Bà bầu ăn trứng ngỗng sẽ sinh con thông minh là quan niệm được nhiều chị em truyền tai nhau, liệu điều này có chính xác?
Phải chăng trứng ngỗng có giá trị dinh dưỡng cao?
Dù đã được tẩm bổ nhiều món ăn nhưng vì tin lời truyền miệng bà bầu ăn trứng ngỗng sẽ sinh con thông minh nên dù khá khó ăn các mẹ vẫn nhắm mắt “xử lý” quả trứng ngỗng “vĩ đại” vì niềm tin ăn cho thai nhi khỏe mạnh.
Thực tế khi đo kiểm, người ta thấy giá trị dinh dưỡng của trứng ngỗng không cao như chúng ta tưởng tượng. Trong trứng ngỗng chỉ có 13,5% protein, 0,33mg% vitamin A, 0,10mg% vitamin B1, 0,30mg% vitamin B2, 13,2% lipid …
Nếu so sánh hàm lượng dinh dưỡng giữa trứng ngỗng với trứng gà, trứng ngỗng hoàn toàn “thua cuộc”. Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng (0,33mg%) thấp hơn một nửa trứng gà (0,70mg%). Trứng ngỗng chứa 13,5% protein thì trứng gà cao hơn là 14,8% protein…Trong khi vitamin A và protein là những dưỡng chất cần thiết cho thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ bầu.
Trứng ngỗng chỉ ưu thế hơn trứng gà về hàm lượng cholesterol và lipid. Một quả trứng gà chứa 186mg cholesterol trong khi một quả trứng ngỗng chứa đến 1227mg cholesterol. Đáng tiếc là hai chất này đều có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe phụ nữ mang thai.
Hàm lượng dinh dưỡng của trứng ngỗng còn không bằng trứng gà. (Ảnh minh họa)
Vì sao người ta cho rằng bà bầu ăn trứng ngỗng thì tốt?
Ít người biết được giá trị dinh dưỡng thực sự của trứng ngỗng mà thường chỉ nghe lời đồn thổi truyền tai nhau. Cứ cái gì tốt, bổ thì các gia đình có xu hướng tìm mua cho mẹ bầu với hy vọng bổ mẹ tốt con.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi thường chỉ ấp trứng ngỗng để nuôi ngỗng con, ít khi bán trứng ra ngoài thị trường. Do vậy, trứng ngỗng hiếm, thường phải đặt mua mới có nên bị đẩy giá cao hơn so với giá trị thực. Gía trung bình của một quả trứng ngỗng hiện nay khoảng 30.000-35.000 đồng/quả (trong khi trứng gà giá 3.500-5.000 đồng/quả). Vì ít có và giá đắt nên vô tình nhiều người cho rằng trứng ngỗng rất bổ.
Các chuyên gia cho biết chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định bà bầu ăn trứng ngỗng sẽ sinh con thông minh hay trứng ngỗng tốt hơn các loại trứng gia cầm khác.
Hoặc thông tin ăn 7 quả trứng ngỗng sẽ sinh con trai, 9 quả trứng ngỗng sinh con gái cũng không có cơ sở khoa học. Nếu mẹ bầu ăn uống đủ chất, giữ lối sống khoa học sẽ sinh con khỏe mạnh, thông minh. Ngoài ra, trí thông minh của trẻ còn dựa vào yếu tố di truyền, quá trình áp dụng thai giáo và sự dạy dỗ rèn luyện của gia đình về sau.
Mẹ bầu ăn trứng ngỗng bao nhiêu là đủ?
Trứng ngỗng tốt, điều này không ai phủ nhận, tuy nhiên nếu cứ ăn vô tội vạ thì sẽ khiến cả mẹ và bé gặp phải những vấn đề về sức khỏe.
Điển hình nhất là trong trứng ngỗng có hàm lượng cholesterol cao hơn trứng gà khá nhiều, đây là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh xơ vỡ động mạch. Vì vậy nếu phụ nữ mang thai ăn quá nhiều trứng ngỗng sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
Vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong 1 quả trứng ngỗng khá lớn nên mẹ bầu chỉ nên ăn 1 quả/1 tuần tương đương với từ 3 – 4 quả trứng gà. Thay vào đó hãy bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả và các loại thịt, cá để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và bé.
Không phải bà bầu nào cũng ăn được trứng ngỗng. (Ảnh minh họa)
Những loại trứng gia cầm tốt cho bà bầu
Ngoài việc bà bầu ăn trứng ngỗng, chị em có thể ăn trứng gà, trứng vịt, trứng vịt lộn hoặc trứng chim cút như một nguồn bổ sung dinh dưỡng hàng ngày. Người ta nhận thấy trứng chim cút tuy có trọng lượng nhỏ, nhỏ hơn trứng gà 5 lần nhưng lượng vitamin A, B1, B2, sắt, kali và các axit amin cũng nhiều hơn trứng gà nhiều lần.
Như vậy, chị em mang bầu không nhất thiết phải ăn bằng được trứng ngỗng trong thai kì thì mới yên tâm sinh con thông minh. Còn nếu bạn muốn ăn trứng ngỗng thì cũng không có vấn đề gì nhưng không nên ăn quá nhiều các loại trứng gia cầm nói chung cũng như trứng ngỗng nói riêng vì có thể bị đầy bụng, khó tiêu.