Có hai lần sinh đầu suôn sẻ, bà mẹ này không ngờ lần sinh thứ 3 đã suýt đưa cô đến "cửa tử".
Hiện nay, Kirrily Azzi (39 tuổi, sống tại New South Wales) là một bà mẹ hạnh phúc với 3 đứa con khỏe mạnh. Vậy nhưng chỉ cách đây 9 tuần, cô đã suýt mất mạng khi thai kỳ thứ 3 xảy ra biến chứng.
Ngay từ những ngày đầu tiên mang thai lần 3, Kirrily đã gặp vấn đề về y tế. Ban đầu, cô được chẩn đoán bị nhau cài răng lược, một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi nhau thai phát triển quá sâu vào thành tử cung. Vậy nhưng sau đó, nhau thai thậm chí còn "ăn" sang cả ruột của Kirrily.
Kirrily được phát hiện bị nhau cài răng lược từ rất sớm.
Tình trạng này đồng nghĩa với việc cô cần được theo dõi và siêu âm liên tục. Các bác sĩ cũng dặn dò Kirrily nhập viện ngay mỗi khi thấy xuất huyết dù chỉ là lượng rất nhỏ.
Bên cạnh đó, cô cũng được tiêm anti D, một loại kháng thể đặc biệt vì bác sĩ lo lắng cô và em bé có nhóm máu trái ngược nhau sẽ khiến cơ thể tự đào thải thai ra ngoài.
Theo kế hoạch, Kirrily sẽ được mổ lấy thai vào ngày 15/10 nhưng trước đó một tuần cô đã có cơn co chuyển dạ. Và nguy hiểm hơn nữa là khi tử cung co bóp thì nhau thai của Kirrily bắt đầu vỡ ra dẫn đến xuất huyết nặng. "Tôi đã mất 4 lít máu chỉ sau 20 phút. Khi vào đến viện cô đã mê man không biết gì", cô nói.
Bà mẹ 3 con nhập viện cấp cứu khi em bé trong tuần mới 31 tuần.
Kirrily được cho vào phòng mổ ngay lập tức. Và bà mẹ 3 con cho rằng cô thoát được cửa tử chính là nhờ phép màu bởi sự có mặt kịp thời của một bác sĩ phẫu thuật.
"Tôi chuyển dạ vào một ngày nghỉ lễ nên không có nhiều bác sĩ chuyên gia trực. Vị bác sĩ phẫu thuật đó vừa hoàn thành ca mổ đại trực tràng ở phòng bên cạnh và đã sang giúp đỡ ngay lập tức. Chính anh ấy đã cứu mạng tôi", Kirrily kể lại.
Sau khi em bé được lấy ra, các bác sĩ lập tức tách nhai thai khỏi ruột Kirrily và cắt bỏ tử cung của cô để hạn chế chảy máu. Vừa phẫu thuật, cô vừa được truyền 5 lít máu liên tục.
Sau ca mổ, Kirrily nằm phòng chăm sóc đặc biệt 4 ngày và được ra viện sau 8 ngày. Còn em bé sinh non ở tuần 31 của cô cũng phải vào phòng chăm sóc trẻ sơ sinh và sẽ ở lại đó khoảng 7 tuần. Ngoài vấn đề về hô hấp, em bé không gặp tình trạng y tế nghiêm trọng nào.
Sau ca sinh "cận kề cửa tử", Kirrily đã bị chấn thương tinh thần và cần điều trị từ bác sĩ tâm lý.
Cả Kirrily và em bé đều gặp nguy hiểm trong ca sinh.
Nhau cài răng lược là hiện tượng bệnh lý nhau không bong tróc khỏi thành tử cung sau quá trình sinh nở, mà bám chặt vào cơ tử cung, thậm chí xâm lấn các các cơ quan lân cận. Tình trạng này gây xuất huyết hậu sản, thậm chí đe dọa đến tính mạng của sản phụ và thai nhi. Nếu cài bám vào tử cung quá sâu, nhau không thể tự tách thành tử cung hoặc chỉ bong một phần. Vấn đề xảy ra là khi các mạch máu mở, mà không đóng được kịp thời. Đây cũng là nguyên nhân cần phải truyền máu, gây nhiễm trùng hậu phẫu và những lỗ dò sau mổ. Những triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh lý này trong khi mang bầu là xuất huyết âm đạo, hay xảy ra vào quý thai kỳ thứ hai. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, chỉ khi sản phụ lâm bồn, bác sỹ mới phát hiện tình trạng nhau cài. Bệnh lý này khiến băng huyết sau sinh là phổ biến nhất. Hơn 50% số trường hợp mắc nhau cài răng lược cần được truyền máu khi sinh. Nếu không được xử lý cẩn thận, bạn dễ bị sót nhau sau sinh, gây nhiễm trùng. Trầm trọng hơn, nhau cài răng lược gây sinh non vì xuất huyết quá nhiều. Nặng nề nhất, bác sỹ sẽ phải quyết định cắt tử cung. Thậm chí, nếu nhau đã lấn sang cả bàng quang hay trực tràng, thì giải pháp có thể là cắt bỏ một phần hai bộ phận trên. |