Mỗi lần nhìn thấy bóng dáng chị hàng xóm, chồng lại thở dài thườn thượt rồi hất hàm bảo tôi “vợ nhìn mà học tập”.
Hai tháng trước, bố mẹ chồng mua cho chúng tôi căn hộ ở khu chung cư mới. Tuần đầu chuyển về đây, chồng tôi đã đi ngoại giao với tất cả hàng xóm láng giềng. Khi về, thấy anh hồ hởi kể có một chị là giáo viên dạy yoga, mang thai đúng bằng tháng với tôi, dự sinh cũng chỉ sau tôi một vài ngày.
Đang thao thao bất tuyệt, bỗng dưng chồng khựng lại: “Mà khoan, sao có bầu bằng tháng mà chị Lan vẫn gọn gàng, chồng nhìn còn tưởng chỉ béo bụng, mà vợ thì… đến lúc đi đẻ chắc tròn trăm cân”. Nói rồi, chồng lắc đầu nguầy nguậy khiến tôi tức điên.
Cùng bầu bí mà chồng khen chị hàng xóm bầu đẹp khiến tôi giận luôn chồng. (Ảnh minh họa)
Cũng vì thấy chồng khen tấm tắc “chị Lan bầu đẹp” mà tôi cũng tò mò theo. Một hôm, khi đang đi mua đồ ăn vặt, vợ chồng tôi bước vào thang máy thì gặp chị. Dù có bầu ở tuổi U40 nhưng chị Lan vẫn đẹp, dáng cao ráo, nước da trắng ngần, đặc biệt dù mang thai tháng thứ 7 nhưng để ý không kỹ cũng chẳng ai biết chị có bầu.
Hỏi han nhau vài câu, tôi mắt chữ A, mồm chữ O vì chỉ cách nhau một vài ngày mà em bé của chị cân còn nặng hơn cả con tôi nữa. Chồng tôi thấy vợ mặt xị ra thì bụm miệng cười.
Lên đến nhà, đóng cửa vào chồng tôi cười ha ha: “Vợ thấy chưa, chị Lan bầu bằng vợ mà người ta đẹp, người ta xinh. Tay chị ấy chỉ bằng nửa tay vợ, còn chân thì… chân vợ chẳng khác nào cái cột đình, vợ chỉ hẩy một phát chắc chị Lan bay ra khỏi thang máy”.
Đáp lại giọng cười khả ố của chồng, tôi tức giận vào trong phòng đóng cửa đánh rầm một cái. Chồng vẫn chưa chịu buông tha mà tiếp tục “xát muối” vào lòng tôi: “Lần sau gặp chị Lan vợ né ra, chị ấy đi thang máy vợ vào thang bộ mà đi, chứ vợ đứng cạnh chị Lan buồn cười lắm, đến chồng còn chẳng nhịn được cười, trông như hà mã vậy vợ ơi”.
Tôi nghĩ lại thời con gái chỉ nặng vừa tròn 50kg, cơ thể cân đối. Chẳng hiểu yêu ông chồng hợp vía thế nào cán mốc 60kg. Lúc có bầu thì cân nặng tăng “phi mã” bởi lúc nào tôi cũng trong tình trạng thèm ăn mọi thứ, ăn cả thế giới cũng không xoa dịu được sự thèm thuồng.
Chuyện một mình ăn hết một con gà, lát sau ăn thêm bát phở, sau nữa ăn thêm hoa quả, đến lúc đi ngủ vẫn uống thêm cốc sữa chưa no của tôi được chồng đi rêu rao khắp “làng trên xóm dưới”. Cũng vì liên tục thèm ăn mà đến tháng thứ 7 thai kỳ, tôi đã tăng 25kg, dự kiến đến gần ngày sinh, cân nặng còn tăng cao hơn nữa.
Soi mình trong gương, tôi không khỏi giật mình ngỡ đâu như… lão Trư tái thế, da đen sạm, mặt đầy mụn, mũi đã nở to, bụng siêu khủng còn chân thì… chỉ có thể đi loại dép tổ ong cỡ to nhất mà thôi.
Buồn vì nghĩ mình xấu, chồng chê, chồng chỉ biết khen chị hàng xóm đẹp, tôi rơm rơm nước mắt. Tôi bỏ ăn tối, bỏ ăn sáng hôm sau khiến chồng tôi lo sốt vó: “Làm sao? Có chuyện gì mà vợ không ăn miếng nào? Vợ thích ăn gì chồng mua, ăn gì cũng được, không ăn làm sao có sức vợ ơi”.
