Hiện con đã được hơn 3 tháng tuổi, trộm vía hơn gấp nhiều lần lúc mới sinh nhưng hôm nào Ngọc Anh cũng nhìn lại từng khoảnh khắc của con từ khi còn là 1 em bé nhỏ xíu.
Những ngày gian nan vất vả mang bầu suốt 7 tháng và chăm con sinh non nhiều lúc tưởng như kiệt sức, mẹ bỉm Vũ Ngọc Anh, 27 tuổi ở Tây Hồ, Hà Nội vẫn thấy như mới hôm qua. Hiện con đã được hơn 3 tháng tuổi, trộm vía hơn gấp nhiều lần lúc mới sinh nhưng hôm nào Ngọc Anh cũng nhìn lại và xem từng khoảnh khắc của con từ khi còn là 1 em bé nhỏ xíu.
Vợ chồng Ngọc Anh yêu nhau 5 năm thì kết hôn nhưng sau 2 năm không thấy có tin vui. Cả 2 đã dắt nhau đi khám nhưng kết quả đều bình thường, chỉ có điều cổ tử cung của Ngọc Anh bị gập ngược nên vợ chồng phải gần nhau đúng tư thế mới dễ đậu thai. Bác sĩ cũng khuyên về thử lại nếu không được thì thử phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) 1-2 lần, không được mới tính đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Sau ca mổ đẻ, con được chuyển thẳng lên nằm lồng kính mà mẹ chưa kịp được ôm con trong tay. (Ảnh: NVCC)
“Rồi vợ chồng em cũng để thêm 1 năm nữa xem có thai tự nhiên hay không mà không thành công nên đã đồng ý làm IUI. Và hành trình này cũng khá gian nan bởi khi bước vào giai đoạn đầu tiêm kích trứng, thuốc tiêm kích lại chậm tác dụng với cơ địa em. Bình thường người ta tiêm 8-12 mũi là được nhưng em thì tận 20 mũi. Cả gia đình đã nghĩ đến việc không thành công rồi nên đăng ký làm IVF luôn đợt sau. Bởi khi tiêm mũi thứ 20 kích trứng, em chỉ còn lại đúng duy nhất 1 quả cuối cùng. Thật sự là lúc đó, em cũng không dám hy vọng gì nhiều.
Và rồi vẫn như bao ngày, sáng dậy em lấy 1 chiếc que ra test, hôm đó hiện 2 vạch mặc dù rất mờ. Hôm sau em gọi ngay người đến test beta và chiều hôm đó có kết quả mà em bật khóc nhưng vẫn chưa dám nói cho chồng biết. Đến tối, em đã sắp đặt 1 bí mật bất ngờ cho anh ấy, cả 2 vợ chồng đều mừng rơi nước mắt ôm lấy nhau vì không thể tin được. Nhưng cả 2 vẫn phải giấu ông bà, chờ nửa tháng sau có tim thai ổn định mới dám mở tiệc để thông báo”, Ngọc Anh kể.
Sau khi mang thai, người vợ 27 tuổi đã tạm dừng tất cả công việc hiện tại để dành thời gian nghỉ dưỡng thật tốt. Nhưng ngay những ngày đầu tiên, mặc dù không phải vất vả đi lại mà Ngọc Anh vẫn bị động thai, 3 tháng đầu phải nằm 1 chỗ. 3 tháng tiếp theo cũng không khỏi vất vả khó khăn khi tuần thứ 14 kiểm tra lại bị mắc tiểu đường thai kỳ sớm. Bác sĩ đã điều chỉnh lại chế độ ăn uống không được và phải làm nghiệm pháp dung nạp đường vào tuần thứ 20 của thai kỳ.
“Em bắt đầu giai đoạn ăn kiêng khem đặc biệt cùng với tiêm insulin mỗi ngày. Giờ nhắc lại em vẫn còn phát hoảng khi ngày nào cũng phải tiêm gần chục mũi insulin để giữ chỉ số ở ngưỡng an toàn. 3 bữa sáng trưa tối của em đều xoay quanh mỗi thịt luộc, rau luộc và 1/2 bát cơm nhỏ. Em bị khá nặng nên chỉ có thể ăn thịt luộc và cơm gạo lứt thì chỉ số mới không bị vượt cao. Bữa cơm nào cũng chan nước mắt nhưng nghĩ về con là động lực để em cố gắng vượt qua tất cả”, mẹ bỉm nói.
Sau sinh, con phải nằm lồng ấp 12 ngày và ở viện 1,5 tháng. (Ảnh: NVCC)
Thậm chỉ cả chuỗi thai kỳ của Ngọc Anh đều có 1 bác sĩ tiểu đường theo dõi riêng hàng ngày để giúp mẹ bầu này có thể điều chỉnh kịp thời.
Chưa dừng lại tại đó, tuần 25 của thai kỳ, Ngọc Anh lại phát hiện cổ tử cung bị ngắn sau 1 cơn gò sinh lý. Thời điểm này cô phải nằm 1 chỗ, ít vận động và điều trị thuốc nội tiết.
“Cả thai kỳ em tăng được 8kg. Nhưng sau khi đẻ xong, em về lại đúng số kg ban đầu. Sau đó vì chăm con vất vả trong viện em còn tụt thêm vài kg. Nhưng may mắn thai nhi phát triển và chỉ số của con rất tốt. Em cũng chuẩn bị tinh thần là bản thân bị bệnh có thể sẽ có nguy cơ sinh non nhưng cũng không nghĩ sẽ sinh sớm như vậy”, Ngọc Anh nói.
