Dù sinh non hay bị dị tật bẩm sinh với cơ hội tồn tại không cao nhưng những em bé này đã sống sót kỳ diệu nhờ được bọc kịp thời trong những chiếc túi nhựa hay màng bọc thực phẩm.
Bé sinh non 0,8kg sống sót nhờ… chiếc túi nhựa
Sinh non là nỗi ám ảnh của tất cả các mẹ bầu, tuy nhiên không phải ai cũng có may mắn có thai kỳ 9 tháng khỏe mạnh và trọn vẹn. Rất nhiều bà mẹ đã mất con do sinh non nhưng cũng có không ít trường hợp sinh non vẫn cứu được em bé và bé sơ sinh người Úc Lennox là một trong số đó.
Lennox được đặt vào túi nhựa ngay khi lọt lòng mẹ.
lennox chào đời ở tuần 25 thai kỳ và ngay sau đó đã được các bác sĩ thuộc Bệnh viện Royal Women ở Melbourne, Úc đặt trong một chiếc túi nhựa để giúp điều chỉnh thân nhiệt, ngăn ngừa cơ thể bị hạ nhiệt trước khi bé được đưa đến lồng ấp. Theo các bác sĩ, việc đặt trẻ sinh non trong túi nhựa là phương pháp phổ biến do bé chưa thể tự giữ ấm được cho cơ thể.
Em bé may mắn sống sót trước sự ngạc nhiên của cả gia đình và y bác sĩ.
Sau khi chào đời, bé Lennox đã có 111 ngày nằm tại bệnh viện Royal Women để tiếp tục nuôi trong lồng ấp trước khi được về nhà với bố mẹ. Những em bé sinh non ở giai đoạn này chỉ có cơ hội sống sót khoảng 50%. Và sự chiến đấu dũng cảm dành lại sự sống của bé Lennox với mẹ Lilly Munro như một điều kỳ diệu.
Bé sinh non nặng 0,5kg vấn sống sót nhờ được đặt trong túi nhựa
Một trường hợp sinh non nữa cũng đã vượt qua cửa ải tử thần nhờ được đặt kịp thời trong chiếc túi nhựa đó là bé Pixie Griffiths-Grant (Anh). Sinh non sớm 3 tháng bằng phương pháp mổ lấy thai, bé Pixie Griffiths-Grant chỉ nhỏ không bằng bàn tay của người mẹ, nặng 0,5kg và đã được các bác sĩ dự đoán là sẽ không thể sống sót quá 1 giờ sau khi chào đời.
Dù sinh non 3 tháng và được dự đoán có thể tồn tại chỉ sau 1 giờ nhưng bé Pixie Griffiths-Grant vẫn sống sót kỳ diệu.
Pixie Griffiths-Grant được đặt trong chiếc túi nhựa để giữ ấm cơ thể.
Ngay khi lọt lòng mẹ, bé còn phải đối mặt với bệnh nhiễm trùng và phải truyền máu để kéo dài sự sống. Tuy nhiên, một điều kỳ diệu đã xảy ra khi em bé được các bác sĩ đặt vào chiếc túi nhựa Tesco để giữ ấm cơ thể. Thật không ngờ, chiếc túi nhựa Tesco lại có tác dụng thần kỳ đến vậy và hiện tại bé Pixie Griffiths-Grant đã được 5 tháng tuổi, đang sống cùng gia đình và có sức khỏe hoàn toàn ổn định.
Ruột và bàng quang nằm bên ngoài cơ thể, em bé vẫn sống khỏe mạnh
Em bé Jack Hearne (Anh) chào đời với căn bệnh dị tật bẩm sinh hiếm gặp có tên gastroschisis, khiến 2 cơ quan quan trọng trong bụng là ruột và bàng quang nằm không đúng vị trí. Chính màng bọc thực phẩm đã cứu sống bé để sau 4 tháng, khi được các bác sĩ phẫu thuật đưa những bộ phận vào đúng vị trí, bé đã trở thành một em bé kháu khỉnh, khỏe mạnh và đã được trở về nhà cùng bố mẹ và anh chị em.
Nội tạng nằm bên ngoài cơ thể của em bé được bọc bằng màng bọc thực phẩm ngay sau sinh.