Tôi đáp lại lời chồng bằng sự im lặng. Cả ngày hôm sau chồng đi làm cũng không yên, cứ được một lúc lại nhắn tin, gọi điện dặn dò tôi chuyện ăn uống đầy đủ. Nhưng tôi, nghĩ về cái thân hình hộ pháp chẳng thiết ăn uống gì.
Tối muộn, chồng về nhà, bụng tôi đói cồn cào, tôi bước ra bếp nhưng bị choáng, suýt ngất xỉu khiến chồng tôi hoảng loạn, vừa đỡ vợ vẫn không quên đùa “xém thì sập cái ghế” làm tôi vừa bực vừa không nhịn nổi cười.
Thấy tôi dằn dỗi mặt như cái bánh tráng ngâm nước, chồng gặng hỏi: “Thế có chuyện gì? Làm sao mà từ hôm qua tới giờ vợ cứ lầm lì thế? Nói chồng nghe xem, ai làm gì vợ?”.
Tôi chỉ thẳng vào chồng rồi òa khóc: “Tại chồng chê vợ xấu, nói vợ to như con hà mã, vợ như Trư Bát Giới, còn chị Lan thì đẹp thế kia cơ mà”.
Thì ra chồng khen chị hàng xóm bầu đẹp đều có nguyên do và muốn tốt cho vợ. (Ảnh minh họa)
Chợt hiểu ra vấn đề, chồng tôi bật cười ha hả rồi xoa bụng tôi nói: “Thôi mà, chồng cũng đùa hơi vô duyên, nhưng sự thật thì vợ tăng cân nhiều quá, đi đẻ khéo chồng phải thuê cả người khiêng đi mất thôi. Chồng chỉ sợ vợ tăng cân như thế này, lúc sinh nở nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con, chứ chồng không so sánh, chỉ muốn vợ thấy nhiều người khác mang thai rất gọn gàng, khỏe mạnh, mình cũng nên học hỏi để tốt cho sức khỏe”.
Lời chồng nói nghe cũng hợp tình, hợp lý, nhưng riêng cái khoản khen vợ hàng xóm thì kiểu gì nhân cơ hội này tôi cũng phải “xử đẹp” cho chừa!
Nguy cơ khi tăng cân quá nhiều trong thai kỳ?
Phụ nữ mang thai nếu tăng cân quá nhiều trong thai kỳ sẽ đối diện với những nguy hại cho sức khỏe như:
Các vấn đề khó chịu trong thai kỳ: Khi cân nặng tăng gây áp lực lên toàn bộ cơ thể khiến máu khó lưu thông, dễ bị chuột rút, đau lưng, đau chân, đau nhức các khớp hay ợ chua…
Dễ mắc bệnh tiểu đường: Phụ nữ trong thai kỳ nếu tăng cân quá nhiều cũng dễ mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không thể sản xuất đủ insulin để cân bằng lượng glucose trong máu.
Có thể gặp biến chứng khi sinh nở: Rất nhiều bà mẹ khi tăng cân quá nhiều phải làm các xét nghiệm vì bác sĩ lo ngại nguy cơ tiền sản giật khi sinh nở. Chưa kể nếu mẹ bầu quá lớn, em bé tăng cân nhiều cũng khiến quá trình chuyển dạ trở nên khó khăn hơn.
Sau sinh mẹ mất nhiều thời gian giảm cân hơn: Sau khi sinh, mẹ sẽ mất nhiều thời gian giảm cân để trở về cân nặng ban đầu.
Mặc dù tăng cân quá nhiều khi mang thai không được khuyến khích, tuy nhiên nhiều mẹ bầu vẫn có quan niệm ăn cho con. Mang thai không đồng nghĩa với việc bạn phải ăn thêm cho 2 người. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, phụ nữ không cần ăn thêm calo, trong tam cá nguyệt thứ 2, mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 340 calo và trong tam cá nguyệt thứ 3 chỉ cần thêm 450 calo là đủ. Số calo này tương đương một bữa ăn nhẹ như ăn các loại hạt, sữa chua hoặc hoa quả.
Cân nặng được khuyến cáo tăng đối với mẹ bầu khoảng từ 11,3 - 16 kg với thai phụ có cân nặng trung bình, khoảng 7 - 11,3 kg với thai phụ thừa cân trước khi mang thai. Ngoài ra, quá trình mang thai nếu khỏe mạnh bình thường, bạn cũng nên vận động nhẹ nhàng để cơ thể dẻo dai hơn.