Sau gần 7 tháng mang thai vất vả với việc điều trị tiểu đường thai kỳ. Chỉ vài ngày nữa là con được 30 tuần nhưng vào 1 buổi sáng bình thường mẹ bầu đang đi vệ sinh thì tự nhiên thấy bị đẩy tuột túi ối ra ngoài mà không chút đau đớn hay bị chảy máu. Ngay lập tức Ngọc Anh đã đỡ lấy bọc ối vừa tuột ra ngoài một nửa rồi nhẹ nhàng ấn lại vào bên trong.
“Tim em lúc ấy như ngừng đập, run lẩy bẩy đứng dậy cố gắng bình tĩnh gọi chồng về mà trong đầu không thể suy nghĩ được gì nữa. Em còn tưởng đó là cái đầu bé xinh của con tuột ra rồi. Chồng về đưa em đi viện mà cả 2 đã đăng ký gói sinh trước đó để cấp cứu. Lúc vào biện bác sĩ cũng hoảng, nhanh chóng làm thủ tục chuyển viện và làm hồ sơ hoàn lại tiền cho em vì bảo không thể nhận xử lý được. Họ chuyển gấp em vào Phụ sản Trung ương. Sang viện mới, các bác sĩ kiểm tra lại, may chưa vỡ ối, con nằm ngôi ngang nên chưa tụt ra được.
4 ngày sau thì em lên cơn chuyển dạ, đo moniter từ đêm đến sáng, sắp vào phòng mổ thì bắt đầu cơn gò dồn tới, cổ tử cung mở nhanh. Do con lại nằm ngược đầu nên bác sĩ chỉ định đẻ mổ, thật may mắn sau đó ca mổ thành công”, sản phụ nhớ lại ngày đi đẻ.
Em bé sinh ra được 1,5kg, được chuyển thẳng lên nằm lồng kính mà mẹ chưa kịp nhìn con. Chỉ đến khi anh xã bước vào nói con nhỏ xíu nằm lồng kính ổn định rồi thì lúc đó Ngọc Anh òa khóc như trút được tất cả những gánh nặng lo lắng vừa trải qua, trút bỏ được những tủi thân 1 mình trong phòng hồi sức....
Sau sinh, Ngọc Anh nằm viện thêm 5 ngày để theo dõi sức khoẻ và vết mổ của mẹ. Còn con gái nhỏ của cô vẫn phải nằm lồng kính 12 ngày sau mới được ra với mẹ mà không cần đến máy hỗ trợ nữa. Thời điểm này, Ngọc Anh phải vào viện mỗi ngày từ 9h sáng đến 4h chiều với con, sau đó phải ra về và gửi con lại cho các y tá ở viện.
“Thời gian đó em xin thuê phòng dịch vụ nằm tại viện 24/24 để được ở lại thêm với con gái nhỏ vì lúc ấy con mới 32 tuần. Mọi thứ cứ hỗn loạn khiến em mất ăn mất ngủ vừa suy nghĩ lo lắng cho con, vừa không có đủ thời gian chăm sóc cho bản thân mình nên em sụt 4kg so với thời con gái. Chưa kể đến những khoản chi tiêu viện phí lúc đó tốn kém rất nhiều, các bác sĩ và y tá hay trêu rằng nuôi 1 bạn sinh non có khi gấp 10 lần 1 bạn sinh thường.
Nhà em may mắn còn có bà nội ngoại và chồng ở gần thay phiên nhau cơn nước, chăm sóc. Em ở viện 1 tháng cùng con, lần đầu tiên cả 2 mẹ con ăn Tết trong viện, cảm giác đầm ấm của gia đình đầy đủ ông bà anh chị em họ hàng dần được an ủi và thay thế bởi các gia đình cùng chăm con sinh non tại viện cũng ấm áp và đặc biệt không kém. Sau Tết thêm nửa tháng nữa thì 2 mẹ con tạm biệt bệnh viện để cùng nhau về nhà. Khi đó con được 36 tuần tuổi”, mẹ bỉm kể về những vất vả chăm con sinh non.
Con được như bây giờ không chỉ nhờ công sức của ba của mẹ mà còn là công lao to lớn, vất vả của cả 2 bên gia đình ông bà nội ngoại. (Ảnh: NVCC)
Từ khi về nhà, con ăn ngủ thoải mái hơn, đủ đầy hơn và được 2 bên nội ngoại chăm sóc chu đáo nên bé phát triển tốt.
“Sự phát triển của con được như bây giờ không chỉ nhờ công sức của ba của mẹ mà còn là công lao to lớn, vất vả của cả 2 bên gia đình ông bà nội ngoại. Ông bà đã dành tất cả thời gian của tuổi xế chiều đi hưởng thụ nghỉ dưỡng, đạp xe thể dục thể thao thay vào đó dành cho con cháu mình. Con đến giúp cho vợ chồng em trưởng thành hơn, biết có trách nhiệm nhiều với bản thân và với gia đình. Giờ em chỉ mong con sẽ thật khoẻ mạnh, phát triển thật tốt để có 1 cuộc đời bình an, hạnh phúc như cái tên An Nhiên mà ba mẹ đặt cho”, Ngọc Anh thừa nhận.
Đặc biệt chia sẻ hành trình mang bầu, chăm con sinh non của mình, mẹ bỉm Hà Nội còn muốn gửi đến các bố mẹ đang trong hành trình tìm con lời nhắn nhủ: “Qua câu chuyện của gia đình em, em mong sẽ là 1 nguồn động lực nhỏ tới các ba mẹ đang trong hành trình tìm con và đặc biệt là 1 lời động viên cũng như chia sẻ với những mẹ bỉm đang chăm con bị sinh non như em... Dù có thế nào chăng nữa thì các con cũng luôn là món quà vô giá nhất mà cuộc đời ban tặng, được làm cha mẹ là thiên chức lớn nhất và hạnh phúc nhất”.