Khi các bác sĩ mổ đẻ, bé trai ra đời nặng 1kg mềm nhũn, phản xạ và trương lực cơ yếu, khóc rên. Sự lo lắng hiện rõ trên nét mặt của cả kíp mổ ngày 2/8/2018.
Em bé 32 tuần tuổi vỏn vẹn 1kg, mẹ nguy kịch vì bệnh lý tiền sản giật
Mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) vừa cấp cứu thành công ca sản phụ có bệnh lý tiền sản giật, suy thai mạn tính cần phải đưa em bé ra sớm.
Theo các bác sĩ của bệnh viện thì trước đó sản phụ T.M.Y (huyện Chương Mỹ - Tp. Hà Nội) không đi khám thai theo đúng lịch hẹn, hơn hai tuần sau đến gặp bác sỹ để khám thai thì phát hiện ra em bé bị chậm tăng trưởng trong tử cung (một tình trạng thai thiếu dinh dưỡng mạn tính và lúc đó em bé có nguy cơ chết lưu – bác sĩ giải thích). Sau khi siêu âm kết quả cho thấy doppler động mạch rốn của em bé có RI = 1 nếu không đưa em bé ra đúng thời điểm thì chắc chắn thai sẽ chết lưu.
Có không ít trường hợp dù mẹ ăn đủ các loại đồ ăn bổ dưỡng nhưng thai nhi vẫn chậm phát triển. (Ảnh minh họa)
Nhận thấy nhiều nguy cơ có thể xảy ra, sau khi siêu âm bác sỹ Phạm Ngọc Hà – Khoa sản II – Bệnh viện Thanh Nhàn là người trực tiếp phát hiện và theo dõi thai kỳ sản phụ đã hội chẩn với các bác sĩ trong các khoa phòng cùng đưa ra chỉ định theo dõi sát sao đối với trường hợp này. Sản phụ được giải thích đầy đủ về tình trạng của thai, em bé khi đó 32 tuần cân nặng 1kg (rất nhỏ). Và tình trạng của sản phụ có biểu hiện bệnh lý tiền sản giật rất nguy hiểm: Huyết áp cao 145/90 - protein niệu 3g – phù – albumin máu giảm.
Sau khi nằm theo dõi tại bệnh viện gần một tuần, bác sĩ nhận thấy thai nhi có dấu hiệu xấu đi, chỉ số doppler động mạch rốn xuất hiện dòng chảy đảo chiều, suy thai chuyển sang một mức độ mới cần phải đưa em bé ra sớm.
Vào ngày 2/8, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật để đưa em bé ra ngoài. Cũng theo Bác sĩ Hà chia sẻ: “Đêm trước ngày dự kiến mổ bác sĩ không ngủ nổi vì lo lắng, rất sợ diễn tiến xấu bất ngờ xảy đến không thể giữ được em bé mặc dù trên lý thuyết thì em bé vẫn có thể chống chịu được”.
Khi các bác sĩ mổ lấy ra bé trai nặng 1 kg mềm nhũn, phản xạ và trương lực cơ yếu, khóc rên (Ảnh: BVCC)
Đây cũng được coi là ca đẻ đặc biệt do đó phải kêu gọi sự phối hợp giúp đỡ của ba chuyên khoa bao gồm, khoa sản II – khoa gây mê hồi sức và một ekip các bác sĩ sơ sinh, chính vì có sự hợp lực đó nên mọi phương án hồi sức và cấp cứu được đưa ra nhanh nhất.
Sản phụ được chuyển lên phòng mổ cấp cứu. Đồng hồ điểm 9h45p cùng ngày cũng là lúc ca mổ được tiến hành, mọi thao tác thực hiện phẫu thuật cấp cứu được các bác sỹ phối hợp nhịp nhàng. Được biết, trong quá trình tiếp nhận, hội chẩn đến mổ cấp cứu lấy thai chỉ có hơn 15 phút, các bác sĩ đã mổ lấy ra bé nam nặng 1kg mềm nhũn, phản xạ và trương lực cơ yếu, khóc rên. Sự lo lắng lúc này hiện rõ trên nét mặt của các bác sỹ thuộc kíp mổ.
Ngay lập tức em bé được ekip gây mê hồi sức và sơ sinh phối hợp cấp cứu. Một mặt các bác sĩ cho đặt nội khí quản hút dịch đường thở, bộ phận còn lại lấy đường truyền hồi sức. “Năm phút sau em bé hồng hào, bàn tay nắm lại cùng lúc đôi chân bé xíu cũng bắt đầu có biểu hiện quẫy đạp, mắt còn mở ti hí như muốn nhìn các bác. Thật sự lúc đó hạnh phúc lắm, em bé chào đời được khoảng 1kg thôi nhưng “ngon” đấy!” – Bác sỹ Phạm Ngọc Hà hài hước kể lại.
Như phương án đã đề ra trước đó, để đảm bảo điều trị tốt nhất cho bé, ngay lập tức sau khi hồi sức – bác sĩ cùng ekip sơ sinh đã vận chuyển em bé sang bệnh viện nhi Trung ương. Sự di chuyển được diễn ra “thần tốc”, bởi lúc bấy giờ tính mạng em bé được các bác sỹ đặt lên trên hết.
Sau 4 tháng chào đời, em bé đã phát triển bình thường, không có các biến chứng xấu của em bé non tháng như bệnh màng trong, xuất huyết não (Ảnh: BVCC)
Chuyên gia khuyến cáo
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Bích – Trưởng sản II – Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Thai chậm tăng trưởng trong tử cung (gọi tắt là IUGR –intrauterine growth restriction) là tình trạng em bé bị giới hạn sự tăng trưởng trong tử cung.
Với tình trạng này, kích cỡ của thai nhi thông thường sẽ nhỏ hơn nhiều kích cỡ trung bình theo độ tuổi của thai – và những trường hợp như thế này em bé có nguy cơ chết lưu trong quý cuối của thai kỳ.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Bích. |
Hiện nay em bé của sản phụ T.M.Y đang phát triển bình thường, không có các biến chứng xấu của em bé non tháng như bệnh màng trong, xuất huyết não…do đã được tiêm thuốc trưởng thành phổi và truyền thuốc bảo vệ não bộ trước khi sinh. Đây là trường hợp đặc biệt hiếm gặp nhưng hệ quả xấu - nếu không mổ cấp cứu kịp thời và đúng thời điểm thai nhi sẽ chết lưu.
Trong quá trình theo dõi thai kỳ, các bác sỹ phải cân nhắc và đưa quyết định lấy thai ra vào thời điểm nào là hợp lý vì thai vừa nhẹ cân, non tháng.
Trong quá trình điều trị nếu tình trạng tiền sản giật của mẹ nặng lên hoặc thai nhi có biểu hiện suy thì phải can thiệp ngay.
Tùy từng trường hợp thai chậm tăng trưởng trong tử cung mà thai nhi có thể tử vong ngay trong bụng mẹ nếu không được phát hiện sớm. Chưa kể sản phụ Y. còn có biểu hiện bệnh lý tiền sản giật. Vì thế nên khi phát hiện sản phụ bị thai chậm tăng trưởng trong tử cung thì biện pháp phẫu thuật cứu thai nhi là ưu việt nhất.
Lời khuyên cho các sản phụ đó là cần khám thai định kỳ đúng lịch hẹn tại cơ sở khám thai có uy tín có bác sĩ với trình độ siêu âm thai chuyên sâu để sớm phát hiện ra những trường hợp bệnh lý nguy hiểm để không sảy ra điều đáng tiếc.