mẹ có thể sử dụng thuốc giảm đau để giải quyết trước mắt. Thêm nữa, chị em cần ghi nhớ phải giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thay băng vệ sinh thường xuyên và tắm bằng vòi hoa sen chứ không nên ngâm mình trong bồn tắm đề phòng ngừa nguy cơ viêm nhiễm.
Nếu mẹ vẫn cảm thấy vùng kín ngày một đau đớn và nhận thấy những mùi hôi lạ, có thể mẹ đã bị viêm nhiễm và cần đến gặp bác sĩ ngay.
Không có một khoảng thời gian nhất định nào cho việc mẹ có thể quan hệ tình dục lại sau sinh, chỉ cần bạn đã sẵn sàng là được. (ảnh minh họa)
Đau khi “yêu” sau sinh
Không có một khoảng thời gian nhất định nào cho việc mẹ có thể quan hệ tình dục lại sau sinh, chỉ cần bạn đã sẵn sàng là được. Mẹ cần ghi nhớ là không được vội vàng và cần chuẩn bị cả về mặt tâm lý. Nếu âm đạo bị khô, mẹ hãy thử một loại chất bôi trơn.
Mẹ cần hiểu rằng sau ca sinh nở, vùng kín đang bị tổn thương khá nặng, cộng với việc chăm con sẽ khiến các mẹ mệt mỏi nhiều, vì vậy đứng quá ép mình nếu chưa thực sự sẵn sàng. Chị em cũng nên chia sẻ với chồng về thực trạng hiện tại của mình để anh xã hiểu và được cảm thông. Mẹ cũng cần ghi nhớ việc áp dụng các biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn.