Sản phụ Q. bị vỡ tử cung do chửa góc sừng tử cung bên trái vỡ khi đang mang thai 24 tuần. Sau khi lấy ra 500 ml máu loãng cùng 50 gram máu cục, các bác sĩ đã phải cắt tử cung bán phần.
Khai thác bệnh sử thì được biết, sản phụ Nguyễn Thị Q. sinh năm 1984, ở Trường Sơn, An Lão, Hải Phòng có thai lần 5 đã được 24 tuần. Hai lần mang thai đầu, chị sinh thường được 2 đứa con. Hai lần mang thai tiếp theo chị đểu phải mổ vì thai ngoài tử cung.
Ngày 21/5, chị được đưa vào Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng trong tình trạng đau bụng dữ dội, chảy máu trong. Qua thăm khám bác sĩ hội chẩn thai phụ bị vỡ tử cung do tiếp tục chửa ngoài tử cung.
Bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ mổ cấp cứu. Kíp mổ đã lấy thai, cắt tử cung bán phần và lấy ra 500 ml máu loãng cùng 50 gram máu cục. Sản phụ được truyền 350 ml máu. Thai nhi quá nhỏ, không thể giữ được. Sau mổ, bệnh nhân hiện ổn định, được theo dõi tại phòng hậu phẫu.
Kíp mổ đã lấy thai, cắt tử cung bán phần và lấy ra 500 ml máu loãng cùng 50 gram máu cục
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương, người mổ cho sản phụ cho biết, đây là ca hiếm gặp, bệnh nhân có thai trong buồng tử cung và có cả thai ngoài tử cung. Khi thai ngoài tử cung (góc sừng trái) phát triển to, dẫn đến vỡ đồng thời làm vỡ tử cung. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất cứ thai phụ nào.
"Đây là trường hợp hiếm gặp trong sản khoa, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng", bác sĩ Phương cho biết.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng vỡ tử cung, có thể vỡ tự nhiên do bà bầu có sẹo mổ cũ ở tử cung, trước đó nạo phá thai nhiều lần, sinh đa thai, có khối u tiền đạo…
Thai sừng thường phát triển đến khi thai khoảng 3-4 tháng mới bắt đầu vỡ, trong khi thai ngoài tử cung bình thường hay vỡ lúc 1,5 đến 2,5 tháng. Thai càng to khi vỡ càng gây mất máu nhiều, đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Hơn nữa, sừng tử cung là một nơi quy tụ mạch máu lớn của tử cung, khi vỡ sẽ gây chảy máu ồ ạt.
Khi bị vỡ tử cung, các bà bầu thường có các triệu chứng như: đau bụng xảy ra đột ngột ở vùng giữa tử cung (thường ở vị trí vết mổ cũ), đôi khi đau có thể lan tỏa toàn bụng, đau càng ngày càng tăng, có thể đi kèm với dấu hiệu choáng váng (da mặt tái nhợt, nhịp thở nhanh, thở nông, vã mồ hôi, mạch nhanh…).
Sau mổ, bệnh nhân hiện ổn định, được theo dõi tại phòng hậu phẫu
Tử cung không còn hình dạng ban đầu, có thể sờ thấy các phần thai ngay dưới thành bụng. Trong cơn cơ, thai phụ nhìn trên bụng thấy tử cung co lại, nổi lên trên da bụng. Một triệu chứng khác thường thấy khi bà bầu bị vỡ tử cung, đó là ra máu âm đạo.
Vỡ tử cung là tai biến đặc biệt nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời có thể gây tử vong cả mẹ và thai nhi. Vì vậy các bà bầu cần phải đi khám và làm xét nghiệm đầy đủ để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi cũng như theo dõi tình trạng của cơ thể để có biện pháp xử lý thích hợp.
Những trường hợp có tiền sử sinh nhiều con, khi có quyết định sinh thêm em bé cần tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa. Trong thai kỳ nếu biết vị trí thai nằm ở góc sừng tử cung, thường bác sĩ chỉ định chủ động đình chỉ thai kỳ, tránh trường hợp thai phát triển to gây vỡ tử cung.