5 năm chữa hiếm muộn bằng đông y không hiệu quả, vợ chồng chị T. L quyết định tìm tới tây y và may mắn đã mỉm cười với họ trong lần đầu tiên tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.
5 năm miệt mài trong hành trình tìm con, có những lúc mệt mỏi với những tiếng xì xào của người xung quanh nhưng không vì điều đó mà chị T. L (Bình Dương) nản lòng. Sau những khó khăn, vất vả, sự mong ngóng từng ngày, cuối cùng trái ngọt đã đến với vợ chồng chị khi cặp song sinh cất tiếng khóc chào đời.
Chị T. L với cặp song sinh sau 5 năm tìm kiếm vất vả.
5 năm hiếm muộn, tủi thân khi bị người xung quanh nói "móc"
Kết hôn vào năm 2011 nhưng mãi đến đầu năm 2017, chị T.L mới được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ. 5 năm trên chặng đường tìm con gian nan, đến bây giờ khi nhớ lại chị vẫn chưa thôi tự trách bản thân đã đi thụ tinh trong ống nghiệm quá muộn.
Chị L. cho biết ban đầu chị luôn nghĩ vợ chồng muộn con là do nội tiết chị kém, thêm nữa chị bị buồng trứng đa nang. Vậy là hễ nghe ở đâu có thầy đông y chữa tốt, chị lại tìm đến đó, bắt mạch kê đơn. 5 năm miệt mài theo đông y, tìm đến 5-6 thầy điều trị nhưng vẫn không có kết quả, cuối cùng vợ chồng chị đã quyết định đặt niềm hy vọng cuối cùng của mình vào tây y.
Bây giờ nghĩ lại mình hối hận vì đã không tiến hành IVF sớm, có lẽ con mình bây giờ đã lớn nhưng đôi lúc nghĩ đó là “cái số” của mình “chắc tại tới đó mới có được con”.
Eva.vn
”"Ban đầu mình nghĩ vợ chồng muộn con là do mình vì mình bị buồng trứng đa nang nhưng sau đó khi khám, chồng mình cũng tinh trùng yếu, hình dạng bình thường chỉ có 1% thôi. Vậy là cách cuối cùng để vợ chồng mình có con là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)”, Chị L. chia sẻ.
5 năm chữa bằng đông y không có kết quả, có nhiều lúc chị mệt mỏi, căng thẳng, áp lực với những lời nói của mọi người xung quanh. 5 năm, không biết bao nhiêu lần chị phải giấu những giọt nước mắt, giấu gương mặt buồn rười rượi của mình khi nhìn thấy bạn bè hạnh phúc bên con cái.
Đặc biệt, chị vẫn “cắn răng” chịu đựng những lời nói làm mình tổn thương của mọi người xung quanh khi không hiểu chuyện, nào là “2 vợ chồng ham ăn ham chơi quá không chịu sinh con”, rồi những lời trách móc “ai bảo không sinh sớm đi”.
Ông xã giúp chị chăm sóc con.
Ốm nghén 5 tháng, ngày ói hơn chục lần, tụt mất 5kg
Nhớ lại những ngày đầu đi tiến hành IVF, đến bây giờ cảm xúc bất ngờ xen lẫn hạnh phúc trong chị vẫn còn nguyên vẹn bởi trước đó chị luôn nghĩ sẽ không thành công với 2 phôi này.
“Tiến hành IVF trong vòng 1 tháng, mình chọc được 31 trứng tạo ra 15 phôi ngày 3 nhưng nuôi đến ngày 5 chỉ còn 1 phôi loại 2 và 1 phôi loại 3. Lúc đó mình nghĩ khả năng không đậu vì nhiều người loại 1 còn không được. Thế nhưng may mắn đã mỉm cười với mình ngay lần đầu tiến hành phương pháp này, cả 2 phôi đều đậu”.
Hạnh phúc khi may mắn đã mỉm cười với vợ chồng sau bao năm mong ngóng con nhưng cũng từ đó, chị bước vào một hành trình mới cũng lo lắng, thấp thỏm giống như 5 năm trước đó.
Chồng chị ấp kangaroo cho bé.
Chị kể lại thời gian mang thai "kinh hoàng" của bản thân: “Giai đoạn mang thai, mình nằm suốt, mệt dữ lắm. Ốm nghén hơn người ta gần 5 tháng. 23 tuần 3 ngày mình vẫn còn ớn, chỉ bớt ói thôi. Trong đầu nghĩ món ăn là mình ói, có ngày ói mười mấy lần, tụt mất 5kg.
