Quả bưởi với hương vị thơm ngon, có nhiều thành phần dinh dưỡng giá trị. Không chỉ có phần múi trong quả bưởi mà các thành phần khác như vỏ, cùi, hạt bưởi đều có thể trở thành những vị thuốc quý.
1. Tác dụng của vỏ quả bưởi
Vỏ bưởi là phần vỏ ngoài thường có màu vàng hoặc xanh của quả bưởi, có thể lẫn một ít cùi bưởi. Nếu biết cách sử dụng, phần tưởng chừng vô ích này của quả bưởi này lại có những tác dụng không ngờ.
Vỏ bưởi trong Đông y được gọi với tên dữu bì hay dữu tử bì. Đây là vị thuốc có vị cay, ngọt, đắng, tính ấm, quy kinh tỳ, phế và thận. Vỏ bưởi có tác dụng khoan trung lý khí, tiêu thực, hóa đàm, chỉ khái bình suyễn, thường được sử dụng trong điều trị các chứng khí uất khiến cho trong ngực cảm thấy bí bách khó chịu, đau bụng, đau dạ dày do lạnh, trị thức ăn lâu tiêu, tích trệ, ho hen, tiêu chảy…
Trước đây, vỏ bưởi thường được dùng để đun nước gội đầu giúp tóc bóng, chắc mượt hơn, tóc mọc nhanh hơn. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu hiện đại, phần vỏ của các giống bưởi đều chứa flavonoid như rutin và hesperidin, đóng vai trò quan trọng trong khả năng chống oxy hóa.
Ngoài ra, vỏ bưởi còn chứa nhiều naringenin có tác dụng chống viêm và chống ung thư. Bên cạnh đó, vỏ bưởi còn chứa nhiều canxi, phốt pho, giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương, đồng thời ổn định thần kinh, cải thiện giấc ngủ.
Cách dùng: Vỏ bưởi ngoài dùng để gội đầu, hoặc đun nước giúp hỗ trợ điều trị ho, viêm họng; đun cùng gừng để hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy bụng…
Vỏ quả bưởi có tác dụng chống viêm và chống ung thư.
2. Cùi bưởi trị ho
Bên cạnh phần múi bưởi thường được sử dụng làm đồ ăn, cùi bưởi qua chế biến cũng có thể trở thành chè bưởi - một món ăn quen thuộc với nhiều người. Cùi bưởi nấu nước, cho thêm một chút mật ong, muối còn là một bài thuốc giảm ho hiệu quả.
Cùi bưởi có vị cay ngọt hơi đắng, tính ấm. Trong cùi bưởi, đặc biệt là cùi bưởi tươi có chứa nhiều pectin. Pectin trong cùi bưởi có tác dụng giúp hạn chế hấp thu chất béo, giảm mỡ máu, vì vậy cùi bưởi cũng thường được chế biến thành trà với tác dụng giảm cân, hạ mỡ máu. Không chỉ có vậy, chất nhầy pectin trong cùi bưởi còn rất hiệu quả trong việc bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp hỗ trợ điều trị cơn đau dạ dày.
Cách dùng: Cùi bưởi có rất nhiều phương pháp chế biến để hỗ trợ sức khỏe như cùi bưởi tươi ngâm với mật ong để trị ho, viêm họng; cùi bưởi khô hoặc tươi đem hãm nước uống để giảm cân, hoặc nấu cùng cháo đậu xanh để hỗ trợ tiêu hóa…
3. Múi bưởi giảm ho, giải nhiệt...
Phần múi là phần chính của quả bưởi, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Phần múi bưởi có vị chua ngọt, tính lạnh, có tác dụng giảm ho, trị hen, giải nhiệt, hóa đàm, kiện tỳ tiêu thực, giải rượu, trừ phiền.
Theo các tài liệu Đông y, bưởi có thể dùng cho các trường hợp bụng đầy, ăn uống kém, miệng nhạt ở phụ nữ mang thai, cảm mạo ho, đờm nhiều, khó thở, đầy bụng, say rượu.
Bưởi rất giàu dinh dưỡng, chứa nhiều protein, đường, acid hữu cơ, tiền vitamin A, vitamin B1, B2, C, P, cùng các khoáng chất như canxi, phốt pho, magiê, natri.
Theo các nghiên cứu hiện đại, múi bưởi còn rất giàu các hợp chất tương tự insulin, qua đó ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi có thể giúp hạ đường huyết, giảm mỡ máu, là một loại quả rất phù hợp với những bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì.
Quả bưởi còn là loại trái cây giúp tăng sức đề kháng, giúp ngăn ngừa thiếu máu ở phụ nữ mang thai, ăn bưởi còn giúp làm giảm độ nhớt của máu, giảm nguy cơ huyết khối và đột quỵ.
Cách dùng: Múi bưởi ngoài cách ăn trực tiếp còn có thể sử dụng dưới dạng nước ép, kết hợp với các loại rau củ làm salad, đó là những cách chế biến mới lạ mà vẫn giữ được tác dụng của bưởi với sức khỏe.
4. Hạt bưởi kích thích tiêu hóa
Bên cạnh phần vỏ, cùi và múi, trong quả bưởi có hạt bưởi cũng là một vị thuốc quý. Hạt bưởi đã được nhiều tài liệu Đông y ghi chép về các tác dụng với sức khỏe. Hạt bưởi còn gọi là dữu hạch, có vị đắng, tính ấm, quy kinh can. Hạt bưởi có các tác dụng sơ can lý khí, tuyên phế chỉ khái.
Tương tự cùi bưởi, hạt bưởi cũng rất giàu pectin, có tác dụng như kích thích tiêu hóa, giảm đau dạ dày, giảm béo, hỗ trợ điều trị rối loạn chuyển hóa lipid. Hạt bưởi cũng là thành phần quan trọng trong các bài thuốc truyền thống với các tác dụng điều trị hóc xương cá, điều trị gai đâm, trị bệnh chốc đầu ở trẻ em, trị ho, tăng sức đề kháng, trị các chứng phong thấp gây đau xương khớp, hạn chế vận động, trị chứng sán khí…
Cách dùng: Hạt bưởi có thể dùng nấu hoặc ngâm nước uống giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngâm lấy chất nhầy (pectin) để làm gel trị viêm loét dạ dày hoặc có thể phơi khô, xay thành bột pha với nước hoặc thêm vào các loại cháo, sinh tố…
Bên cạnh các bộ phận của quả bưởi đã nói ở trên, nhiều thành phần khác của cây bưởi như hoa bưởi, lá bưởi, gai bưởi… đều là những vị thuốc quý, được sử dụng lâu đời trong phòng và điều trị bệnh tật. |