Thạc sĩ, bác sĩ Vương Thị Hồng Thúy cho biết, thai phụ 3 tháng đầu nhiễm virus thủy đậu có thể gây sảy thai hoặc dị dạng thai nhi.
Bệnh thủy đậu (hay bệnh đậu mùa) là một căn bệnh lành tính nếu được phát hiện, điều trị đúng cách ở trẻ em và người lớn. Nhưng, với những phụ nữ trong thời kỳ thai sản nhiễm thủy đậu sẽ trở thành một mối lo lắng lớn. Bởi nó có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Thạc sĩ, bác sĩ Vương Thị Hồng Thúy (phòng khám Đa Khoa Quốc Đạt) sẽ nêu ra những biểu hiện khi thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu, các biến chứng và cách phòng ngừa bệnh.
Biểu hiện mắc bệnh
Theo bác sĩ Hồng Thúy, bệnh thủy đậu là một bệnh nhiễm khuẩn do chủng virus herpes có tên varicella-zoster gây ra, thường lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Vương Thị Hồng Thúy |
Triệu chứng thường gặp của bệnh thủy đậu là sốt nhẹ hoặc đau đầu. Trên cơ thể nổi lên các vùng ban đỏ, gồm nhiều nốt nhỏ li ti và nhanh chóng phát triển thành các mụn nước gây ngứa. Mụn nước cũng có thể xuất hiện trong miệng, trên da đầu, xung quanh mắt và trên bộ phận sinh dục. Sau khoảng 2-10 ngày, các mụn nước khô và đóng vảy. Trong một vài trường hợp, người nhiễm bệnh có thể ho dữ dội.
“Phụ nữ khi mang thai nhiễm virus thủy đậu cũng có những triệu chứng như người bình thường. Tuy nhiên, do sức đề kháng yếu nên thời gian mắc bệnh cũng như biểu hiện sẽ nặng hơn”, bác sĩ Hồng Thúy cho biết.
Những biến chứng nguy hiểm
Thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu nếu không chữa trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào độ tuổi của thai nhi.
- Trong 3 tháng đầu thai kỳ (đặc biệt từ tuần lễ thứ 8-12): Mẹ bầu nhiễm bệnh có thể bị sẩy thai, nguy cơ thai nhi bị Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0.4%.
“Dấu hiệu để nhận biết hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da, tật đầu nhỏ, bại não, đục thủy tinh thế, biến dạng chi, teo cơ, co giật, chậm phát triển tâm thần,..”, bác sĩ Hồng Thúy cho hay.
- Trong 3 tháng giữa thai kỳ (đặc biệt từ tuần 13-20): Nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%.
- Sau tuần thứ 20, hầu như không ảnh hưởng tới thai nhi.
- Nếu thai phụ nhiễm thủy đậu trong vòng 5 ngày trước và 2 ngày sau sinh, trẻ sinh ra dễ mắc phải bệnh thủy đậu lan tỏa, dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm não.
Mức độ ảnh hưởng khi mẹ bầu nhiễm virus thủy đậu tùy thuộc vào độ tuổi của thai nhi
Mẹ bầu cần làm gì khi mắc bệnh?
“Bệnh thủy đậu không có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu là theo dõi và kiểm soát các triệu chứng. Do vậy, khi mắc bệnh thai phụ cần được nghỉ ngơi tại giường và ăn uống đủ chất, tăng cường bổ sung vitamin C để cơ thể có sức đề kháng. Đồng thời, mẹ bầu cần giữ vệ sinh thân thể để da khô thoáng, tránh làm vỡ các mụn nước”, bác sĩ Hồng Thúy chỉ cách mẹ bầu cần làm khi nhiễm virus thủy đậu.
Ngoài ra, mẹ bầu có thể dùng paracetamol với liều thích hợp để làm hạ sốt và giảm bớt cảm giác khó chịu. Hoặc dùng các loại kem bôi ngoài da như calamin để giảm ngứa. Đặc biệt, cần đi khám nếu thầy các biểu hiện như: ho nhiều, co giật, đau bụng, sốt kéo dài..
Cách phòng ngừa bệnh
Bác sĩ Hồng Thúy khuyến cáo, khi có ý định mang thai, các mẹ cần tiến hành kiểm tra khả năng miễn dịch với virus thủy đậu. Tốt nhất, nên tiêm phòng vac-xin ngừa thủy đậu ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.
Đối với những phụ nữ đang mang thai cần tránh xa những người mắc bệnh thủy đậu để tránh lây nhiễm.