Sẩy thai luôn để lại nỗi đau không nhỏ với chị em phụ nữ, nhưng đừng vì vậy mà bỏ lỡ cơ hội săn 1 bé “Ngựa vàng”, bạn nhé!
Sau khi sẩy thai 1 lần, đặc biệt với những chị em từng bị sẩy thai liên tiếp nhiều lần, việc thụ thai lại và dưỡng thai khỏe mạnh trở thành mối lo lắng, bận tâm hàng đầu. Tìm hiểu rõ nguyên nhân cũng như các vấn đề liên quan đến sẩy thai sẽ giúp chị em chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho lần thụ thai tiếp theo, nhờ đó tránh được áp lực tâm lý không đáng có trên hành trình tìm kiếm 1 cô bé hay cậu bé “Ngựa vàng” cực đáng yêu trong năm mới sắp tới.
Sẩy thai: Vì đâu nên nỗi?
Kỳ mang thai đầu tiên nào cũng dễ bị sẩy hơn những kỳ thai sau, với tỷ lệ sẩy thai là 1/3 (hình minh họa)
Sẩy thai tự nhiên là hiện tượng bào thai bị tống xuất ra khỏi buồng tử cung trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Có khoảng 10 – 20% ca mang thai kết thúc bằng sẩy thai, con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều trường hợp sẩy thai xảy ra rất sớm trong thai kỳ, trước khi người mẹ nhận ra mình đang mang thai. Sẩy thai cũng dễ gặp ở lần mang thai đầu tiên hơn những kỳ thai sau.
Đa số các lần sẩy thai sớm là do thai nhi không phát triển bình thường hoặc do bào thai không thể làm tổ được ở thành tử cung. Các vấn đề về nhiễm sắc thể ở gen bé, lỗi xảy ra trong quá trình phân chia và phát triển phôi thai v.v… gây nên tình trạng thai bất thường, và bị cơ thể mẹ tự đào thải. Sẩy thai cũng có thể xuất phát từ người mẹ, như mẹ bị bệnh tiểu đường, bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, gặp các vấn đề ở tử cung, cổ tử cung như tử cung có u xơ lớn, cổ tử cung không đóng kín …, tuổi tác của người mẹ ( chị em ở tuổi 20 – 30 có 15% nguy cơ sẩy thai, tuổi 35 là 1/4 ca mang thai và trên 40 là gần 1/3), hay mất cân bằng hormone (chiếm đến 80% nguyên nhân gây sẩy thai tái phát) v.v… Các yếu tố gây sẩy thai từ phía người cha bao gồm: tinh dịch bất thường hoặc có nhóm máu không tương hợp, làm cho cơ thể mẹ sản xuất ra kháng thể kháng với máu của thai nhi, kết quả là các kháng thể này tấn công và tiêu diệt bào thai. Tuy nhiên, cũng có đến 15% phụ nữ bị chậm kinh khoảng 5 -6 tuần và được xác định có thai bằng siêu âm nhưng sau đó đã bị sẩy mà không xác định được lý do nào rõ rệt.
Trong các trường hợp sẩy thai, sẩy thai do bất thường nhiễm sắc thể chiếm đến 70%, và thường xảy ra ở cha mẹ có nhiễm sắc đồ hoàn toàn bình thường. Vì vậy, những bất thường ở nhiễm sắc thể gây sẩy thai không chứng tỏ cha mẹ có bệnh hay dị tật và có thể phòng tránh được. Sẩy thai trong trường hợp này chỉ là 1 tai biến của sự thụ tinh do trứng bất thường cần được loại bỏ 1 cách tự nhiên. Trong lần mang thai sau cũng có thể tái diễn sự cố này nhưng không nên vì thế mà bạn tỏ ra thất vọng, hãy kiên nhẫn chờ đợi vì có đến 80% chị em có thai bình thường sau 2 lần sẩy thai liên tiếp.
Liệu có tiếp tục bị sẩy thai?
Hầu hết chị em từng bị sẩy thai lần đầu sẽ có 1 thai kỳ khỏe mạnh trong lần bầu bí sau này (hình minh họa)
Một tin mừng cho chị em nào đã từng bị sẩy thai, đó là sẩy thai thường chỉ xảy ra 1 lần, và hay xảy ra trong lần mang thai đầu tiên, khi tử cung chưa trưởng thành nên cần được thử sức trước khi đủ khả năng mang bào thai cho đến ngày sinh. Hầu hết chị em từng bị sẩy thai đều có 1 thai kỳ khỏe mạnh sau này, chỉ có ít hơn 5% chị em bị sẩy thai liên tiếp 2 lần, khoảng 1% chị em bị sẩy thai liên tiếp từ 3 lần trở lên.
Có thể biết trước nguy cơ sẩy thai ở lần mang bầu tiếp theo?
Có nhiều cách để đề phòng và dự liệu khả năng sẩy ở lần mang thai tiếp bằng các xét nghiệm chuyên môn. Một trong những xét nghiệm phổ biến là kiểm tra nồng độ LH, hay còn gọi là nội tiết tố luteinizing, 1 nội tiết tố kiểm tra các nội tiết tố khác có quan hệ đến việc mang thai, bao gồm cả estrogen. Nếu nồng độ LH quá cao trước lúc rụng trứng sẽ làm gia tăng nguy cơ sẩy thai.
