Mặc dù sinh muộn đi đôi với không ít rủi ro, nhưng mẹ bầu không nên quá lo lắng nếu ngày dự kiến sinh qua đi mà chưa thấy có dấu hiệu sắp sinh.
Dưới đây là những việc mẹ bầu nên làm nếu rơi vào hoàn cảnh trên.
1. Không nên quá lo lắng
Dù sắp qua hoặc đã qua vài ngày dự kiến sinh, nhưng bạn không nên quá lo lắng, dẫn đến stress. Thay vào đó, hãy để suy nghĩ hướng đến những điều tích cực.
Có thể tham khảo vài gợi ý dưới đây để đầu óc luôn “bận rộn”, tránh suy nghĩ tiêu cực. Ví như đọc cuốn sách bạn thích mà trước đây chưa có thời gian, không nhất thiết phải là sách làm mẹ, sách về trẻ nhỏ. Đi làm móng, viết một bức thư cho con nói về ước mơ, hy vọng của bạn dành cho chúng.
Hay hẹn hò với ông xã, nói chuyện với mẹ, hỏi bà về câu chuyện sinh nở ngày xưa. Lựa chọn bọ đồ phù hợp để đi sinh, hoặc chọn quần áo cho con ngay khi chào đời. Tận dụng thời gian vui chơi với bạn bè hoặc đơn giản là nghỉ ngơi, thư giãn.
Sau 42 tuần mà chưa có dấu hiệu sinh, mẹ bầu cần kiểm tra siêu âm liên tục 2-3 ngày/lần. (Ảnh minh họa)
2. Nhớ rằng ngày sinh bác sỹ đưa ra chỉ là dự kiến
Thông thường, thai nhi cần 38 tuần trong bụng mẹ để phát triển hoàn thiện, nhưng một vài trường hợp rất khó chẩn đoán chính xác khi nào quá trình mang thai bắt đầu. Do đó, bác sỹ chỉ dựa vào ngày cuối cùng của chu kỳ để tính tuổi thai nhi, thêm vào đó 280 ngày hoặc 40 tuần để đưa ra ngày dự kiến sinh.
Bạn có thể sinh muộn nếu đây là lần đầu mang thai hoặc từng sinh muộn trước đó. Có tiền sử trong gia đình sinh muộn hoặc chính bản thân bạn trước kia chào đời muộn.
3. Hiểu rõ những nguy cơ nếu sinh muộn
Nếu chạm ngưỡng tuần thứ 40, bác sỹ sẽ yêu cầu theo dõi thai nhi kỹ lưỡng hơn. Hai tuần sau ngày dự kiến sinh mà chưa có dấu hiệu lâm bồn đồng nghĩa bạn phải đối mặt với một số rủi ro. Sau tuần 42, thai nhi có nguy cơ gặp vấn đề thần kinh cao gấp 2 lần so với bình thường.
Ngoài ra, trẻ sinh muộn còn gặp phải rủi ro về hệ hô hấp, chậm phát triển…
4. Trao đổi với bác sỹ
Nên trao đổi thẳng thắn với bác sỹ về việc sinh muộn để đưa ra quyết định sinh thường hay mổ. Dù sinh theo hình thức nào, sau tuần thứ 40, mẹ bầu cần chắc chắn phải siêu âm theo dõi thai 2-3 ngày/lần.