Chia sẻ về ca sinh con này, mẹ Hearne, 38 tuổi cho biết: “Khi siêu âm thai ở tuần 20, tôi được các bác sĩ thông báo bé Jack mắc dị tật hiếm gặp gastroschisis. Tôi đã khóc rất nhiều và sụp đổ, sợ hãi. Tuy nhiên, khi con cất tiếng khóc chào đời, tôi lại cảm thấy rất nhẹ nhõm. Một nhóm các bác sĩ đã chuẩn bị sẵn sàng để bọc em bé vào màng bọc thực phẩm và đưa đến trung tâm chăm sóc chuyên sâu để tiến hành phẫu thuật.”
Rất may mắn, ca phẫu thuật cho bé Jack Hearne đã thành công tốt đẹp và các bác sĩ đã đưa hết những bộ phận bên ngoài cơ thể vào trong bụng bé. Vết sẹo trên bụng bé cũng rất nhỏ và nếu không để ý, nhiều người sẽ không nhận ra.
Chiếc túi nhựa giúp nội tạng của em bé không bị nhiễm trùng.
Để thực hiện nhét bàng quang và ruột vào bụng, các bác sĩ đã thực hiện 2 ca phẫu thuật. Lần đầu, họ chỉ đặt được 2/3 các bộ phận lồi ra ngoài của Jack vào trong bụng. Ca phẫu thuật lần 2, các bác sĩ đã tiến hành treo phần bộ phận còn lại trong 1 cái túi trên dạ dày với hy vọng chúng sẽ trở về đúng vị trí.
Hiện tại, bé Jack đã được 4 tháng tuổi, có sức khỏe hoàn toàn bình thường, rất kháu khỉnh và đáng yêu.
Mẹ cãi lời bác sĩ để giữ con và may mắn em bé sống sót nhờ được đặt trong túi silo
Một trường hợp em bé chào đời với hội chứng gastroschisis khác đó là bé Teddy (Australia). Mẹ của em bé, chị Holly Hodgson phát hiện thai nhi trong bụng bị dị tật bẩm sinh khi siêu âm vào tuần thứ 12. Qua siêu âm thai, bác sĩ cho biết ruột của em bé nằm ngoài cơ thể qua một lỗ nhỏ ở bụng.
Bé Teddy cũng sống sót kỳ diệu nhờ được bọc trong màng bọc thực phẩm.
Khi đó, bác sĩ đã khuyên cô và chồng nên từ bỏ đứa bé trong bụng vì ông từng gặp 3 trường hợp tương tự như vậy. Theo bác sĩ này, Hodgson nên phá thai để tìm hiểu rõ hơn về dị tật và tránh những rủi ro về sau.
Tuy nhiên, hai vợ chồng Holly quyết định giữ đứa bé vì đây là con đầu của họ. Sau khi tìm hiểu một số nghiên cứu trực tuyến, cặp vợ chồng trẻ ngạc nhiên khi phát hiện 95% bé sơ sinh được chẩn đoán có ruột rơi khỏi bụng vẫn có khả năng sống sót.
Hiện tại bé Teddy có sức khỏe hoàn toàn bình thường.
Bé Teddy của vợ chồng Hodgson chào đời ngày 14/12/2015. Các bác sĩ đã đặt túi silo chứa nội tạng nằm ngoài ổ bụng trong gần hai tuần để dạ dày của em phát triển và các cơ quan có thể đưa trở lại vào bên trong. Trong khoảng thời gian này, Hodgson rất lo lắng vì Teddy còn quá nhỏ. Nhưng cuối cùng, em bé đã vượt qua khó khăn và được xuất viện 8 tuần sau khi chào đời.
Hội chứng gastroschisis, hay còn gọi là tật nứt bụng là một khuyết tật bẩm sinh trong đó có trẻ sơ sinh được sinh ra với tất cả hay một phần ruột non nằm ngoài ổ bụng, có sự phát triển bất thường ở phần cơ bụng. Ở những bà mẹ trẻ, những người sử dụng các loại thuốc bừa bãi trong thời kỳ mang thai hoặc những người hút thuốc có nguy cơ cao sinh ra những em bé bị nhiễm bệnh nứt bụng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp họ không biết nguyên nhân gì đã khiến em bé sinh ra với dị tật này.
Tỷ lệ trẻ sinh ra với hội chứng gastroschisis cũng khá hiếm, chỉ khoảng 1/3.000 ca mỗi năm ở Anh. Trước ca sinh này, y học thế giới cũng đã ghi nhận một số trường hợp trẻ sơ sinh chào đời với nội tạng nằm ngoài cơ thể và may mắn đều sống sót.