Mang thai, sinh con là hành trình tuyệt vời và cũng đầy nhọc nhằn của người mẹ. Dù muốn có con ở độ tuổi nào, 20, 30 hay 40, thì các bà mẹ nhất định phải biết những điều này.
Ở độ tuổi 20
Cơ thể: Đây là độ tuổi mà cơ thể bạn ở trạng thái tốt và nhiều năng lượng nhất và đã sẵn sàng cho hành trình làm mẹ. Mang thai ở độ tuổi này có thể giảm nguy cơ ung thư vú và buồng trứng về sau, càng ít mắc những chứng bệnh trong thai kỳ như tiểu đường hoặc tiền sản giật. Đồng thời, việc thụ thai sẽ dễ dàng hơn, nguy cơ sảy thai chỉ ở mức dưới 12%.
Theo CDC (trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ), độ tuổi có thai trung bình ở phụ nữ là 26 tuổi.
Cảm xúc của bản thân: Việc mang thai trong những năm này sẽ khiến bạn phải cân nhắc nhiều điều. Thân hình tuổi đôi mươi có còn đẹp, vấn đề công việc, gia đình, tiền bạc,… Việc có em bé cần được suy nghĩ cẩn thận.
Em bé của bạn: Trứng của bạn còn tương đối trẻ, nên em bé phần lớn sẽ ít có khả năng mắc các dị tật bẩm sinh do bất thường nhiễm sắc thể, như là hội chứng Down.
"Đôi mươi" là độ tuổi lý tưởng nhất cho việc mang thai
Ở độ tuổi 30
Cơ thể: Khả năng sinh sản bắt đầu giảm ở tuổi 30, đặc biệt là sau 35 tuổi, do trứng đã già đi gây khó khăn hơn trong việc thụ tinh. Nguy cơ mắc các chứng huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ sẽ tăng lên và bạn phải thường xuyên đi kiểm tra hơn. Cùng với đó, khả năng mổ đẻ ở phụ nữ tuổi từ 35 – 40 tuổi cao hơn nhiều so với độ tuổi 20, tỷ lệ vô sinh cũng như sảy thai tăng cao đến 25%.
Cảm xúc của bản thân: Ở độ tuổi này, bạn đã có thể thấy yên tâm phần nào về gia đình, công việc. Bạn bè của bạn, những người đã mang thai trước và có kinh nghiệm sinh nở, có thể sẽ là những người hỗ trợ tuyệt vời cho bạn.
Em bé của bạn: Sau tuổi 35, nguy cơ em bé khi sinh ra mắc hội chứng Down tăng lên, ngang bằng với nguy cơ sảy thai. Tuy nhiên, có rất nhiều em bé được sinh ra khỏe mạnh khi mẹ ở độ tuổi 30, nên bạn cũng đừng quá lo lắng.
Ở độ tuổi 40
Cơ thể: Bạn nên chú ý đặc biệt đến cơ thể và sức khỏe bản thân khi có con ở độ tuổi này, bởi cơ hội thụ thai thấp và tỷ lệ sảy thai ở thời kì này lên đến 51%, cùng với nguy cơ mắc cao huyết áp, tiền sản giật, các vấn đề về nhau thai hoặc tiểu đường. Vì cơ thể không còn sung sức như lứa đôi mươi nữa, nên việc mang thai sẽ dễ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đuối sức.
Khi đã đến ngưỡng "tứ tuần", bạn sẽ thấy việc mang thai mệt mỏi hơn rất nhiều
Cảm xúc của bản thân: Bạn sẽ thấy lo lắng cho sức khỏe của thai nhi cũng như bản thân mình, tuy nhiên, bởi độ tuổi đã quá “chín muồi”, trưởng thành và giàu kinh nghiệm, nên bạn cảm thấy việc nuôi dạy con trẻ, công việc, gia đình, … không quá khó khăn. Tuy nhiên, hãy chuẩn bị tâm lý cho sự thật rằng bạn “đã già” để nuôi con, khi con của bạn bè bạn tung tăng đến trường, thậm chí sắp lập gia đình, thì con bạn mới đang “ẵm ngửa”.
Em bé của bạn: Sảy thai cùng với nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh về nhiễm sắc thể tăng rất cao khi mà bạn đang ở tuổi “tứ tuần” và lớn hơn. Nhưng khả năng mang thai đôi hoặc ba cao hơn so với các thai phụ trẻ do nội tiết tố thay đổi, sẽ có nhiều hơn một trứng chín và rụng.