Ngoài ra, xét nghiệm nồng độ progesteron kết hợp siêu âm qua ngã âm đạo, siêu âm tử cung, xét nghiệm hormone HCG (là loại hormone chỉ xuất hiện khi mang thai), xét nghiệm mức protein MIC 1 trong máu thai phụ v.v… cũng có thể chẩn đoán được nguy cơ sẩy thai ở lần mang bầu tiếp theo.
Thời điểm lý tưởng để thụ thai lại
Có thai lại vừa mang đến nhiều niềm vui vừa làm chị em lo lắng không yên vì nguy cơ bị mất bé yêu lần nữa (hình minh họa)
Thông thường, cơ thể người phụ nữ cần tối thiểu từ 4 - 6 tháng để phục hồi lại như cũ sau lần sẩy thai vừa qua. Đồng thời, đây chính là khoảng thời gian cần thiết để chị em ổn định lại tâm lý sau sang chấn đau buồn do sẩy thai gây ra. Vì vậy mà Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã khuyến cáo chị em nên chờ ít nhất là 6 tháng trước khi cố gắng thụ thai lại.
Tuy vậy, những nghiên cứu khác lại cho thấy nhiều bằng chứng về việc những phụ nữ thụ thai trong vòng 6 tháng sau khi bị sẩy lần đầu tiên sẽ có ít biến chứng trong thai kỳ hơn so với những người chờ đợi thời gian lâu hơn mới thụ thai. Do đó, nếu bạn cảm thấy đã sẵn sàng cho việc mang thai sau khi sẩy thai lần đầu, hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cặn kẽ hơn. Còn nếu đã từng trải qua ít nhất 2 lần sẩy thai, nên chờ ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm trước khi quyết định thụ thai lại, vì trong khoảng thời gian này bạn cần làm các xét nghiệm, thăm khám cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp.
Để có thai kỳ khỏe mạnh sau khi sẩy thai
Theo thống kê, có khoảng 60 – 70% chị em bị sẩy thai tái phát có được thai kỳ khỏe mạnh sau đó. Vì vậy, nếu “đồng cảnh ngộ” trong trường hợp này, bạn hãy thở phào để tâm lý nhẹ nhõm hơn, đồng thời bắt tay ngay vào việc chăm sóc sức khỏe cho cả 2 mẹ con trước và trong suốt kỳ bầu bí.
Duy trì 1 lối sống lành mạnh trước và sau khi thụ thai có thể giúp giữ sức khỏe, sự an toàn cho bạn và bé yêu. Trước khi quyết định mang thai, hãy bổ sung các vitamin và dưỡng chất thiết yếu như axit folic, choline, sắt v.v… để ngăn ngừa các dị tật ở thai nhi, đồng thời tránh xa rượu, thuốc lá, cà phê, trà và các chất kích thích khác suốt thai kỳ.
Bổ sung axit folic trước thụ thai 3 tháng và trong thai kỳ sẽ giúp mẹ bầu ngăn ngừa được các khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi, vì thế cũng giảm bớt nguy cơ gây sẩy thai cho bé (hình minh họa)
Giữ cân nặng lý tưởng bằng việc tập luyện cơ thể nhẹ nhàng như bơi lội, Yoga, đi bộ v.v…; xây dựng thực đơn giàu chất dinh dưỡng, ít calo; tham gia các lớp học tiền sản cùng “anh xã” để chuẩn bị cho lần vượt cạn sắp đến; cẩn trọng khi bị bệnh hay phải sử dụng bất cứ loại thuốc nào; hạn chế tối đa việc dùng các sản phẩm chứa hóa chất như sơn móng tay, nhuộm, uốn tóc, kem dưỡng da, luôn để tâm trí thoát khỏi căng thẳng, lo âu v.v…là những cách hay để sớm chào đón “thiên thần nhỏ” trong vòng tay hạnh phúc của 2 vợ chồng.
Đối diện với nỗi lo sẩy thai lần nữa
Đây thật sự là nỗi lo lắng đến “mất ăn mất ngủ” của những mẹ bầu đã từng phải trải qua đau đớn do sẩy thai làm mất con. Tuy nhiên, càng lo lắng, căng thẳng và áp lực, bạn càng làm tăng nguy cơ sẩy thai lần nữa. Vì vậy, hãy tâm sự với chồng, người thân hay bạn bè để vơi bớt lo âu không cần thiết. Tham gia 1 lớp tiền sản để cùng trò chuyện với những mẹ bầu khác, tự thưởng cho mình những giây phút thư giãn tại Spa, đọc sách, nghe nhạc v.v… sẽ giúp tâm lý chị em thoải mái hơn, nhờ đó âu lo cũng giảm dần. Nếu vẫn cảm thấy ám ảnh nặng nề về lần sẩy thai trước, mẹ bầu nên đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.