Hết thời gian nghén, mặc dù thèm ăn nhưng bụng lớn, căng lại phải nằm một chỗ, không tiêu hóa được nên thèm ăn đến mấy mình cũng không ăn được, thở không nổi, chỉ uống sữa tươi không đường và trái cây”.
Bác sĩ làm hết cách giữ “mẹ tròn con vuông”
Đối với nhiều bà mẹ mang thai khá nhẹ nhàng nhưng đối với chị L., chị không chỉ khó khăn trong hành trình tìm kiếm con mà còn khó trong cả quá trình giữ thai bởi chị có thể sinh vào bất cứ lúc nào sau 23 tuần. Thậm chí, để giữ 2 bé an toàn, từ khâu eo tử cung, đặt vòng nâng đến đặt thuốc, các bác sĩ đều đã làm hết cách.
“14 tuần, cổ tử cung mình còn 30mm đến 17 tuần khám lại cổ tử cung còn 27mm. Bác sĩ phải chỉ định khâu eo cổ tử cung cho mình. Tới 23 tuần 3 ngày, mình đi siêu âm thì cổ tử cung chỉ còn 12mm bị hở chữ V có thể sinh bất cứ lúc nào, bác sĩ phải cho nhập viện.
Sau đó, bác đặt thêm vòng nâng, ngày đặt 2 viên thuốc và tiêm 2 ống progesterone dưỡng thai. Bác sĩ nói hết cách luôn rồi, mình cố gắng phấn đấu 28 tuần, còn nếu 24-25 tuần không được bắt buộc lấy em bé ra vì có nguy cơ bị vỡ tử cung.
Thời gian đó nhập viện mình khóc hoài, nằm bất động trên giường, đi vệ sinh hay ăn chồng cũng phải giúp hết. Hạn chế đi lại nên 2 ngày mình mới đi lau người hoặc tắm một lần, mà tắm trong chớp nhoáng luôn.
Cặp song sinh nhà chị T. L sinh non ở tuần thứ 30 phải nằm lồng kính nửa tháng.
25 tuần đi đo gò trong bụng, mình phải truyền hết hơn chục lọ mới hết gò. Đến 26-27 tuần siêu âm, đo gò lên tới 100, lại phải truyền thuốc tiếp. Cũng mừng mình hợp thuốc nên xuống cơn gò.
Hồi đó, ngày nào ông xã cũng đi lên lầu 3 đem nước thắp hương, niệm Phật rồi đem nước xuống cho mình uống. Tới tuần 29 mình bắt đầu gò tiếp và truyền thêm 1 đợt atosiban tổng cộng là 30 lọ. Tới 30 tuần 2 ngày, mình không giữ được nữa.”, chị L. kể lại.
“Đứt ruột” khi nhìn con bé xíu, nằm lồng kính
Lo lắng cho sự an toàn của các con nên từ lúc vỡ ối lên bàn mổ đến khi sinh, chị L. khóc suốt. Có lẽ mai sau già đi, chị cũng không thể nào quên được khoảnh khắc hạnh phúc khi sinh thường, nắm tay y tá khóc khi nghe các con lần lượt cất tiếng khóc chào đời. Cái khoảnh khắc mà chị đã chờ đợi 5 năm qua khiến chị trân trọng nó hơn bao giờ hết.
Lúc nhận con rồi ấp kangaroo cho con, thấy con nhỏ xíu mình thương lắm, nhìn thấy tội, đau đứt ruột, tự trách sao cơ địa mình không giữ em bé ráng vài tuần nữa.
Eva.vn
”“Mình cấp cứu ở Từ Dũ, bác sĩ tháo vòng nâng mình nghĩ mổ là chắc nhưng bác sĩ lại cho sinh thường. Nhìn 2 bé run khóc, mình chỉ biết khóc vì thấy con sinh non nhỏ xíu, yếu ớt.
Sinh xong 2 vợ chồng về phòng hồi sức lại buồn hơn vì người ta có con chăm còn vợ chồng mình không có. Ngày nào, ông xã cũng canh đến giờ thăm con, còn mình thì không được vì sợ bế sản dịch sau sinh. Ông xã lên thăm chỉ thở dài vì dây dợ, máy móc quá trời”, chị L. chia sẻ.
Được biết, 2 bé nhà chị L. sau sinh nặng lần lượt 1,3kg, 1,4kg phải nằm lồng kính nửa tháng. Mặc dù hạnh phúc khi “mẹ tròn con vuông” nhưng đến bây giờ chị vẫn không thôi lo lắng cho các con. Đối với chị, 2 bé khỏe mạnh, lanh lợi là mong ước lớn nhất hiện tại.
“Mẹ yêu các con nhiều lắm, yêu hơn chính bản thân mẹ”, chị L. nhắn nhủ.