“Những em bé được sinh ra 2 lần” – khái niệm tưởng như đùa nhưng một số ít em bé trên thế giới đã chào đời theo cách này nhờ những tiến bộ trong ngành y khoa.
Nếu bạn không tin có những em bé chào đời tới 2 lần thì những câu chuyện thực tế dưới đây chắc chắn sẽ củng cố niềm tin cho bạn và có thể sẽ mang đến những niềm hy vọng cho những bà mẹ không may gặp những rắc rối tương tự trong thai kỳ.
Thai nhi được phẫu thuật cắt bỏ bào thai ký sinh khác ở tháng thứ 6
Keri Mc Cartney và chồng sống tại Laredo, bang Texas, Mỹ khi siêu âm đã phát hiện thấy đứa con trong bụng của họ có một phần thịt hay khối u nhỏ ở phần xương cụt. Họ đã đi khám và các bác sĩ nhanh chóng phát hiện ra khối u này gắn với phần xương cụt của thai nhi. Nó làm hao tổn lượng máu cung cấp cho cơ thể thai nhi và có thể khiến cho bé bị chết. Do đó, họ đã quyết định tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối u này.
Hình ảnh thai nhi và khối u ký sinh trong tử cung bà mẹ Keri Mc Cartney
Em bé sau đó đã được đưa ra ngoài tử cung phẫu thuật rồi lại được đặt vào bụng mẹ chờ ngày sinh nở.
Tuy nhiên, khi phẫu thuật, các bác sĩ ngạc nhiên thấy phần mà họ cho là khối u thực ra là một bào thai song sinh với cô bé. Bào thai này đã hình thành tới 80% hình dạng và vẫn đang tiếp tục phát triển. Đây thực chất là một dạng thai đôi, song một trong hai đứa bé song sinh lại nằm ngay trên cơ thể của đứa em mình.
Em bé bên bố mẹ và bác sĩ phẫu thuật khi mới chào đời.
Hiện tại bé Macie Hope Mc Cartney lớn lên khỏe mạnh và rất đáng yêu.
Các bác sĩ đã buộc phải loại bỏ thai nhi gắn trên cơ thể bào thai chính, sau đó đưa bào thai trở lại bụng mẹ, chờ đến khi sinh nở. Đứa bé này đã ra đời an toàn 10 tuần sau đó vào ngày 3/5/2008 trong niềm hạnh phúc của cha mẹ và được đặt tên là Macie Hope Mc Cartney.
Thai nhi được đưa ra khỏi bụng mẹ phẫu thuật sau đó đặt lại chờ đủ ngày tháng sinh nở
Một trường hợp thai nhi sinh ra 2 lần nữa là em bé ở Trung Quốc. Sản phụ có tên Zhang, 32 tuổi ở Hubei khi đang mang bầu 31 tuần thì phát hiện bất thường ở thai nhi. Vì không thể đợi bé ra đời mới tiến hành làm phẫu thuật nên buộc các bác sĩ đã phải thực hiện ca phẫu thuật hy hữu khi đưa bé ra khỏi tử cung của mẹ, thực hiện phẫu thuật, sau đó đưa lại vào bụng mẹ để tiếp tục nuôi dưỡng cho đủ tháng đủ ngày trước khi chào đời.
Sau khi phẫu thuật và đưa em bé vào tử cung, các bác sỹ bơm lại nước ối để tiếp tục nhiệm vụ bao bọc. Quá trình này diễn ra vô cùng khó khăn và các bác sĩ đã chấp nhận có thể không thành công và đưa em bé ra ngoài nuôi dưỡng như một ca sinh non. Tuy nhiên, may mắn đã đến và sau đó em bé đã tiếp tục nuôi dưỡng trong tử cung, chờ ngày chào đời.
Phẫu thuật cắt bỏ khối u ở miệng cho thai nhi
Vào năm 2013 khi đang mang bầu ở tuần 12 thai kỳ, bà mẹ Lesly Leiva đã nhận được hung tin khủng khiếp khi các bác sĩ phát hiện em bé trong bụng có một khối u lớn mọc ra từ miệng.
Hình ảnh khối u ở miệng thai nhi.
“Các bác sĩ cho biết em bé có cơ hội sống rất thấp và sẽ không thể tồn tại trước khi được sinh ra.”, mẹ Leiva kể lại. Sau thời gian đó, bà mẹ 23 tuổi đã đến gặp một chuyên gia khoa sản tại bệnh viện Nhi Philadelphia và chính vị bác sĩ này đã tạo cho cô niềm hy vọng về sự sống của em bé trong bụng.
Sau khi chào đời, em bé có sức khỏe tốt.
Và vào tháng 10/2013, ở tuần 35 thai kỳ, tiến sĩ Holly Hedrick đã thực hiện một ca phẫu thuật cực hiếm ngay trong tử cung của Leiva để loại bỏ khối u trên miệng thai nhi. “Em bé có thể sẽ không sống sót nếu khối u không được loại bỏ bởi sẽ gây tắc đường thở.”, tiến sĩ Hedrick nói.
Em bé Lilly Flores sau đó đã chào đời đúng ngày tháng với sức khỏe hoàn toàn bình thường. “Hiện tại bé Lilly đã được 3 tuổi, phát triển tốt. Bé có thể ăn, uống và thở bằng miệng dù có vết sẹo lớn ở vùng này. Bé cũng đang lớn và có chiều cao tốt giống như bạn bè của cô bé. Sự sống của em bé đúng là một phép màu.”, mẹ Leiva hạnh phúc nói.
Hình ảnh hiện tại của em bé bên mẹ.
Phẫu thuật khi thai nhi còn trong bụng mẹ
Một trường hợp thai nhi được phẫu thuật ngay trong bụng mẹ nữa là trường hợp của bệnh nhân Kylie Bowlen khi đang mang thai đến tuần thứ 22.
Thai nhi trong bụng của mẹ Kylie bị nhau thai cuốn chặt lấy hai chân, khiến cho máu không lưu thông được, ngăn cản quá trình phát triển của đôi chân. Vì vậy các bác sĩ buộc phải tiến hành phẫu thuật cắt nhau thai cuốn quanh chân thai nhi vì nếu không, đứa bé sẽ bị hỏng chân hoàn toàn.
Hình ảnh bé Leah Bowlen bên bố mẹ.
Bác sĩ đã phải sử dụng một chiếc kính nhỏ đường kính khoảng 2mm đặt trong bụng người mẹ, sau đó dùng tia laze và dòng điện để cắt dây cuốn quanh chân trái. Bên chân phải đã bị thương tổn và không thể phẫu thuật ngay được. Do đó họ phải đợi cho đến khi đứa bé chào đời mới tiến hành phẫu thuật tiếp. Bốn ngày sau khi em bé được sinh ra, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật phục hồi chân phải cho bé và ca phẫu thuật may mắn đã thành công.